Thứ hai,  16/09/2024

Tam Quốc 2010: Trẻ, đẹp, lãng mạn, hoành tráng

Ngày 2/5, bộ phim truyền hình dài tập Tam Quốc phiên bản mới sẽ chính thức khởi chiếu trên màn ảnh nhỏ Trung Quốc. Bộ phim với kinh phí cực lớn, kịch bản đầu tư kĩ lưỡng, với dàn nhân vật chính phụ toàn sao: Lục Nghị, Trương Bác, Trần Kiến Bân, Vu Hòa Vĩ, Lâm Tâm Như, Hoàng Duy Đức, Trần Hảo, Hà Nhuận Đông… hứa hẹn sẽ là bộ phim truyền hình lịch sử đáng xem nhất trong năm 2010. Bộ phim truyền hình dài 86 tập do Trung tâm sản xuất truyền hình Đại học Báo chí và Truyền thông Trung Quốc khởi xướng, hoàn thành với sự kết hợp của nhiều đơn vị điện ảnh có tiếng của Trung Quốc, lấy đề tài từ bộ tiểu thuyết kinh điển Tam Quốc diễn nghĩa và cuốn sử ký Tam Quốc chí. Bộ phim được xem như “con cưng” của Tổng cục truyền thông Trung Quốc, bắt đầu viết kịch bản từ năm 2004, qua 5 lần chỉnh sửa, chính thức bấm máy vào tháng 9/2008, và sẽ phát sóng lần đầu ở cả Trung Quốc và Nhật Bản vào đầu tháng 5 này. Bộ phim quy tụ...

Ngày 2/5, bộ phim truyền hình dài tập Tam Quốc phiên bản mới sẽ chính thức khởi chiếu trên màn ảnh nhỏ Trung Quốc. Bộ phim với kinh phí cực lớn, kịch bản đầu tư kĩ lưỡng, với dàn nhân vật chính phụ toàn sao: Lục Nghị, Trương Bác, Trần Kiến Bân, Vu Hòa Vĩ, Lâm Tâm Như, Hoàng Duy Đức, Trần Hảo, Hà Nhuận Đông… hứa hẹn sẽ là bộ phim truyền hình lịch sử đáng xem nhất trong năm 2010.


Bộ phim truyền hình dài 86 tập do Trung tâm sản xuất truyền hình Đại học Báo chí và Truyền thông Trung Quốc khởi xướng, hoàn thành với sự kết hợp của nhiều đơn vị điện ảnh có tiếng của Trung Quốc, lấy đề tài từ bộ tiểu thuyết kinh điển Tam Quốc diễn nghĩa và cuốn sử ký Tam Quốc chí.

Bộ phim được xem như “con cưng” của Tổng cục truyền thông Trung Quốc, bắt đầu viết kịch bản từ năm 2004, qua 5 lần chỉnh sửa, chính thức bấm máy vào tháng 9/2008, và sẽ phát sóng lần đầu ở cả Trung Quốc và Nhật Bản vào đầu tháng 5 này. Bộ phim quy tụ lực lượng diễn viên hùng hậu với dàn sao đến từ cả Trung Quốc đại lục, Hongkong và Đài Loan với kinh phí đầu tư khổng lồ.

Tam Quốc thông qua thuật lại quá trình từ cuối đời Đông Hán quần hùng cát cứ đến khi thiên hạ quy về nhà Tấn, thể hiện tư tưởng triết học nhân văn, sách lược quân sự, chính trị,… Phim lấy 6 nhân vật trung tâm là Gia Cát Lượng, Tào Tháo, Lưu Bị, Tôn Quyền, Chu Du và Tư Mã Ý, bên cạnh đó là tuyến nhân vật chính và phụ đông đảo: Lã Bố, Đổng Trác, Vương Doãn, Viên Thiệu, Tôn Sách, Lục Tuần…

Chu Du – Tiểu Kiều nồng thắm

Ngoài trục chính là quá trình hình thành, phát triển thế chân vạc giữa 3 nước Ngụy, Thục, Ngô, bộ phim lần này còn khai thác những tuyến phụ, như tranh giành ngôi thứ trong gia đình họ Tào, rắc rối tình ái giữa Tào Phi, Tào Thực và nàng Chân Phi, bất đồng về chiến lược giữa Gia Cát Lượng và Lưu Bị, mâu thuẫn giữa Chu Du và Tôn Quyền… để tăng tính hấp dẫn cho bộ phim.

Siêu kinh điển, siêu áp lực

Năm 2003, đạo diễn Trần Gia Lâm và nhà quay phim nổi tiếng Dương Hiểu Minh đến Nam Kinh tìm nhà biên kịch nổi tiếng Chu Tô Tiến tìm kiếm sự hợp tác cho Tam Quốc diễn nghĩa phiên bản mới. Đạo diễn Trần Gia Lâm, 66 tuổi, được biết đến với những bộ phim lịch sử hoành tráng như Thái Bình Thiên Quốc, Khang Hy vương triều, Lửa thiêu cung A Phòng, Triệu Phi Yến trong cung nhà Hán… và có ý định dùng Tam Quốc diễn nghĩa làm tác phẩm khép lại sự nghiệp của mình.

Khác với kịch bản cũ hoàn toàn trung thành với nguyên tác, kịch bản lần này có nhiều thay đổi. Ngoài việc giữ lại những sự kiện quen thuộc trong “Tam Quốc diễn nghĩa”, Chu Tô Tiến còn bổ sung thêm nhiều sự kiện, chi tiết và tư liệu hấp dẫn lấy từ các sách lịch sử như Hậu Hán thư, Tam Quốc chí, Hoa Dương Quốc chí…

Trong kịch bản của mình, Chu Tô Tiến cũng bỏ đi quan niệm đạo đức coi Thục Hán là chính thống như trong nguyên tác, ông nói: “Ba bên trong Tam Quốc đều là anh hùng, chúng tôi viết kịch bản, chuyện về ai hay thì người đó là nhân vật chính.”

“Tam Quốc là một kiệt tác văn hóa kinh điển có ý nghĩa đặc biệt đối với người Trung Quốc, tôi nghĩ với bất cứ nhà biên kịch nào cũng nhận thấy ở nó sức hấp dẫn, và cả thách thức.” Chu Tô Tiến tâm sự với báo giới. Đỉnh cao, bởi vì nguyên tác vốn đã là nguồn tư liệu phong phú và có tính nghệ thuật cao, có ảnh hưởng rất lớn, được sự kỳ vọng của đông đảo khán giả. Còn thách thức, bởi vì càng là tác phẩm kinh điển, càng nhiều người biết đến, thì số phận nhân vật, diễn biến câu chuyện… đều đã được biết trước, khó tạo được sự hứng thú, hấp dẫn, mà đã không hấp dẫn thì khó mà thành công. Ngoài ra, những điều có trong nguyên tác đã được coi như chân lý, bất cứ sự thay đổi nào cũng dễ gặp phải chỉ trích, dị nghị.

Tam Quốc diễn nghĩa 1994, Tam Quốc 2010 và siêu phẩm Đại chiến Xích Bích được đặt lên bàn cân

Ông hài hước so sánh: “Bộ Tam Quốc diễn nghĩa 16 năm trước giống như mối tình đầu của mọi người, dù có là “cô gái xấu xí” thì cũng đã nghĩa nặng tình sâu, huống gì người ta lại không xấu. Chúng tôi làm lại Tam Quốc là chạm đến mối tình đầu ấy, chẳng khác nào kẻ đến sau, dù tốt đẹp thế nào cũng vẫn có cảm giác không bằng người đến trước. Những điều ấy, chúng tôi đều đã phải chuẩn bị tâm lý từ trước.”

Gian nan tìm đạo diễn: Quá tam ba bận


Tương tự như “kịch bản” với 2 bộ phim kinh điển Hồng lâu mộng, Tây du ký, Tam Quốc diễn nghĩa 1994 cũng là một bức tường khó vượt qua đối với phiên bản mới, gây áp lực rất lớn cho cả đoàn làm phim.

Cao Hy Hy là đạo diễn thứ 3 mà nhà đầu tư tìm đến cho bộ phim này. Đạo diễn Trần Gia Lâm, người đã chuẩn bị 2 năm cho bộ phim này đã phải rút lui vì lý do sức khỏe. Đạo diễn tiếp theo là Diêm Kiến Cương cũng “rút êm” với lý do điều kiện làm phim thiếu thốn, không hài lòng với kịch bản… Cuối cùng, Cao Hy Hy đã tự nguyện vào cuộc với thêm khoản đầu tư 100 triệu NDT (270 tỉ đồng) mang về cho bộ phim. Cái tên “Tam Quốc diễn nghĩa” cũng được rút lại thành 2 chữ “Tam Quốc”.

Không chỉ đạo diễn, việc tìm diễn viên cũng gặp nhiều khó khăn. Hai diễn viên Khương Văn (vai Tào Tháo), Trần Bảo Quốc (vai Tư Mã Ý) đồng loạt rút lui. Một vài diễn viên có tiếng cũng e ngại, tránh tham gia dự án đình đám này.

Đạo diễn Cao Hy Hy nhận xét: “Kịch bản của Chu Tô Tiến viết trong suốt 4 năm, là một kịch bản xuất sắc hiếm có. Bộ Tam Quốc diễn nghĩa 16 năm trước do 5 đạo diễn góp tay làm nên, mỗi người có phong cách riêng, có những bất đồng trong quan điểm về cốt truyện, hơn nữa, nhân vật bị kinh kịch hóa, kĩ thuật và đầu tư hạn chế, những cảnh dàn dựng chiến tranh còn quá đơn giản.”

Mặc dù bị nghi ngờ, chỉ trích, Cao Hy Hy vẫn rất tự tin rằng bản Tam Quốc mới sẽ vượt qua bản cũ, tạo ra các nhân vật thực sự sống động bằng xương bằng thịt. >> Xem trailer phim

Trẻ, đẹp, lãng mạn, hoành tráng

Do đầu tư một dàn diễn viên trẻ đẹp, bản “Tam Quốc” lần này được mệnh danh là “bản thanh xuân”. Đạo diễn Cao Hy Hy giải thích: “Trong nguyên tác, tuổi đời của Tào Tháo, Gia Cát Lượng, Tôn Quyền… đều còn rất trẻ, chúng tôi dàn dựng như vậy là đúng với lịch sử. Còn bản cũ do theo những motiv hình tượng trong kịch truyền thống nên thực ra lại không đúng với nguyên tác.”

“Tào Tháo” Trần Kiến Bân và “Tào Tháo” Bảo Quốc

Tào Tháo luôn là nhân vật được quan tâm cũng như gây tranh cãi nhất trong những bộ phim về thời Tam Quốc. Tính cách phức tạp của nhân vật này, cộng với hành công của nhân vật Tào Tháo do Bảo Quốc An thủ vai trong bản 1994 đã khiến “Tào Tháo 2010” Trần Kiến Bân trở thành đối tượng đặc biệt quan tâm của những người mê Tam Quốc. Trần Kiến Bân nói, Tào Tháo của mình là một anh hùng đích thực, một anh hùng tính cách vô cùng phức tạp, với những bộ mặt khác hẳn nhau. Ngay một câu nói nổi tiếng đã khiến Tào Tháo hàng ngàn năm nay trở thành biểu tượng cho kẻ gian hùng: “Thà ta phụ hết người trong thiên hạ, chứ không để người trong thiên hạ phụ ta”, trong bản mới này cũng được nhìn nhận như một nguyên lý không tránh khỏi trong thời loạn.

Lưu Bị 2010 được tạo hình không khác nhiều so với bản 1994

Trong bản 1994, hình tượng Lưu Bị được xây dựng chỉ thiên về đạo đức, trong khi tài năng hoàn toàn bị nhấn chìm trước những nhân vật như Tào Tháo, Khổng Minh. Vai Lưu Bị của Vu Hòa Vĩ không những nhấn mạnh thêm về hình tượng một minh chủ trọng nhân nghĩa, mà còn được bổ sung những nét tính cách của một chính trị gia tầm cỡ, có khả năng quy phục lòng người.

“Khổng Minh” Lục Nghị và “Gia Cát” Đường Quốc Cường


“Thiếu niên anh hùng” Tôn Quyền

Khổng Minh của Lục Nghị theo đúng hình tượng Gia Cát truyền thống: trí tuệ siêu phàm, vẻ đẹp thần tiên và phong thái phiêu nhiên thoát tục. Lục Nghị được Cao Hy Hy để mắt cho vai diễn này sau khi thể hiện thành công tài tử Tô Đông Pha đời Tống.

Nổi bật trong sự thay đổi hình tượng thuộc về vai Tôn Quyền của Trương Bác. Trong phiên bản cũ, đây là một vai mờ nhạt, ít đất diễn, “già, ác và xấu”. Còn ở phiên bản 2010, Tôn Quyền được mô tả từ một thiếu niên anh hùng do chịu quá nhiều ẩn ức thời trẻ, trở thành một Ngô Vương điên cuồng tàn bạo đến mức “biến thái”. Đồng thời, mối tình thầm kín giữa Tôn Quyền với chị dâu Đại Kiều (vợ Tôn Sách) cũng được mô tả tinh tế.

Lưu Cánh được chọn vào vai Đại Kiều đã gây xôn xao cho làng giải trí Hoa ngữ, bởi cũng trong năm 2009, người đẹp này còn một vai diễn nặng kí – nàng Chu Chỉ Nhược trong Ỷ Thiên Đồ Long kí 2009, cùng với Đặng Siêu, Hà Trác Nghiên, An Dĩ Hiên…

Về tuyến nhân vật thứ, được “đầu tư” kỹ lưỡng nhất là cuộc tình tai tiếng giữa Điêu Thuyền (Trần Hảo) và Lã Bố (Hà Nhuận Đông). Trong bản 2010, mối tình này được mô tả đầy bi kịch và được dành cho những cảnh quay lãng mạn tuyệt đẹp.

Người đẹp Đài Loan Lâm Tâm Như góp mặt với một vai nhỏ: Tôn Thượng Hương, cô em gái cá tính của Tôn Quyền, sau này được gả cho Lưu Bị.



Trong bản mới, thiết kế mỹ thuật, phục trang, hành động… được chăm chút tỉ mỉ, đặc biệt là những cảnh chiến tranh được dàn dựng hết sức công phu. Thậm chí, ngựa dùng trong các cảnh quay cũng đặc tuyển từ những chú ngựa đua Hongkong cao lớn oai phong. Tuy nhiên, khác với Xích bích, bộ phim không lạm dụng những cảnh quay và chiêu thức võ công mang đậm màu sắc võ hiệp, mà đặc tả thực chiến. Điểm nhấn được mong chờ của phiên bản lần này là lần đầu tiên, một loạt những loại quân đặc chủng được coi là thần bí, siêu phàm trong lịch sử đã được thể hiện trong phim, như Phi hùng quân, Hãm trận doanh, Bạch mã nghĩa túng, Hổ báo kỵ, Đại kích sĩ, Liên nỗ binh…

Theo Vtc.vn