Thứ tư,  11/09/2024

Nước sạch ở Bình Gia- bước tiến mới và những vấn đề đặt ra

LSO-Tận dụng các khe suối đầu nguồn, từ lâu nhân dân huyện Bình Gia đã dùng vật liệu sẵn có như tre mai vầu...để dẫn nước sinh hoạt về gia đình. Song trong nhiều năm, do tác động của phát triển kinh tế, rừng đã suy giảm, nguồn sinh thủy bị cạn kiệt; sông suối bị nhiễm bẩn, nguồn nước sinh hoạt vừa thiếu, vừa không hợp vệ sinh...Nỗ lực tạo dựng cơ sở hạ tầng nước sinh hoạtTrong gần 20 năm qua, bằng các nguồn vốn khác nhau như vốn vệ sinh môi trường nông thôn, vốn 135, 134, các nguồn vốn viện trợ, kết hợp với vốn tự có của nhân dân, Bình Gia đã tạo dựng được cơ sở hạ tầng cung cấp nước sinh hoạt khá đa dạng về loại hình. Theo thống kê, đến nay trên toàn địa bàn đã có 5580 công trình cấp nước sinh hoạt, gồm 773 giếng đào, 239 bể chứa nước mưa, 85 công trình do nhà nước đầu tư và gần 4500 công trình ống dẫn do dân tự làm, đáp ứng được nhu cầu sử dụng cho 48.523 nhân khẩu và trên 200 công trình cộng cộng (trụ...

LSO-Tận dụng các khe suối đầu nguồn, từ lâu nhân dân huyện Bình Gia đã dùng vật liệu sẵn có như tre mai vầu…để dẫn nước sinh hoạt về gia đình. Song trong nhiều năm, do tác động của phát triển kinh tế, rừng đã suy giảm, nguồn sinh thủy bị cạn kiệt; sông suối bị nhiễm bẩn, nguồn nước sinh hoạt vừa thiếu, vừa không hợp vệ sinh…
Nỗ lực tạo dựng cơ sở hạ tầng nước sinh hoạt
Trong gần 20 năm qua, bằng các nguồn vốn khác nhau như vốn vệ sinh môi trường nông thôn, vốn 135, 134, các nguồn vốn viện trợ, kết hợp với vốn tự có của nhân dân, Bình Gia đã tạo dựng được cơ sở hạ tầng cung cấp nước sinh hoạt khá đa dạng về loại hình. Theo thống kê, đến nay trên toàn địa bàn đã có 5580 công trình cấp nước sinh hoạt, gồm 773 giếng đào, 239 bể chứa nước mưa, 85 công trình do nhà nước đầu tư và gần 4500 công trình ống dẫn do dân tự làm, đáp ứng được nhu cầu sử dụng cho 48.523 nhân khẩu và trên 200 công trình cộng cộng (trụ sở, cơ quan, trường học, bệnh viện, trạm xá, chợ…) Tính ra tỷ lệ người dân có nước sinh hoạt đã đạt trên 92%.

Công nhân Chi nhánh nước sạch Bình Gia vận hành tại Trung tâm Cấp nước thị trấn.
Một số công trình cấp nước sinh hoạt có quy mô lớn như công trình trung tâm của Chi nhánh cấp nước Bình Gia, lấy nước từ hồ Phai Danh và được xử lý bằng công nghệ mới, đạt tiêu chuẩn nước sạch; với trên 9000m ống chính, công trình cung cấp nước ổn định cho 900 hộ sử dụng với mức tiêu thụ 12.000m3/ tháng gồm tất cả các cơ quan nhà nước, các công trình công cộng và các hộ dân trên địa bàn thị trấn và một phần xã Tô Hiệu. Chương trình 135, 134 và các nguồn viện trợ được ưu tiên xây dựng bể nước tập trung tại 157 điểm công cộng cấp xã gồm 13 trụ sở xã, 26 trường học, 9 trạm y tế, 6 chợ và 103 khu dân cư. Có thể nói, từ “con số không”, đến nay các công trình được đầu tư bằng vốn nhà nước đã vươn lên đáp ứng nhu cầu cho 25% dân số. Có nguồn nước sinh hoạt, nhiều hình thức quản lý, khai thác sử dụng linh hoạt được áp dụng như cử người quản lý, phân phối, lập tổ tự quản, đề ra nội quy sử dụng; nhân dân tự mua ống nhựa cứng dẫn nước vào hộ gia đình… nhằm khai thác tối đa công suất, phục vụ cho nhiều hộ dân, chống xuống cấp cũng như chống lãng phí thứ tài nguyên vô giá này. Có nước sinh hoạt, không những góp phần cải thiện công tác vệ sinh môi trường nông thôn, đề phòng dịch bệnh, mà còn nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, vị trí của nước sinh hoạt trong đời sống.
Cần lắm sự đầu tư chiều sâu
Nói là nước sinh hoạt, song có được hợp vệ sinh hay không lại cần có sự điều tra, nghiên cứu, nhất là ở loại hình máng dẫn từ nguồn về hộ gia đình. Hầu như tất cả nước sinh hoạt ở Bình Gia đều lấy từ nước mặt mà không khai thác từ nguồn nước ngầm; trong điều kiện rừng bị cạn kiệt, sông suối bị ô nhiễm như hiện nay, khả năng cấp nước và chất lượng nước đã đang và sẽ ngày càng kém đi. Mặt khác, ở cấp xã vẫn còn tới gần 50% điểm công cộng chưa có công trình cấp nước (gồm 7 trụ sở xã, 31 trường học, 13 trạm y tế, 1 chợ và 89 khu dân cư).

Thống kê cho thấy, giai đoạn 2010-2015, định hướng đến năm 2020, Bình Gia cần nâng cấp cải tạo công trình tại xã Tân Văn và đầu tư mới 98 công trình tại các điểm công cộng. Số lượng như vậy là ít và có vốn là làm được. Song cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục nhân dân ý thức tiết kiệm nước, trồng mới và bảo vệ rừng, nhất là tại các khe dọc, các triền đồi, nơi tạo nguồn sinh thủy cho cả cộng đồng dân cư. Cần chấn chỉnh tình trạng khai thác vật liệu xây dựng và khai thác vàng sa khoáng tại các sông suối, nhất là các sông Bắc Giang, Pác Khuông và các chi lưu của nó. Huy động các nguồn vốn và hỗ trợ nhân dân đầu tư khai thác nguồn nước ngầm; vận động và hỗ trợ nhân dân vùng cao, vùng khó khăn mua sắm ống nhựa thay thế đường máng tre, vầu mau hỏng và dễ bị nhiễm bẩn…Đây chính là sự đầu tư chiều sâu không cần vốn hoặc ít vốn , song hiệu quả của nó thật to lớn và mang tính bền vững.

Minh Hồng