Thứ hai,  16/09/2024

Nhiều tỉnh, thành phố tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba

Ngày 14-4, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XV, tổng kết công tác tổ chức và hoạt động nhiệm kỳ 2004-2011. Đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ và đại diện một số bộ, ngành T.Ư dự.Nhiệm kỳ qua, HĐND tỉnh Hà Tĩnh đã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo luật định, có những đổi mới về cơ cấu tổ chức cũng như phương thức hoạt động, thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ, quyền hạn của mình.Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đánh giá kết quả HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XV đạt được, và chỉ ra những yếu kém cần phải khắc phục. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian tới Hà Tĩnh tập trung lãnh đạo chỉ đạo tốt bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp; bầu đội ngũ cán bộ có năng lực, vì nhân dân phục vụ; triển khai thành công các dự án trọng điểm; tập trung làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, di dời tái định cư gắn với phát triển tam nông và xây dựng nông thôn mới, bảo đảm...

Ngày 14-4, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XV, tổng kết công tác tổ chức và hoạt động nhiệm kỳ 2004-2011. Đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ và đại diện một số bộ, ngành T.Ư dự.

Nhiệm kỳ qua, HĐND tỉnh Hà Tĩnh đã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo luật định, có những đổi mới về cơ cấu tổ chức cũng như phương thức hoạt động, thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đánh giá kết quả HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XV đạt được, và chỉ ra những yếu kém cần phải khắc phục. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian tới Hà Tĩnh tập trung lãnh đạo chỉ đạo tốt bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp; bầu đội ngũ cán bộ có năng lực, vì nhân dân phục vụ; triển khai thành công các dự án trọng điểm; tập trung làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, di dời tái định cư gắn với phát triển tam nông và xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội.

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ trao Huân chương Lao động hạng nhất tặng HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XV.

Ngày 14-4, Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XII tỉnh Thanh Hóa tổ chức tổng kết nhiệm kỳ hoạt động. Đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư dự hội nghị.

Nhiệm kỳ 2007 – 2011, hoạt động của đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa có nhiều đổi mới, thiết thực, hiệu quả. Tiếp xúc cử tri được tổ chức liên phường, liên xã, theo chuyên đề, lĩnh vực, hướng tới đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, đi đôi với thường xuyên theo dõi, đôn đốc giải quyết vấn đề bức xúc, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri, tăng cường tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Các đại biểu Quốc hội của tỉnh tích cực, chủ động trong thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao, tổ chức hoạt động giám sát, tham gia xây dựng các dự án luật, đóng góp ý kiến nâng cao chất lượng kỳ họp, đáp ứng lòng mong mỏi của cử tri.

Đánh giá kết quả đạt được, chỉ rõ những hạn chế, rút ra những bài học kinh nghiệm, các đại biểu Quốc hội khóa XII tỉnh Thanh Hóa bày tỏ mong muốn các đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ tới tiếp tục có nhiều sáng kiến, đổi mới phương thức hoạt động theo hướng năng động, dân chủ, thiết thực, gắn bó với cử tri, tăng cường phối hợp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Trong các ngày 13 và 14-4, Đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng bầu cử T.Ư do Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu làm Trưởng đoàn đã kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị bầu cử Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2011 – 2016 tại Thanh Hóa.

Sau khi đi kiểm tra, giám sát tại huyện Hoằng Hóa, đoàn công tác đã làm việc với Ban chỉ đạo, Ủy ban bầu cử tỉnh Thanh Hóa. Đến thời điểm này, Thanh Hóa đã thành lập 665 ủy ban bầu cử các cấp, 4.945 ban bầu cử. Theo phê chuẩn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tỉnh Thanh Hóa có sáu đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội. Tỉnh đã trình Chính phủ phê chuẩn 31 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND tỉnh; ban hành quyết định phê chuẩn 282 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện. Thanh Hóa cũng đã tổ chức hiệp thương lần thứ hai thỏa thuận, giới thiệu những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016 và đang chuẩn bị hiệp thương lần thứ ba.

Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá cao công tác chuẩn bị bầu cử của tỉnh Thanh Hóa và đề nghị ủy ban bầu cử tỉnh và các cấp, ngành trong tỉnh cần tập trung thực hiện tốt bước hiệp thương lần thứ ba để lựa chọn được những người ứng cử bảo đảm cơ cấu, thành phần, đủ tiêu chuẩn. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về cuộc bầu cử, nhất là hướng tới tầng lớp thanh niên, công nhân lao động, đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo để nhân dân hiểu rõ quyền, trách nhiệm của mình trong việc lựa chọn những người đủ đức, đủ tài, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân tham gia cơ quan quyền lực từ T.Ư đến địa phương. Từ nay đến ngày bầu cử, tỉnh cần nắm chắc tình hình biến động dân cư; rà soát danh sách cử tri; bổ sung cơ sở vật chất, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát tại các đơn vị bầu cử, động viên nhân dân tham gia bầu cử.

Chiều 14-4, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Bí thư T.Ư Đảng, Bộ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam phối hợp các bộ, ngành tổ chức Tọa đàm &#39Nâng cao tỷ lệ nữ đại biểu QH khóa XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016&#39. Tại buổi tọa đàm, các đại biểu được giới thiệu những chủ trương, chính sách, quan điểm của Đảng và Nhà nước về bình đẳng giới; sự tham gia của phụ nữ trong QH và HĐND cũng như định hướng các hoạt động tuyên truyền về bình đẳng giới trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tại đây, các đại biểu đề xuất những biện pháp: Cần xóa bỏ các định kiến về giới cũng như nỗ lực của các ngành, cấp nhằm bảo đảm chỉ tiêu nữ đại biểu QH khóa XIII và HĐND nhiệm kỳ 2011-2016 đạt từ 30% trở lên…

Ngày 14-4, Ủy ban MTTQ thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba thống nhất lập danh sách chính thức giới thiệu người ứng cử đại biểu QH khóa XIII trên địa bàn thành phố. Theo kết quả Hội nghị hiệp thương lần thứ hai, TP Hồ Chí Minh có 63 người được MTTQ thành phố lập danh sách sơ bộ để lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú và nơi làm việc, trong đó có 41 người được các cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu; 22 người tự ứng cử. Đến ngày 12-4, có sáu người gửi đơn xin rút khỏi danh sách. Căn cứ tiêu chuẩn đại biểu QH và kết quả hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú và nơi công tác đối với những người ứng cử đại biểu QH, hội nghị đã thảo luận và thống nhất lập danh sách chính thức người ứng cử đại biểu QH khóa XIII là 41 người, trong đó có bốn người tự ứng cử. Trong tổng số người được giới thiệu có 12 người là nữ, ba người trẻ tuổi, hai người là người dân tộc thiểu số, ba người là đại biểu các tôn giáo. Theo quy định, TP Hồ Chí Minh được bầu 30 đại biểu QH khóa XIII. Cùng với 11 đại biểu do T.Ư giới thiệu, tổng số người ứng cử trên địa bàn thành phố là 52 người. Với 10 đơn vị bầu cử, TP Hồ Chí Minh có tám đơn vị có số người ứng cử là năm, bầu ba đại biểu và hai đơn vị có số người ứng cử là sáu, bầu ba đại biểu.

Sáng 14-4, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hải Phòng tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba, lập danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu HĐND TP Hải Phòng khóa XIV, nhiệm kỳ 2011 – 2016.

Tại hội nghị, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ TP Hải Phòng đã báo cáo tình hình, kết quả việc tổ chức lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với những người ứng cử, kết quả lấy ý kiến nhận xét của cử tri nơi công tác đối với người tự ứng cử đại biểu HĐND TP khóa XIV, nhiệm kỳ 2011-2016.

Hội nghị tiến hành thảo luận và lập danh sách chính thức gồm 95 người ứng cử đại biểu HĐND TP Hải Phòng khóa XIV. Trong đó, 94 người do các cơ quan, đơn vị, tổ chức giới thiệu ứng cử, một người tự ứng cử.

Sáng 14-4, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Hòa Bình tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lập danh sách chính thức người ứng cử đại biểu QH khóa XIII và ứng cử đại biểu HĐND tỉnh Hòa Bình nhiệm kỳ 2011 – 2016. Sau khi nghe Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh báo cáo kết quả tổ chức lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với những người ứng cử đại biểu QH và ứng cử đại biểu HĐND tỉnh Hòa Bình, hội nghị đã thảo luận, thỏa thuận và thống nhất bằng hình thức bỏ phiếu kín thông qua danh sách chính thức tám người ứng cử đại biểu QH khóa XIII (không kể hai người ứng cử do T.Ư giới thiệu) và 88 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh Hòa Bình. Trong số những người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh, có gần 57% là người dân tộc thiểu số.

Sáng 14-4, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Yên Bái tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba thống nhất danh sách chính thức người ứng cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016.

Hội nghị đã tiến hành thảo luận, thỏa thuận và thống nhất danh sách chính thức gồm 91 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh. Toàn tỉnh Yên Bái có 16 đơn vị bầu cử; số đại biểu HĐND tỉnh được bầu là 59 đại biểu. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Yên Bái cũng đã tổ chức hội nghị hiệp thương thảo luận, thỏa thuận, thống nhất danh sách chính thức người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII của tỉnh Yên Bái là tám người.

Ngày 14-4, Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Yên tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba, thỏa thuận và thống nhất danh sách tám người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII. Những người ứng cử đại biểu Quốc hội tại tỉnh Phú Yên đều có trình độ đại học trở lên, trong đó có một tiến sĩ.

Ngày 14-4, Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Nai tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba thỏa thuận và thống nhất lập danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2011 – 2016. Tại hội nghị, 100% số đại biểu biểu quyết thống nhất giới thiệu danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII là 15 người (trong đó một người tự ứng cử) và 134 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh.

Ngày 14-4, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lập danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2011 – 2016.

Hội nghị đã thảo luận và thống nhất danh sách chính thức gồm tám đại biểu ứng cử đại biểu Quốc hội (chưa kể ba đại biểu của T.Ư giới thiệu) và 119 đại biểu ứng cử HĐND các cấp.

Sáng 14-4, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Bình Thuận tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba để thỏa thuận lập danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2011 – 2016. Hội nghị đã biểu quyết nhất trí lập danh sách chính thức tám người ứng cử đại biểu QH khóa XIII, trong đó có bốn nữ và một người dân tộc thiểu số. Như vậy, cùng với ba người do T.Ư giới thiệu, Bình Thuận có 11 người ứng cử để cử tri bầu chọn bảy đại biểu. Hội nghị cũng đã thảo luận, lập danh sách chính thức 88 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh.

Theo Nhandan