Thứ hai,  16/09/2024

Làm rõ hành vi xả trộm nước thải của Công ty Tung Kuang

Chiều 15-5, Thượng tá Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh Hải Dương, cho biết đã phát hiện hai ống ngầm lớn phi 300, được chôn sâu cách mặt đất ba mét nối từ hệ thống gom nước thải của Công ty Tung Kuang ra sông Ghẽ (Cẩm Giàng). Đây chính là hệ thống đường ống được dùng để bơm nước thải chưa qua xử lý thải ra môi trường.Trước đó, khoảng 20 giờ 30 phút, ngày 13-4, Cục Cảnh sát Môi trường (Bộ Công an) tiến hành kiểm tra đột xuất phát hiện Công ty Tung Kuang đã xả một lượng lớn chất thải không qua xử lý ra sông Ghẽ, cách nhà máy khoảng 200 m, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Lực lượng Cảnh sát Môi trường đã mất khoảng hai đến ba tháng dùng biện pháp nghiệp vụ, kết hợp thông tin của quần chúng nhân dân, lập chuyên án trinh sát để đấu tranh làm rõ.Việc xả trộm nước thải của Công ty Tung Kuang rất tinh vi. Bên cạnh hệ thống xử lý nước thải theo quy định để đối phó các cơ quan chức năng, công ty...

Chiều 15-5, Thượng tá Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh Hải Dương, cho biết đã phát hiện hai ống ngầm lớn phi 300, được chôn sâu cách mặt đất ba mét nối từ hệ thống gom nước thải của Công ty Tung Kuang ra sông Ghẽ (Cẩm Giàng). Đây chính là hệ thống đường ống được dùng để bơm nước thải chưa qua xử lý thải ra môi trường.

Trước đó, khoảng 20 giờ 30 phút, ngày 13-4, Cục Cảnh sát Môi trường (Bộ Công an) tiến hành kiểm tra đột xuất phát hiện Công ty Tung Kuang đã xả một lượng lớn chất thải không qua xử lý ra sông Ghẽ, cách nhà máy khoảng 200 m, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Lực lượng Cảnh sát Môi trường đã mất khoảng hai đến ba tháng dùng biện pháp nghiệp vụ, kết hợp thông tin của quần chúng nhân dân, lập chuyên án trinh sát để đấu tranh làm rõ.

Việc xả trộm nước thải của Công ty Tung Kuang rất tinh vi. Bên cạnh hệ thống xử lý nước thải theo quy định để đối phó các cơ quan chức năng, công ty còn lắp đặt thêm đường ống phụ không qua quy trình xử lý hóa chất để xả thẳng ra môi trường. Trong hai ngày 14 và 15-4, lực lượng Cảnh sát Môi trường đã phải dùng phương tiện cơ giới, khoan cắt bê-tông, đào xác định hệ thống đường ống ngầm mà Công ty Tung Kuang bơm xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường.

Năm 2007, Công ty Tung Kuang đã bị Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường xử phạt hơn 100 triệu đồng vì hành vi xả chất thải nguy hại chưa qua xử lý ra môi trường. Thanh tra bộ này đã yêu cầu doanh nghiệp phải chấm dứt mọi hành vi xả thải trái phép, nhưng Công ty Tung Kuang vẫn ngang nhiên vi phạm. Việc xả nước thải gây ô nhiễm môi trường chung quanh đã được người dân địa phương nhiều lần phản ánh với các ngành, các cấp của tỉnh Hải Dương.

Theo thông tin ban đầu từ các cơ quan chức năng, chất thải mà Công ty Tung Kuang xả trộm ra sông Ghẽ chứa nhiều độc tố nguy hại, xả gần với khu vực bơm thu nước mặt của nhà máy cung cấp nước sạch cho nhân dân nên tính chất càng trở nên nghiêm trọng. Cục Cảnh sát Môi trường đã đề nghị Trung tâm kiểm định nước sạch Hà Nội về địa phương lấy mẫu, xác định rõ các chất gây nguy hại cho môi trường; yêu cầu doanh nghiệp này dừng việc xả thải ra môi trường.

Được biết, Công ty Tung Kuang là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, được UBND tỉnh Hải Dương cấp phép đầu tư từ năm 2003. Năm 2005, công ty này chính thức đi vào sản xuất và chuyên sản xuất nhôm định hình. Theo phản ánh của nhân dân địa phương, từ khi đi vào sản xuất, Công ty Tung Kuang luôn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sản xuất của nhân dân trong vùng. Tuy nhiên, việc kiểm tra, xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp chưa kịp thời.

* Lúc 10 giờ 30 phút ngày 15-4, Cảnh sát Môi trường tỉnh Lào Cai phát hiện, bắt quả tang cơ sở giặt tẩy vỏ bao xi-măng ở tổ 12, phường Duyên Hải, TP Lào Cai đang xả thẳng nguồn nước bẩn, độc hại xuống sông Nậm Thi (đổ ra thượng nguồn sông Hồng), chỉ cách trạm bơm cấp nước nguồn để lọc của Nhà máy nước Lào Cai khoảng bốn km.

Chủ cơ sở là ông Vương Quốc Mộc, 50 tuổi, khai nhận bắt đầu hoạt động từ ngày 10-3-2010, mỗi giờ thải xuống sông Nậm Thi khoảng bảy mét khối nước bẩn. Vỏ bao xi-măng cũ được cho vào thùng giặt, bơm nước vào, dùng động cơ điện quay trục đánh tan nhuyễn vỏ giấy xi-măng bên ngoài (sau đó theo ống dẫn xả thẳng xuống sông), còn chừa lại vỏ bao nhựa bên trong dùng để tái chế hạt nhựa sản xuất đồ gia dụng cấp thấp. Mỗi ngày cơ sở này tận thu được khoảng 200 đến 300 kg vỏ bao ni-lông khô, bán với giá chín nghìn đồng/kg, tái chế thành hạt nhựa bán với giá 15 nghìn đồng/kg.

Theo nhận định ban đầu của Cảnh sát Môi trường, trong nước thải thẳng xuống sông Nậm Thi có chứa nhiều chất độc hại như amiăng, hóa chất dùng để in chữ, nhãn hiệu trên vỏ bao xi-măng… Đặc biệt, lại xả thẳng ra đầu nguồn cấp nước nguyên liệu của Nhà máy nước Lào Cai cho nên nguy cơ gây hại rất cao.

Kiểm tra tại chỗ, chủ cơ sở không có giấy phép đăng ký kinh doanh, cam kết bảo vệ môi trường… Cơ quan chức năng đã lập biên bản đình chỉ hoạt động, tháo dỡ máy móc để làm rõ, xử lý theo pháp luật.
Theo Nhandan