Thứ hai,  16/09/2024

Chuyện kể những lần được gặp và phục vụ Bác Hồ

LSO- Trên 40 năm công tác, đặc biệt những năm 1957-1958, là phóng viên – Biên tập viên Thông tấn xã Việt Nam, ông Khánh đã kể lại dấu ấn kỷ niệm sâu sắc về những lần được gặp và phục vụ Bác Hồ.Nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2010), tôi hồi nhớ và kể chuyện về những lần được gặp và phục vụ Bác Hồ, mong muốn góp thêm phần hình ảnh, mẩu chuyện cho Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.Lần thứ nhấtTháng 9 năm 1954, sau Hiệp định Giơnevơ lập lại hoà bình ở ba nước Đông Dương, tại chân núi Tam Đảo thuộc huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, Bác Hồ tới thăm và nói chuyện với gần 3.000 cán bộ dự Hội nghị tổng kết cải cách ruộng đất và cán bộ chuẩn bị vào tiếp quản thủ đô Hà Nội.Về cải cách ruộng đất Bác nói: “Qua mấy đợt cải cách ruộng đất ở một số tỉnh làm tốt, có thành tích, đem lại ruộng đất chia cho dân cày, khuyến khích nông dân phát triển sản...

LSO- Trên 40 năm công tác, đặc biệt những năm 1957-1958, là phóng viên – Biên tập viên Thông tấn xã Việt Nam, ông Khánh đã kể lại dấu ấn kỷ niệm sâu sắc về những lần được gặp và phục vụ Bác Hồ.

Nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2010), tôi hồi nhớ và kể chuyện về những lần được gặp và phục vụ Bác Hồ, mong muốn góp thêm phần hình ảnh, mẩu chuyện cho Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Lần thứ nhất

Tháng 9 năm 1954, sau Hiệp định Giơnevơ lập lại hoà bình ở ba nước Đông Dương, tại chân núi Tam Đảo thuộc huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, Bác Hồ tới thăm và nói chuyện với gần 3.000 cán bộ dự Hội nghị tổng kết cải cách ruộng đất và cán bộ chuẩn bị vào tiếp quản thủ đô Hà Nội.
Về cải cách ruộng đất Bác nói: “Qua mấy đợt cải cách ruộng đất ở một số tỉnh làm tốt, có thành tích, đem lại ruộng đất chia cho dân cày, khuyến khích nông dân phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, có lương thực, thực phẩm tiếp tế cho tiền tuyến, có lực lượng thanh niên gia nhập bộ đội nên đã đánh thắng trên các mặt trận, đặc biệt là đại thắng chiến dịch Điện Biên Phủ. Buộc Pháp ký hiệp định Giơnevơ lập lại hoà bình ở ba nước Đông dương. Miền Bắc nước ta hoàn toàn được giải phóng; miền Nam tiếp tục đấu tranh giải phóng tiến tới thống nhất đất nước…. Giảm tô, cải cách ruộng đất phải nắm vững đường lối chính sách, nhận rõ lực lượng chính của ta ở đâu, phải biết dựa vào bần cố nông, đoàn kết trung nông.
….Về mặt đoàn kết nội bộ, cán bộ cũ giúp đỡ cán bộ mới trong đợt vừa rồi cũng khá. Nói như vậy không phải không có khuyết điểm. Khuyết điểm khá phổ biến là muốn nghỉ ngơi, có người muốn vào thành phố…Sở dĩ các cô, các chú muốn nghỉ ngơi, muốn vào thành phố vì chưa nhận rõ cải cách ruộng đất là quan trọng.
Bất kỳ chỗ nào, bất kỳ việc gì Đảng và Chính phủ giao thì các cô các chú phải làm tròn, cho nên “chớ đứng núi này, trông núi nọ”.(1)
Về tiếp quản thủ đô Hà Nội; Bác nói “Bây giờ các cô, các chú đang học 8 chính sách, 10 điều kỷ luật vào tiếp quản, có thể có những người khi kháng chiến thì rất anh dũng, trước bom đạn địch không chịu khuất phục, nhưng đến khi về thành thị bị tiền bạc, gái đẹp quyến rũ mất lập trường sa vào tội lỗi. Cho nên bom đạn của địch không nguy hiểm bằng “đạn bọc đường”. (2)
Bác giải thích về chính sách “lưu dung”. … Ta tiếp nhận người đã làm việc trong vùng tạm chiếm được giải phóng vào làm việc trong cơ quan nhà nước ta là để giữ vững sự ổn định cho đời sống nhân dân, không bị đảo lộn. Vì lợi ích của cách mạng, đoàn kết dân tộc, không phải vì cá nhân họ”.
Trong bộ máy Nhà nước ta có nhiều Bộ, nhiều ngành chức năng để điều hành việc nước, phục vụ nhân dân. Bác ví chiếc đồng hồ thì có vỏ, có trục, bánh xe, kim ngắn, kim dài..v.v

Bác nói chuyện xong ra về là thời khắc hiếm hoi, không ai bảo ai, có hàng trăm cán bộ chạy đi lối tắt đón đứng cạnh đường đi để được nhìn rõ Bác. Làm trễ bước đi của Bác. Có các đồng chí Trần Danh Tuyên và Trần Duy Hưng (sau tiếp quản là Bí thư, Chủ tịch Hà Nội). Trước tình thế đó, Bác đứng lên gò đất cao, trên đường đi Bác hỏi… “các cô các chú có nghe lời Bác không?”. Tất cả đồng thanh trả lời “có” rồi Bác ra hiệu: “Tất cả đứng tại chỗ” để Bác đi. Mọi người ai nấy đều thoả ước mong và trở về nơi xuất phát – Hội trường.




Hồ Chủ tịch về thăm đình Tân Trào (1961)
Ảnh: Tư liệu

Lần thứ hai (Ngày 20/5/1957)
Tôi tham gia đoàn cán bộ, phóng viên cơ quan Thông tấn xã Việt Nam ra sân bay Gia Lâm đón đoàn đại biểu tối cao Xô Viết (Liên Xô) do nguyên soái Chủ tịch Vôrôsilôp dẫn đầu sang thăm Việt nam. Sau khi Bác dẫn Chủ tịch Vôrôsilôp duyệt đội danh dự rồi bước lên lễ đài, Bác Hồ đứng nghiêm sửa lại ve cổ áo, Chủ tịch Vôrôsilôp chải lại tóc, xong hai vị chủ tịch mới bắt đầu tiến hành đọc diễn văn đón, đáp lễ chào mừng.
Diễn văn Bác Hồ nói “Hôm nay nhân dân Việt nam vô cùng sung sướng được đón tiếp đồng chí lãnh tụ Nhà nước Liên Xô đến thăm Việt Nam và mang đến cho nhân dân Việt Nam tình thân ái của nhân dân Liên Xô anh em… Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Liên Xô vĩ đại, nhân dân lao động Liên Xô đã làm cách mạng XHCN thành công, hiện đang tiến mạnh trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa cộng sản và soi sáng con đường giải phóng giai cấp lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới….Nhân dân Việt Nam đã đi theo đúng con đường sáng sủa ấy, nhờ vậy mà đã làm cách mạng Tháng Tám thành công, đã kháng chiến thắng lợi, đã giành lại độc lập cho toàn nửa nước Việt nam; nhân dân Việt Nam vô cùng biết ơn nhân dân, Chính phủ và Đảng cộng sản Liên Xô. (3)
Lần thứ ba
Với tư cách phóng viên báo chí dự thính kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá III năm 1957. Nội dung chương trình kỳ họp của Quốc hội: Nghe báo cáo của Chính phủ về thực hiện kế hoạch nhà nước 5 năm phát triển kinh tế, báo cáo thu chi ngân sách, báo cáo về phát triển kinh tế những năm tới, về nhân sự các Bộ trong Chính phủ…. Quốc hội ra Nghị quyết chính sách sửa sai trong giảm tô và cải cách ruộng đất.
Trong quá trình thảo luận, có ý kiến của đại biểu Quốc hội – Hiến pháp không nên đưa tên Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng cộng sản Việt Nam) vào văn kiện của Quốc hội?!”.
Ngay tức thì các đồng chí: Dương Bạch Mai, Trần Danh Tuyên, Trần Duy Hưng tranh luận nêu rõ…. Nhờ có Đảng cộng sản nay là Đảng lao động Việt Nam lãnh đạo nhân dân ta tiến hành chiến đấu đánh Pháp đuổi Nhật, làm cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công mới có ngày nay. Đã có nhiều đảng viên của Đảng và nhân dân yêu nước bị bắt bớ, tù đày, hy sinh xương máu cho nước Việt Nam dân chủ cộng hoà”.
Trong không khí tranh luận sôi nổi có phần gay gắt thì từ Chủ tịch đoàn, Bác Hồ lắc chuông chấm dứt cuộc tranh luận; và tên Đảng Lao động Việt Nam được ghi là 1 điều như trong Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đã được ấn hành.
Lần thứ tư
Sau khi Đảng và Chính phủ có chính sách về sửa sai, Uỷ ban Dân tộc Trung ương và Ban nông nghiệp Trung ương triệu tập đại biểu của các tỉnh đã tiến hành giảm tô ở miền núi về học tập, quán triệt tinh thần, nội dung chủ trương, chính sách sửa sai của Đảng và Chính phủ.
Tôi được cơ quan Thông tấn xã Việt Nam cử đến dự họp. Hội nghị được vinh dự đón Bác Hồ đến dự và phát biểu chỉ đạo. Bác nói… “Để thực hiện chính sách giảm tô và cải cách ruộng đất để dân cày có ruộng, vừa qua một số tỉnh làm tốt, có thành tích. Tuy nhiên cũng đã phạm sai lầm làm tổn hại đến lợi ích của nông dân, đến khối đoàn kết trong nông thôn. Để thực hiện tốt việc sửa sai, các cô, các chú phải nghiên cứu, học tập nắm vững chính sách; trở về địa phương tổ chức học tập trong nhân dân, nông dân, làm tốt công tác sửa sai, không để xảy ra mất đoàn kết trong nhân dân. Tuyệt đối không được có hành vi trả thù với người làm sai, với cốt cán…

Bác mong các cô, các chú về thực hiện tốt công tác sửa sai và mọi nhiệm vụ được Đảng và tổ chức giao cho…” Mọi người xúc động, trước lúc ra về Bác phát bánh kẹo cho mọi người.

(Còn nữa)

Chu Đình Khánh