Thứ tư,  11/09/2024

Ấm áp vùng biên cương

LSO-Hơn 10 năm đứng chân nơi tuyến đầu Tổ quốc, Nông - lâm trường 196, thuộc Đoàn kinh tế quốc phòng 338 đã kề vai sát cánh giúp bà con các xã vùng biên giới Lạng Sơn xóa đi cái đói nghèo lạc hậu. Thời gian qua, đến với bà con, đơn vị đã tạo dựng được điểm sáng về văn hoá tinh thần, tăng gia sản xuất, đoàn kết quân dân. Những điều này đã làm ấm lại một vùng biên cương. Bộ đội Nông lâm trường 196 tham gia trồng rừng.Với 56 thôn bản thuộc 6 xã của hai huyện Cao Lộc và Lộc Bình, có những thôn bản cách trung tâm chỉ huy đến hàng trăm km, để đến với bà con, các chiến sỹ Nông-lâm trường 196 đã phải cuốc bộ vượt rừng. Theo thời gian, những bước chân của cán bộ, chiến sĩ đã hằn sâu lên những cung đường. Lãnh đạo Nông-lâm trường 196 khẳng định, ngay từ đầu anh em đã phải xác định 3 cùng với bà con là: cùng ăn, cùng ở và cùng làm. Chính vậy khi hướng dẫn cách chăn nuôi, trồng trọt và làm công trình phúc lợi...

LSO-Hơn 10 năm đứng chân nơi tuyến đầu Tổ quốc, Nông – lâm trường 196, thuộc Đoàn kinh tế quốc phòng 338 đã kề vai sát cánh giúp bà con các xã vùng biên giới Lạng Sơn xóa đi cái đói nghèo lạc hậu. Thời gian qua, đến với bà con, đơn vị đã tạo dựng được điểm sáng về văn hoá tinh thần, tăng gia sản xuất, đoàn kết quân dân. Những điều này đã làm ấm lại một vùng biên cương.
Bộ đội Nông lâm trường 196 tham gia trồng rừng.
Với 56 thôn bản thuộc 6 xã của hai huyện Cao Lộc và Lộc Bình, có những thôn bản cách trung tâm chỉ huy đến hàng trăm km, để đến với bà con, các chiến sỹ Nông-lâm trường 196 đã phải cuốc bộ vượt rừng. Theo thời gian, những bước chân của cán bộ, chiến sĩ đã hằn sâu lên những cung đường. Lãnh đạo Nông-lâm trường 196 khẳng định, ngay từ đầu anh em đã phải xác định 3 cùng với bà con là: cùng ăn, cùng ở và cùng làm. Chính vậy khi hướng dẫn cách chăn nuôi, trồng trọt và làm công trình phúc lợi mọi người mới nghe và làm theo. Với cách làm này, những quả đồi trước kia trống hua, trống hoắc hoặc chỉ toàn cây dại thì nay đã được “đánh thức”. Trung tá Bùi Thanh Trạm,giám đốc Nông- Lâm trường 196 kể: ví như chuyện trồng rừng, lúc đầu đơn vị mang cây đến cho bà con, do nhận thức còn hạn chế nên khi triển khai dự án mọi người không làm vì nghĩ rằng “trồng rừng, khi rừng tốt bộ đội lại lấy đi…”. Để loại bỏ ý nghĩ đó trong đầu bà con, cán bộ, chiến sỹ M96 đã không quản ngại đường xá xa xôi, đến từng nhà, nói với từng người để bà con hiểu cái lợi ích của việc trồng rừng. Ngoài ra, để nói cho bà con hiểu, các chiến sỹ còn phải học tiếng của bà con. Ban ngày các chiến sỹ lăn xả ở trên đồi, núi làm đất ươm cây, tối về lại đằm mình dưới ánh đèn dầu lay lắt để học tiếng Dao, tiếng Tày, tiếng Nùng… Từ việc nghe, nhìn và thấy tấm chân tình của người lính, đồng bào đã nghe theo các anh. “Khi bà con đã tin thì nói gì họ cũng nghe, nhiều hộ đã tự đến đơn vị xin nhận đất, nhận cây về trồng…”, giám đốc Nông – lâm trường 196 nói vậy. Và cứ như vậy, đến nay diện tích rừng ở các thôn đã tăng lên hơn 10 nghìn ha, phủ xanh dọc tuyến biên cương do đơn vị đảm nhận và vài trăm ha cây ăn quả đã mạng lại thu nhập bước đầu cho đồng bào nơi đây.
Tuyến biên giới nơi đơn vị phụ trách dân trí thấp, điều kiện khí hậu khắc nghiệt, đất canh tác ít đã ảnh hưởng lớn đến điều kiện sống của nhân dân. Với đặc thù là làm kinh tế dọc tuyến biên giới nên đơn vị đã chọn đầu tư vào những địa bàn trọng điểm, các công trình trọng điểm như giao thông, thuỷ lợi, nghe nhìn… Đã nâng cấp đường Ba Sơn – Pò Mã dài 13,1 km để nhân dân đi lại thuận tiện, hoàn thành các khu cung cấp nước sạch cho khu dân cư Xuất Lễ với tổng đầu tư trên 1,5 tỷ đồng. Xây dựng các khu tái định cư biên giới ở bản Pò Nhùng xã Cao Lâu, bản Bắc Lệ xã Xuất Lễ, Cao Lộc với số dân tái định cư là 315 nhân khẩu. Ngoài ra đơn vị còn làm 2 con đập trị giá hơn 30 tỷ đồng để gom nước tưới tiêu, và xây dựng bệnh xá, cử bác sỹ đến từng nhà khám chữa bệnh, cấp phát thuốc cho nhân dân. Bà con người Dao ở Công – Mẫu Sơn đều khẳng định, nhờ có bộ đội hướng dẫn chăn nuôi, trồng trọt làm cho cái đập mà đời sống nhân dân khá lên, mọi người biết ơn bộ đội lắm. Từ những việc làm thiết thực, hiệu quả nên nhân dân đã yên tâm sản xuất xây dựng đời sống nơi biên giới. Những điều này được nhân dân hết sức ủng hộ và tin tưởng. Hình ảnh anh “Bộ đội cụ Hồ” ngày càng được người dân biên giới tin yêu. Khi chúng tôi đến Nông- lâm trường 196, khắp các đơn vị, tổ đội, đang lên kế hoạch cho một đợt công tác mới, đẩy nhanh khí thế lao động sản xuất tạo ra những hiệu quả thiết thực. Nhìn những rừng thông đang lên xanh tốt, chỉ vài năm nữa những rừng thông này sẽ mang lại cho bà con những khoản thu nhập khá, từ đó sẽ đẩy lùi nghèo đói ra khỏi các bản làng nơi biên cương.

Chia tay, mắt người chiến sỹ – giám đốc Nông -lâm trường 196 vẫn đượm buồn, anh bảo, hiện ở các thôn bản vùng biên cương này vẫn còn nhiều hộ nghèo, thấy vậy mà áy náy, giá mà… Điều anh định nói chúng tôi cũng hiểu, nhưng công cuộc xóa đói, giảm nghèo không thể một sớm một chiều là có thể làm được. Những gì đơn vị mang đến cho bà con đã và đang làm ấm cả một vùng biên cương.

Lưu Vũ