Đỗ Bảo: Nghệ sỹ không thể dùng thủ thuật để nổi tiếng
04/05/2010 14:51
“Tôi được công chúng thương, các sản phẩm của tôi ra mắt đều nhận được sự vỗ tay vì tôi nói thật làm thật và nói ít làm nhiều. Hiện tại, có nhiều người làm thì ít, nói thì hay, hoặc không làm được nhưng nói rất giỏi”, nhạc sỹ Đỗ Bảo tâm sự.
Công chúng thương vì tôi nói thật, làm thật
– Sau khi ra mắt album thứ hai của mình với tuyên bố “dành thời gian để yêu” thì dường như công việc vẫn cuốn anh đi và anh vẫn có một món nợ với tình yêu?
– Đối với tôi, thời gian làm việc, đem lại những kết quả cho cuộc sống với những điều mình yêu thích, say mê cũng là thời gian để yêu. Phấn đấu để kiếm tiền, lo cho cuộc sống, cho gia đình cũng là một cách thể hiện tình yêu. Tôi nghĩ, chẳng ai có thể hít không khí để yêu được. Trên tất cả tình yêu đôi lứa, tình yêu công việc, những thân phận giữa đời sống là yêu cuộc sống. Yêu cuộc đời và sự tồn tại của mình để dâng hiến. Tôi cho rằng đó là một tình yêu lớn. Tôi tìm những cái lớn và trong đó có những cái nhỏ có thể không hoàn hảo. Tôi nghĩ, người như tôi luôn vất vả trong việc cân đối những cái nhỏ trong cái lớn.
Nhạc sỹ Đỗ Bảo. |
– Có rất nhiều tình yêu, nhưng hóa ra, trong cuộc sống thì yêu bản thân mình cũng quan trọng lắm. Nếu không có nó thì cũng khó có thể yêu được những thứ khác. Xin hỏi, anh có yêu và chăm sóc bản thân mình thật tốt?
– Đam mê trong công việc là một cái gì rất bản năng trong con người. Có người đam mê sắc dục, kiếm tiền, còn tôi đam mê âm nhạc. Khi tôi sống trong âm thanh, những giai điệu, thực sự, tôi không còn thấy những xấu xa, lòng tham, hận thù, những bất mãn trong đời sống mà chỉ thấy những điều tốt đẹp. Tôi nghĩ, đam mê vậy cũng tốt. Nhưng đam mê quá thì có những thứ phải hi sinh, ví dụ sức khỏe, tâm trí, thời gian. Vì vậy, mình phải có những chặng đường khác nhau.
Thú thực, tôi thường làm một cách đốt cháy trong từng việc, chứ không hề làm nhiều. So với những người khác, làm để kiếm tiền người ta làm rất nhiều. Có năm, tôi chỉ làm một album, quá ít so với những hoạt động của những nghệ sỹ khác. Tôi có nhiều thời gian để cân bằng lại mọi thứ. Có những lúc tôi chơi dài hàng tháng, chơi phát chán rồi quay lại làm. Thời gian đó để mình không bị cũ, để tiếp nhận những cái mới. Người làm nghệ thuật, cách này hay khác phải nạp vào, tìm tòi cái mới, rất vất vả, rất khó. Người ta rất trăn trở nếu không vượt qua những cái đỉnh.
– Với cách nghĩ rằng sẽ rất trăn trở với những cái đỉnh đạt được, khi mà anh ngày càng có nhiều thành công thì anh còn mệt dài dài…
– Nghệ sỹ là như vậy. Họ không có thủ thuật gì ngoài việc dâng hiến tài năng của mình để có những thành công. Họ được ghi nhận, đón nhận và phải có trách nhiệm với những điều ấy từ những thành quả nghệ thuật. Đương nhiên, họ không thể dùng quần áo, cách ăn mặc, xe đẹp nhà đẹp để PR và để công chúng yêu mến. Tôi chỉ thấy mình đủ tự trọng khi làm những thứ từ khả năng của mình. Và vì vậy, phải sáng tạo, tìm tòi con đường đi để mọi người thấy sản phẩm chấp nhận được, có tác động, có giá trị nào đó.
Nghệ sỹ, ai cũng mong sự nổi tiếng. Nhưng khi tôi đắm chìm trong âm thanh, tôi không còn suy nghĩ đến những điều như thế nữa, tôi thấy vui, thấy hạnh phúc. Nhiều khi, tôi đặt câu hỏi, với hiện thực cuộc sống bây giờ có đáng để mình hi sinh nhiều như vậy không? Thị hiếu, cách tiêu dùng các sản phẩm âm nhạc của khán giả hiện tại có nhiều bất cập và thỉnh thoảng tôi nghĩ có đáng để nghệ sĩ cứ mài mòn sức sáng tạo hay không? Nếu chỉ nhìn mặt tiêu cực thì đúng là oải thật nhưng không phải vì thích thì không thể làm. Nhạc sỹ đâu có kiếm được nhiều tiền đâu. Nhưng khi hạnh phúc và chấp nhận nó thì nên vui vẻ. Con đường đi của mỗi người dường như là số phận rồi.
– Nhưng càng sáng tạo, càng có nhiều thành công thì càng tạo cho người ta những áp lực với những cái đỉnh mình có được. Anh chọn cách đi khác bằng việc thể nghiệm mình trên nhiều lĩnh vực để không bị so sánh. Một cách lựa chọn khôn ngoan!
– Nguyên nhân sâu xa để tôi làm âm nhạc là tôi tìm thấy hình bóng của mình trên con đường ấy. Tuy nhiên, cũng không thể để xảy ra tình trạng tự nhìn thấy mình nhàm chán, lặp lại. Như thế thì bản thân không chịu đựng nổi chứ không phải là khán giả nữa. Cái nhìn của khán giả cũng chỉ là vấn đề sau đó mà thôi.
Trên một khía cạnh nào đó, tôi cho rằng cái tôi của một người nghệ sỹ rất lớn. Và câu hỏi đặt ra là mình còn muốn hạnh phúc trên con đường mình đang đi hay không? Nếu muốn được hạnh phúc thì đương nhiên mình phải đổi mới để bản thân không thấy nhàm chán. Nếu thất vọng về chính bản thân mình thì còn gì là hạnh phúc nữa! Ai muốn tôi giỏi hay kém mặc kệ. Điều ấy không quan trọng bằng cảm giác của mình.
Tôi có hai mảng âm nhạc phát triển xen kẽ là sáng tác ca khúc nhạc Pop và khí nhạc đương đại sử dụng chất liệu âm nhạc, nhạc cụ dân tộc. Cứ hoàn thành được một tác phẩm từ thể loại này thì sẽ chuyển sang thể loại kia để không bị lặp lại và mất cân bằng.
Các sản phẩm của tôi ra mắt đều nhận được sự vỗ tay vì tôi nói thật làm thật và nói ít làm nhiều. Hiện tại, có nhiều người làm thì ít, nói thì hay, hoặc không làm được nhưng nói rất giỏi. Đánh giá dễ, nói dễ nhưng làm thì rất khó. Có lẽ vì điều ấy mà nhiều người thương tôi.
– Anh nói vậy như đập lại ý kiến cho rằng “sự quay lại với nghệ thuật truyền thống chính là việc nghệ sỹ bế tắc trong con đường sáng tạo của mình”?
– Tôi không biết có người lại nói thế và không hiểu dựa vào đâu để nói thế. Trên thế giới phát triển dòng nhạc New age và World music dựa trên nền tảng âm nhạc dân gian và có rất nhiều thành công, vậy thì tại sao ở Việt Nam không thể phát triển mảng âm nhạc này? Tôi nghĩ, những người làm được việc, sáng tạo được mới là những người có quyền hạnh phúc trong thế giới nghệ thuật, được nói, được lên tiếng. Nghĩ giỏi, nói giỏi và phải làm giỏi thì mới tạo nên một hình ảnh người nghệ sỹ đầy đủ. Bao nhiêu năm kinh nghiệm làm nhạc tôi mới nghiệm ra được điều này.
Tôi không phải là kẻ ham danh. Khi người của công chúng được yêu mến thì họ phải đền đáp được sự yêu mến ấy bằng nỗ lực của mình. Đó là điều nhân bản và tôi thích những người nghệ sỹ họ làm được điều ấy. Và tôi cũng đang phấn đấu hướng đến điều ấy.
– Với tình hình âm nhạc như hiện nay thì dường như càng ngày những người thận trọng và kỹ tính với những đứa con nghệ thuật của mình còn phải là chú lính chì cô đơn trong một thời gian dài nữa?
– Tôi cho rằng đó là điều đáng tiếc và chúng ta phải chờ đợi thôi!
Không lo Chúc An chịu áp lực là con người nổi tiếng
– Quay lại chuyện gia đình, anh từng nói rằng có lúc rất muốn dành nguyên buổi chiều để dẫn con gái ra ngồi bên bờ sông và chỉ cho cháu thấy những gì đang diễn ra. Anh đã thực hiện được điều ấy chưa?
– Khi nghĩ đến chuyện ấy là tôi không chờ đợi được đâu. Đó là chuyện thường ngày ở gia đình rồi. Trên đời không ai hoàn hảo cả, yếu cái nọ thì mạnh cái kia, chỉ có điều làm được những gì vợ con thích, đem lại cho gia đình mình một cuộc sống đầy đủ và không phải suy nghĩ gì hay bất mãn thì là được rồi.
– Không thể phủ nhận bé Xu xu, con gái anh đang ngày một lớn và hẳn là trách nhiệm của người làm cha trong anh sẽ nặng nề hơn. Anh có lo lắng về điều ấy?
– Bây giờ thì thỉnh thoảng tôi mới lo lắng thôi. Con gái Chúc An của tôi còn quá bé. Nhưng vài năm nữa, khi cháu lớn, chắc là cũng phải để ý nhiều đấy. Đặc biệt là việc phát triển tâm sinh lý của con. Hiện tại, lớp trẻ bước ra ngoài đường là có nhiều vấn đề nên chắc chắn là phải có một chế độ giáo dục nào đó để con phát triển mà không gặp phải những tác động xấu!
– Và tác động, áp lực khi là con của những người nổi tiếng nữa chứ?
– Về điều này thì tôi không lo lắng gì cả. Trong gia đình tôi không có từ nổi tiếng chen vào. Sống trong xóm, tôi là người bình dị, thậm chí chẳng có gì để người khác chú ý. Tôi ở trong một ngôi nhà bình thường, đi một chiếc xe bình thường, mặc những bộ đồ bình thường và nói năng giao tiếp cũng bình thường, chỉ có âm nhạc làm tôi khác biệt và tôi hướng tới thôi. Ở trong cuộc sống, tôi không coi trọng hình ảnh của mình. Ra đường mà phải chải chuốt và nhìn ngắm mình thật lâu trong gương thì mệt mỏi lắm!
– Xin cảm ơn anh!