Lạng Sơn với công tác phòng, chống một số bệnh xã hội
10/03/2010 08:39
LSO-Quan điểm của ngành y tế đối với các loại bệnh này là “phòng hơn chống”; vì vậy, công tác truyền thông bảo vệ sức khỏe luôn được quan tâm. Không chỉ Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe phối hợp với các cơ quan thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và tổ chức các buổi tuyên truyền trực tiếp, mà tất cả các cuộc truyền thông lồng ghép giữa các ngành, các cấp, công tác truyền thông bảo vệ sức khỏe cộng đồng đều có một vị trí nhất định và được nhân dân quan tâm. Với đặc điểm một tỉnh miền núi, nhiều dân tộc với nhiều phong tục tập quán và thói quen sống, sinh hoạt khác nhau, công tác truyền thông bảo vệ sức khỏe đều hướng tới nâng cao nhận thức của người dân trong việc phòng chống dịch bệnh, từ đó chuyển đổi hành vi, từ bỏ những thói quen có hại đến sức khỏe; tiếp nhận các dịch vụ y tế cộng đồng.Với mạng lưới y tế cơ sở ngày càng được củng cố về thiết bị, con người, công tác tiêm chủng mở rộng luôn...
LSO-Quan điểm của ngành y tế đối với các loại bệnh này là “phòng hơn chống”; vì vậy, công tác truyền thông bảo vệ sức khỏe luôn được quan tâm. Không chỉ Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe phối hợp với các cơ quan thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và tổ chức các buổi tuyên truyền trực tiếp, mà tất cả các cuộc truyền thông lồng ghép giữa các ngành, các cấp, công tác truyền thông bảo vệ sức khỏe cộng đồng đều có một vị trí nhất định và được nhân dân quan tâm.
Với đặc điểm một tỉnh miền núi, nhiều dân tộc với nhiều phong tục tập quán và thói quen sống, sinh hoạt khác nhau, công tác truyền thông bảo vệ sức khỏe đều hướng tới nâng cao nhận thức của người dân trong việc phòng chống dịch bệnh, từ đó chuyển đổi hành vi, từ bỏ những thói quen có hại đến sức khỏe; tiếp nhận các dịch vụ y tế cộng đồng.
Với mạng lưới y tế cơ sở ngày càng được củng cố về thiết bị, con người, công tác tiêm chủng mở rộng luôn được duy trì thường xuyên ở 100% số xã. Năm 2009, tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm đủ 7 loại vacin đạt 95%; tỷ lệ phụ nữ có thai tiêm đủ AT2+ đạt 90%; việc triển khai tiêm viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ đầu sau khi sinh tại tất cả các BV tuyến huyện và BVĐK tỉnh được tổ chức tốt. Dự án chăm sóc SKSS, tiêm chủng mở rộng được thực hiện đồng bộ với dự án phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, nên tình trạng “Hữu sinh vô dưỡng” tồn tại bấy lâu nay trong cộng đồng các dân tộc thiểu số đã được loại trừ. Sức khỏe bà mẹ, trẻ em được bảo vệ một cách hiệu quả, tác dụng “cộng hưởng” với công tác tuyên truyền, khiến nhận thức của nhân dân dần thay đổi.
Cán bộ bác sĩ Trung tâm Phòng, chống bệnh xã hội mổ đục thủy tinh thể
miễn phí cho bệnh nhân nghèo
Trong các loại bệnh xã hội, tỉnh ta đặc biệt quan tâm đến các bệnh phát sinh do đặc điểm địa lý, khí hậu và những bệnh “ nhạy cảm” do những tập tục và thói quen sống và sinh hoạt lạc hậu như sốt rét, lao, phong, các bệnh về mắt và sức khỏe tâm thần…Trung tâm phòng chống các bệnh xã hội với chức năng nhiệm vụ của mình, vừa trực tiếp khám chữa các loại bệnh xã hội cho nhân dân, vừa chỉ đạo, tập huấn các cán bộ y tế tuyến dưới trong việc tuyên truyền, khám sàng lọc phát hiện. Công tác giám sát dịch tễ sốt rét được duy trì và thực hiện, 565 điểm thuộc địa bàn xã trọng điểm đều không có nguy cơ dịch; năm 2009, việc phun tẩm hóa chất bảo vệ đạt 98% kế hoạch. Nhằm duy trì tính bền vững của dự án, công tác truyền thông cho nhân dân có thói quen nằm màn; phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện người di chuyển từ các nơi khác đến, đặc biệt là vùng lưu hành sốt rét được thực hiện tốt, nên đã phát hiện nhanh, xét nghiệm kịp thời, không để dịch sốt rét xảy ra và không có người tử vong do sốt rét. Công tác phòng chống lao, chăm sóc sức khỏe tâm thần được quan tâm. Song song với tỷ lệ khám phát hiện đạt cao, Bệnh viện Lao và phổi Lạng Sơn được nâng cấp đã tạo điều kiện cho các bệnh nhân lao được điều trị nội trú liên tục, chống bỏ trị và chống lao tái phát. Hoàn thành việc loại trừ bệnh phong đã hình thành một cách nhìn mới của người dân về bệnh này, loại trừ tâm lý lo sợ và xa lánh người bệnh đã tồn tại hàng thế kỷ.
Chương trình mục tiêu quốc gia về một số bệnh xã hội đã được ngành y tế tỉnh ta thực hiện và đạt được những kết quả ngày càng bền vững. Tuy vậy, cũng đã nảy sinh tâm lý chủ quan của một số cán bộ phụ trách chương trình. Cán bộ y tế dự phòng cấp huyện vừa “mỏng” về đội ngũ, chuyên môn chưa cao; cán bộ y tế dự phòng cấp xã chỉ có 1 người, lại kiêm nhiệm rất nhiều việc, nên một số chương trình như phòng chống sốt rét, phong, lao… thực hiện chưa triệt để. Đặc biệt, đội ngũ nhân viên y tế thôn bản do phụ cấp rất thấp, nên có tâm lý chán nản, làm việc kém hiệu quả.
Các dự án phòng chống một số bệnh xã hội muốn được duy trì tốt và mang tính bền vững cao, cần huy động sự nhiệt tình của đội ngũ nhân viên y tế thôn bản. Vì họ là những người sống gần dân, sát dân, nên chỉ có họ mới có khả năng tuyên truyền và phát hiện các loại bệnh “xã hội” này. Mặt khác, công tác giám sát, chỉ đạo cần phải được đẩy mạnh hơn, nhất là việc giám sát của tuyến tỉnh đối với tuyến huyện, sự chỉ đạo và hướng dẫn của tuyến huyện với tuyến xã, tránh tình trạng một số xã “bỏ” việc cấp thuốc sốt rét thông thường cho nhân dân như hiện nay.
Trần Kim