Một cuộc đời cống hiến cho cách mạng
18/05/2010 07:55
Hen-mút Cáp-phen-bơ-gơ đã từng là phóng viên của Hãng Thông tấn AND và tờ báo Noi Đoi-xlan (nước Đức mới) tại Việt Nam, Trưởng Văn phòng đại diện AND Đông Dương tại Hà Nội. Năm 2009, sau 10 năm về hưu, Ông đã xuất bản cuốn sách "Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử". Ông còn là tác giả của nhiều bài báo viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh.Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ông viết bài báo "Một cuộc đời cống hiến cho cách mạng", xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.Ngày 2-9-1945, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập trên Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, thì ước nguyện cống hiến cả cuộc đời cho cách mạng, cho sự nghiệp giải phóng dân tộc khỏi ách thực dân của Người đã được thực hiện. Đó chính là bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nó đã được soạn một vài ngày trước đó chỉ bằng chiếc máy đánh chữ của Pháp. Sau nhiều năm chiến đấu chống ách nô lệ thực dân, sự kiện trên là...
Hen-mút Cáp-phen-bơ-gơ đã từng là phóng viên của Hãng Thông tấn AND và tờ báo Noi Đoi-xlan (nước Đức mới) tại Việt Nam, Trưởng Văn phòng đại diện AND Đông Dương tại Hà Nội. Năm 2009, sau 10 năm về hưu, Ông đã xuất bản cuốn sách “Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử”. Ông còn là tác giả của nhiều bài báo viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ông viết bài báo “Một cuộc đời cống hiến cho cách mạng”, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Ngày 2-9-1945, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập trên Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, thì ước nguyện cống hiến cả cuộc đời cho cách mạng, cho sự nghiệp giải phóng dân tộc khỏi ách thực dân của Người đã được thực hiện. Đó chính là bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nó đã được soạn một vài ngày trước đó chỉ bằng chiếc máy đánh chữ của Pháp. Sau nhiều năm chiến đấu chống ách nô lệ thực dân, sự kiện trên là đỉnh cao của cuộc Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi hoàn toàn mùa thu tháng 8-1945 của nhân dân Việt Nam. Trước 2-9 ít ngày, Hồ Chủ tịch đã rời căn cứ địa cách mạng ở vùng núi Việt Bắc về Hà Nội. Đây là lần đầu kể từ khi ra đi tìm đường cứu nước năm 1911, Hồ Chí Minh mới đặt chân lên Thủ đô. Hàng triệu người dân Thủ đô, cũng vì thế mà mới lần đầu tiên được nhìn và nghe Bác Hồ nói, người mà từ lâu họ vẫn biết đến với tên gọi Nguyễn Ái Quốc, lãnh tụ cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam. Và ngày 2-9-1945, nhân dân toàn quốc đã được trực tiếp thấy Bác trên Quảng trường Ba Đình.
Để có được ngày 2-9 lịch sử này, Hồ Chí Minh đã phải trải qua một con đường dài đầy chông gai và nguy hiểm. Chủ tịch Hồ Chí Minh, tên khai sinh là Nguyễn Sinh Cung, sinh ngày 19-5-1890 tại một làng quê nghèo của mảnh đất miền trung, Nghệ An. Không ai biết vì lý do gì mà cha mẹ của Người, cụ Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan lại đặt tên cho cậu con trai thứ ba của họ là Cung (Cung có nghĩa là “khiêm nhường”). Vì vậy mà có lẽ sau này họ không biết được rằng, vì khiêm tốn, con trai họ không những chỉ được nhân dân Việt Nam mà còn được hàng triệu người dân trên toàn thế giới biết đến và kính trọng. Sinh ra trong một gia đình nhà Nho nghèo nên cũng giống như hàng triệu người dân Việt Nam, đang phải chịu cảnh cùng cực dưới ách áp bức thời bấy giờ, hành trang bước vào đời của cậu bé Nguyễn Sinh Cung không phải là sự giàu có về vật chất hay một địa vị cao trong xã hội. Thay vào đó, ngay từ nhỏ, cậu được học những giá trị truyền thống của Nho giáo, được truyền thụ lòng yêu nước và những tấm gương anh hùng chống lại ách xâm lược và đô hộ. Hằng ngày phải chứng kiến những cảnh bất công trong xã hội, cậu hiểu rằng lối thoát duy nhất để thoát khỏi đói khổ và cùng cực là phải học tập không ngừng nghỉ.
Năm lên 10 tuổi, Nguyễn Sinh Cung được đổi sang tên mới. Quyết định đặt tên mới cho cậu con trai của mình là Nguyễn Tất Thành của cụ Nguyễn Sinh Sắc không nằm ngoài mong muốn rằng, giống như tên gọi, cậu sẽ hoàn thành được những gì mình mong muốn. Nguyễn Tất Thành có nghĩa là “đạt được mục tiêu”, “hoàn thành mong ước” hoặc cũng có thể là “chàng trai họ Nguyễn nhất định thành công”. Cuối năm 1911, cuộc đời của Nguyễn Tất Thành bước sang một trang mới kéo dài hơn ba thập kỷ. Cuộc đời và sự nghiệp của con người này trong 30 năm đó thường là ở trong những điều kiện khắc nghiệt, ban đầu là được sống tự do nhưng phải hoạt động và làm việc vất vả ở nước ngoài, sau đó có cả những giai đoạn phải sống lưu vong và chịu sự truy lùng gắt gao của chính quyền thực dân. Những trải nghiệm và hiểu biết của Nguyễn Tất Thành về lịch sử đấu tranh oai hùng và bi thương của dân tộc đã thôi thúc cậu phải hiểu tận gốc rễ về chủ nghĩa thực dân, để từ đó có thể tìm ra con đường đấu tranh giải phóng dân tộc và truyền bá về trong nước. Là người ôm chí lớn, nên sau khi bị đuổi học do tham gia biểu tình chống thực dân Pháp, Nguyễn Tất Thành đã quyết định rời quê hương và tìm đường ra nước ngoài.
Tại Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành tìm được việc làm đầu bếp trên tàu Pháp đang chuẩn bị lên đường đến cảng Mác-xây. Lúc đó, người thanh niên này không biết rằng chuyến bôn ba của anh sẽ kéo dài tới hơn 30 năm. Nước Pháp, các thuộc địa của Pháp ở châu Phi, Anh, Mỹ; Liên bang Xô-viết. Trung Quốc, Tây Âu (trong đó có Đức), Thái-lan là những nơi Nguyễn Tất Thành đã tới và cũng nhiều lần phải sống tại đó trong những tình thế hết sức nguy hiểm, phải sử dụng hàng trăm tên giả. Bằng cách tham gia tích cực vào các hoạt động chính trị và chịu khó tìm tòi nghiên cứu học hỏi, Nguyễn Tất Thành đã trở thành một nhà cách mạng thực thụ. Năm 1917, Sở Mật thám Pháp đưa vào danh sách đen một nhân vật có tên Nguyễn Ái Quốc. Đó chính là Nguyễn Tất Thành, người vào thời điểm đó đang trên đường từ Anh trở về Pháp. Để tránh bị theo dõi, Nguyễn Tất Thành phải đổi tên thành Ba. Sau đó, Nguyễn Tất Thành tiếp tục đổi tên thành Nguyễn Ái Quốc, có nghĩa là “Nhà yêu nước họ Nguyễn” hay “Người coi tình yêu quê hương là phẩm chất cao quý nhất” và luôn hy vọng sớm được trở về tham gia cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân ở trong nước.
Năm 1920, một số mật thám Pháp hoạt động ở Sài Gòn trước đây trở về nước đã nhận diện Nguyễn Tất Thành chính là Nguyễn Ái Quốc và tiến hành theo dõi sát sao. Cùng thời gian này, Nguyễn Ái Quốc tham gia nhiều cuộc tranh luận về tương lai của phong trào công nhân quốc tế. Cuối năm 1920, Nguyễn Ái Quốc trở thành người đồng sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và là người cộng sản đầu tiên của Việt Nam. Năm 1923, ngay sau khi lên đường tới Liên Xô, Nguyễn Ái Quốc bị đưa vào danh sách truy nã khẩn của mật thám Pháp và lệnh này kéo dài cho đến tận năm 1945. Giữa năm 1924, Nguyễn Ái Quốc đã tham dự Đại hội V Quốc tế Cộng sản tổ chức tại Liên Xô với tư cách là thành viên Đảng Cộng sản Pháp. Cuối năm đó, Người tiếp tục lên đường trở về Quảng Đông, Trung Quốc và tổ chức thành lập Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội, tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam sau này. Do sự truy bắt gắt gao của nhà cầm quyền thực dân nên tới giữa năm 1927, Nguyễn Ái Quốc phải rời khỏi Trung Quốc. Từ thời gian này cho tới giữa năm 1928, ông hoạt động tại một số nước Tây Âu với vai trò đặc phái viên của Quốc tế Cộng sản. Có thể vào thời gian này, Nguyễn Ái Quốc đã gặp E.Than-man và Uyn-hem Pi-ếch (hai nhà cộng sản nổi tiếng của Đức) tại Béc-lin. Kể từ mùa thu năm 1928 trở đi, Nguyễn Ái Quốc hoạt động chính trị cùng các thành viên của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội và đồng bào Việt Nam tại Thái-lan. Từ cuối năm 1929, dưới danh nghĩa một thương nhân Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc đã lưu lại Hồng Kông.
Ngày 3-2-1930, tại Hương Cảng (Hồng Kông), với tư cách đặc phái viên Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc tiến hành tổ chức hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Tháng 10-1930, Đảng được đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương và tên này được giữ cho tới Đại hội Đảng lần II năm 1951, trước khi đổi thành Đảng Lao động Việt Nam. Cùng thời điểm đó, Nguyễn Ái Quốc vẫn bị truy nã ráo riết. Tháng 10-1929, tòa án chính quyền thực dân Pháp tại Vinh đã tuyên bố tử hình vắng mặt đối với Nguyễn Ái Quốc. Sau khi hoàn tất việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc tiếp tục lưu lại một cách bất hợp pháp tại Hồng Kông. Tháng 6-1931, cảnh sát Anh tại Hồng Kông bắt giữ và tống giam Nguyễn Ái Quốc với tội danh gián điệp của Liên Xô. Đứng trước nguy cơ bị trao cho nhà cầm quyền Pháp tại Đông Dương, Nguyễn Ái Quốc đã được những người bạn Anh và Trung Quốc giúp thắng án và trốn khỏi Hồng Kông đầu năm 1933. Cũng có thể, chính những người này sau đó đã phát tin ra toàn thế giới rằng Nguyễn Ái Quốc đã chết. Quốc tế Cộng sản và những người cộng sản ở rất nhiều nước bày tỏ lòng tiếc thương trước thông tin này. Thực tế, từ đầu năm 1934, với sự giúp đỡ của những người lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô, Nguyễn Ái Quốc đã quay trở lại Mát-xcơ-va, dùng tên ngụy trang và học tập tại Trường Đảng Liên Xô. Mùa hè năm 1938, Quốc tế Cộng sản đã chấp thuận đề nghị của Nguyễn Ái Quốc được quay trở lại Trung Quốc và tìm cách về Việt Nam. Với tư cách đặc phái viên chính trị của Quốc tế Cộng sản, Ông đã gặp đại diện của Hồng quân Trung Quốc và sau đó được giúp đỡ về đến biên giới Trung Quốc – Việt Nam.
Sau một thời gian hoạt động chính trị cùng các đồng chí người Việt tại miền nam Trung Quốc, đầu năm 1941, khi điều kiện trở về nước hoạt động đã chín muồi, Nguyễn Ái Quốc trở về Việt Nam và sống tại một hang động ở tỉnh Cao Bằng. Từ thời điểm đó đến năm 1945, vùng miền núi Tây Bắc được xây dựng trở thành một căn cứ địa kháng chiến vững chắc. Năm 1942, với tên gọi Hồ Chí Minh, Người lên đường quay lại Trung Quốc nhằm tìm sự hỗ trợ của Đảng Cộng sản Trung Quốc cho cuộc Tổng khởi nghĩa ở Việt Nam. Tuy nhiên, trên đường đi, Hồ Chí Minh đã bị quân đội của Tưởng Giới Thạch bắt giữ và giam ở nhiều nhà lao từ thời điểm đó cho đến tháng 9-1943. Tháng 8-1944, chính quyền quân sự của Tưởng Giới Thạch trả tự do cho Hồ Chí Minh. Người lên đường về nước trong bối cảnh tình hình cách mạng trong nước lúc này đang vào giai đoạn chín muồi cho Tổng khởi nghĩa. Dưới sự chỉ đạo của Hồ Chí Minh, Việt Nam độc lập Đồng minh (Việt Minh) đã chuẩn bị cho khởi nghĩa. Năm 1945, cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám đã giành thắng lợi hoàn toàn.
Hồ Chí Minh trở thành Chủ tịch Chính phủ lâm thời và đến tháng 3-1946 được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau một thời gian ngắn ở tại Thủ đô, cuối năm 1946, Hồ Chí Minh cùng với nhiều cơ quan quan trọng của Đảng phải rút lên miền núi Việt Bắc và tổ chức kháng chiến chống lại cuộc tái xâm lược của thực dân Pháp cho đến năm 1954. Năm 1951, Đại hội Đảng Đảng Lao động Việt Nam đã bầu Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Đảng. Hồ Chí Minh đồng thời giữ cương vị Chủ tịch nước từ thời điểm đó cho tới khi Người qua đời ngày 2-9-1969. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Là một người suốt đời phục vụ cách mạng”. Có thể khẳng định, những gì cuộc đời con người này trải qua đã minh chứng cho điều đó.
Theo Nhandan