Thứ hai,  16/09/2024

Phát triển lâm sản đặc sản: Điểm nhấn từ cây hồi

LSO-Có người ví von hồi là một nửa của Xứ Lạng, ngẫm ra cũng chẳng có gì là quá. Với tổng diện tích trên 33.000ha, trong đó trên 10.000ha đang cho thu hoạch. Sản lượng hồi khô hàng năm của Lạng Sơn đạt gần 6.000 tấn. Không chỉ có giá trị về mặt văn hoá, tinh thần, cây hồi thực sự trở thành một loại cây chiến lược trong phát triển lâm sản đặc sản của Lạng Sơn.Được coi là “rốn” hồi của cả nước, tuy nhiên trong những năm qua có một thực tế đáng buồn là trong khi giá hồi bấp bênh, thị trường tiêu thụ “chập chờn” thì chất lượng, sản lượng hồi cũng có xu hướng đi xuống. Chính vì vậy, tạo cho sản phẩm hồi Xứ Lạng một thương hiệu riêng được thị trường chấp nhận và nâng cao năng suất, chất lượng cây hồi là nhiệm vụ song hành vừa cấp bách, vừa lâu dài đặt ra cho các ngành chuyên môn. Trong đó khoa học và công nghệ (KH&CN) có vai trò trọng yếu.Dây truyền chế biến tinh dầu hồi đang được lắp đặt và vận hành thử nghiệm tại xã Yên Phúc...

LSO-Có người ví von hồi là một nửa của Xứ Lạng, ngẫm ra cũng chẳng có gì là quá. Với tổng diện tích trên 33.000ha, trong đó trên 10.000ha đang cho thu hoạch. Sản lượng hồi khô hàng năm của Lạng Sơn đạt gần 6.000 tấn. Không chỉ có giá trị về mặt văn hoá, tinh thần, cây hồi thực sự trở thành một loại cây chiến lược trong phát triển lâm sản đặc sản của Lạng Sơn.
Được coi là “rốn” hồi của cả nước, tuy nhiên trong những năm qua có một thực tế đáng buồn là trong khi giá hồi bấp bênh, thị trường tiêu thụ “chập chờn” thì chất lượng, sản lượng hồi cũng có xu hướng đi xuống. Chính vì vậy, tạo cho sản phẩm hồi Xứ Lạng một thương hiệu riêng được thị trường chấp nhận và nâng cao năng suất, chất lượng cây hồi là nhiệm vụ song hành vừa cấp bách, vừa lâu dài đặt ra cho các ngành chuyên môn. Trong đó khoa học và công nghệ (KH&CN) có vai trò trọng yếu.
Dây truyền chế biến tinh dầu hồi đang được lắp đặt và vận hành thử nghiệm tại xã Yên Phúc (Văn Quan)
Tiến sĩ Lường Đăng Ninh, Giám đốc Sở KH&CN cho biết: Được Tỉnh ủy và UBND tỉnh giao nhiệm vụ trực tiếp thực hiện việc xây dựng và đăng ký bảo hộ tên gọi xuất xứ cho sản phẩm hoa hồi, để thực hiện nhiệm vụ này, Sở Khoa học và Công nghệ Lạng Sơn đã phối hợp và được Cục Sở hữu trí tuệ giúp đỡ về chuyên môn nghiệp vụ, tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Ban quản lý dự án “Xác lập và đăng ký bảo hộ quyền đối với Chỉ dẫn Địa lý Lạng Sơn cho sản phẩm hoa hồi”. Đó là cả một quá trình lâu dài và đương nhiên là rất phức tạp, nó đòi hỏi sự quyết tâm vào cuộc đồng bộ của nhiều ngành, chứ không phải của riêng ngành khoa học. Ngày 28/5/2007, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã công bố Quyết định đăng bạ tên gọi xuất xứ hàng hóa đối với sản phẩm hoa hồi Lạng Sơn là tài sản quốc gia, được Nhà nước bảo hộ vô thời hạn trên toàn lãnh thổ. Đây là cơ sở quan trọng để cây hồi Lạng Sơn phát triển có quy hoạch, tập trung đầu tư khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng và mở rộng thị trường… tránh tình trạng sản xuất bấp bênh, chất lượng không đảm bảo và trôi nổi trên thị trường như hàng chục năm vừa qua. Đã có rất nhiều lợi ích, trong đó, dễ nhận ra nhất là từ đó cho đến nay, giá trị của sản phẩm hồi Lạng Sơn đã tăng lên gấp 2,5 đến 3 lần.
Đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý là công việc khó khăn phức tạp, nhưng việc quản lý, phát triển chỉ dẫn địa lý được bảo hộ còn khó khăn phức tạp hơn nhiều. Chính vì thế, ngay sau khi đăng bạ, ngay lập tức dự án tiếp theo được triển khai thực hiện đó là dự án xây dựng mô hình, quy chế quản lý. Trong đó có 2 nội dung quan trọng là xây dựng mô hình quản lý nội bộ và trong năm 2008 Hội sản xuất chế biến và kinh doanh hồi Lạng Sơn đã ra đời để thực hiện nội dung này. Ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch Hội cho biết: Số hội viên hiện nay đã tăng lên khoảng 300 người, ở 6 huyện trên địa bàn tỉnh, trong đó tất cả đều tham gia vào một trong các quá trình trồng, chế biến và kinh doanh hồi, nhiệm vụ trọng tâm là các hội viên phải cùng đảm bảo chất lượng hồi theo đúng quy trình kỹ thuật ở tất cả các công đoạn. Nói một cách khác, với mọi nỗ lực, sản phẩm hồi Lạng Sơn đã được cả thế giới biết đến và giờ là lúc phải giữ gìn và phát triển thương hiệu đó. Nội dung tiếp theo của dự án này là vai trò quản lý của nhà nước trong việc ban hành các cơ chế chính sách hợp lý tạo thị trường cho sản phẩm hồi.

Song hành với đó, dự án hợp tác quốc tế với nước bạn Trung Quốc về “Hợp tác cải tạo rừng hồi năng suất thấp và ứng dụng kỹ thuật chế biến sản phẩm hồi” đã và đang tích cực được triển khai. Mô hình cải tạo rừng hồi thí điểm với quy mô 20 ha ở Đồng Giáp (Văn Quan) đang thu được những kết quả tích cực và trong thời gian tới, sau khi có những tổng kết, đánh giá toàn diện, mô hình này sẽ được nhân rộng ra hầu hết các diện tích hồi đang cho thu hoạch hiện nay, từ đó tạo ra sự đột phá về năng suất và chất lương. Công nghệ chế biến cũng đang được thử nghiệm. Hiện nay tại xã Yên Phúc, huyện Văn Quan đã có một số dây chuyền chưng cất tinh dầu hồi của cả Trung Quốc và Việt Nam đang được vận hành song song để có thể lựa chọn một dây chuyền tối ưu nhất. Có thể khẳng định, với những việc đã và đang triển khai, Lạng Sơn hoàn toàn có thể tin tưởng vào một tương lai tươi sáng của cây hồi, từ đó tạo ra một sức bật mạnh mẽ trong phát triển lâm sản đặc sản, gắn liền với công nghệ chế biến hiện đại. Và từ đó, cũng chẳng có lý do gì mà người dân Xứ Lạng không nghĩ tới một thương hiệu rất riêng của những vùng cây đặc sản khác như na, quýt, hồng…

Lê Minh