Sóc Trăng giải quyết đất ở,đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số
21/05/2010 09:32
Sóc Trăng là nơi có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) cao nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Những năm qua, Đảng, Nhà nước và tỉnh Sóc Trăng đã có nhiều chủ trương, chính sách đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở phục vụ sản xuất và đời sống, nhất là quan tâm giải quyết đất ở, đất sản xuất, giúp đồng bào định canh, định cư và phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.Bảo đảm đất ở, đất sản xuất cho đồng bàoĐồng bào DTTS ở tỉnh Sóc Trăng có khoảng 500 nghìn người, trong đó đồng bào dân tộc Khmer chiếm hơn 350 nghìn người, còn lại là người Hoa, Chăm, Tày. Thu nhập chủ yếu bằng nghề trồng lúa, rau màu, chăn nuôi và mua bán tạp hóa... Do tập quán canh tác lạc hậu, việc ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế, thiếu vốn sản xuất, kinh doanh nên hiệu quả kinh tế thấp, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn. Toàn tỉnh có 54/105 xã có đông đồng bào DTTS thuộc diện đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ đói nghèo cao....
Sóc Trăng là nơi có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) cao nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Những năm qua, Đảng, Nhà nước và tỉnh Sóc Trăng đã có nhiều chủ trương, chính sách đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở phục vụ sản xuất và đời sống, nhất là quan tâm giải quyết đất ở, đất sản xuất, giúp đồng bào định canh, định cư và phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.
Bảo đảm đất ở, đất sản xuất cho đồng bào
Đồng bào DTTS ở tỉnh Sóc Trăng có khoảng 500 nghìn người, trong đó đồng bào dân tộc Khmer chiếm hơn 350 nghìn người, còn lại là người Hoa, Chăm, Tày. Thu nhập chủ yếu bằng nghề trồng lúa, rau màu, chăn nuôi và mua bán tạp hóa… Do tập quán canh tác lạc hậu, việc ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế, thiếu vốn sản xuất, kinh doanh nên hiệu quả kinh tế thấp, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn. Toàn tỉnh có 54/105 xã có đông đồng bào DTTS thuộc diện đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ đói nghèo cao. Đã vậy, quá trình đô thị hóa những năm gần đây diễn ra nhanh chóng, nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp, đất ở được thu hồi để xây dựng các khu công nghiệp, mở mang thị trấn, thị tứ làm cho diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp dần. Trong khi hơn 80% số dân trong tỉnh sinh sống bằng nghề nông, nhiều hộ thiếu đất ở, đất sản xuất, trong đó có không ít hộ là đồng bào DTTS.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, Lê Văn Cần khẳng định quan điểm lãnh đạo của tỉnh là bảo đảm không để người dân thiếu đất ở, đất sản xuất, nhất là đối với đồng bào DTTS. Được sự giúp đỡ tích cực của Trung ương và cộng đồng, tỉnh triển khai nhiều chương trình, dự án đầu tư vùng đồng bào DTTS như: Chương trình 135, 134, chính sách hỗ trợ vùng đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn, chính sách trợ giá, trợ cước vận chuyển… Ban Điều hành Chương trình 135 tỉnh thành lập ban chỉ đạo từ tỉnh đến huyện, xã cùng phối hợp các cấp ủy đảng, ban, ngành, đoàn thể các cấp tiến hành rà soát, xác định những hộ nghèo thật sự có nhu cầu đất ở, đất sản xuất để tiếp tục có biện pháp hỗ trợ, đồng thời tổ chức đào tạo nghề, giải quyết việc làm nhằm chuyển dịch số lao động là bà con nghèo ra khỏi thế thuần nông. Đây là cách làm căn cơ nhất giúp bà con xóa đói, giảm nghèo, có nơi ở ổn định cuộc sống lâu dài và sản xuất trên địa bàn. Ban chỉ đạo chọn hộ gia đình, phum sóc làm cơ sở bình xét công khai, dân chủ, minh bạch, niêm yết danh sách những hộ được thụ hưởng chính sách này tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn và thông báo trên đài truyền thanh địa phương. Sau đó danh sách được tập hợp gửi lên huyện, tỉnh thẩm định, tránh trường hợp khai man hồ sơ để trục lợi cá nhân. Cách làm trên tạo sự công bằng, chính xác, được bà con địa phương đồng tình ủng hộ. Theo Ban Điều hành 135 tỉnh, tổng số hộ có nhu cầu cấp đất ở là 2.454 hộ, tương đương với gần 10 ha ; đối với đất sản xuất, có 500 hộ có nhu cầu 125 ha, với tổng kinh phí thực hiện đề án là 52,454 tỷ đồng. Đến nay, Sóc Trăng đã giải quyết đất ở cho gần 1.500 hộ, với diện tích hơn 6 ha, bình quân mỗi hộ được hỗ trợ 40 m2. Hỗ trợ đất sản xuất cho hơn 420 hộ thiếu đất, với diện tích 105 ha, mức thấp nhất mỗi hộ là 0,5 ha đất giồng cát, nuôi trồng thủy sản, 0,25 ha đất ruộng lúa nước một vụ hoặc 0,15 ha đất ruộng lúa nước hai vụ. Ngoài việc hỗ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS, tỉnh còn hỗ trợ kinh phí cho 1.475 lao động được đào tạo nghề, 4.439 hộ nghèo được mua công cụ sản xuất, chuyển đổi ngành nghề, với tổng kinh phí thực hiện hơn 33 tỷ đồng. Phấn đấu đến cuối năm 2010, hầu hết đồng bào DTTS nghèo trên địa bàn tỉnh đều có đủ đất ở, đất sản xuất. Trước đó, Sóc Trăng cũng đã hỗ trợ xây dựng 33.154 căn nhà đoàn kết; giải quyết đất ở, đất sản xuất cho hơn ba nghìn hộ đồng bào DTTS nghèo từ Chương trình 134.
Nỗ lực xóa đói, giảm nghèo
Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng Lâm Ren cho biết, những năm gần đây, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Sóc Trăng có nhiều cách làm cụ thể, sáng tạo giúp dân xóa đói, giảm nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống. Những hộ đồng bào DTTS nghèo sau khi được cấp đất ở, đất sản xuất đều được hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà mới, với mức hỗ trợ 16,4 triệu đồng/hộ từ nguồn vốn Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Chính sách Xã hội. Với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, nhiều hộ khá ở các huyện Cù Lao Dung, Long Phú, Mỹ Xuyên còn nhường thêm đất ở cho người nghèo, mỗi căn rộng từ 100 đến 120 m2. Tỉnh cũng kêu gọi các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cộng đồng, dòng họ đóng góp gần mười tỷ đồng để hỗ trợ thêm kinh phí xây dựng nhà ở cho đồng bào nghèo được khang trang, chất lượng tốt hơn.
Đồng thời kết hợp triển khai nhiều chương trình lồng ghép khác, như khuyến nông, khuyến ngư, mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học-kỹ thuật, cung ứng các loại cây, con giống mới… bảo đảm hàng hóa làm ra đạt năng suất, chất lượng cao hơn. Mặt khác, hướng dẫn người dân mở rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhằm thay đổi tập quán canh tác, mở hướng làm ăn mới hiệu quả hơn. Ngoài ra, để giúp đồng bào chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mở rộng sản xuất, phát triển ngành nghề truyền thống địa phương, các ngân hàng trong tỉnh đã cho hơn 90 nghìn lượt hộ nghèo vay hàng nghìn tỷ đồng vốn ưu đãi phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, trong tổng số diện tích đất sản xuất đã cấp, các hộ dân đã trồng 86 ha lúa cao sản, còn lại được trồng hành lá, bí, dưa leo, dưa hấu, hẹ, bắp… Nhiều hộ đồng bào DTTS ở huyện Mỹ Tú, Kế Sách, Vĩnh Châu, Ngã Năm, Châu Thành bên cạnh việc trồng lúa nước còn sử dụng có hiệu quả đồng vốn vay trong việc phát triển nghề nuôi cá nước ngọt, làm hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu từ cây lục bình hoặc trồng trúc lấy nguyên liệu đan đồ gia dụng và làm nghề đan xuất khẩu. Như ở ấp Phước Quới, xã Phú Tân (Mỹ Tú) – nơi có đến 90% số hộ là đồng bào dân tộc Khmer, nhà nào cũng có dàn đan tre, có hộ vừa làm ruộng, làm rẫy, vừa đan tre, đan trúc. Nhờ phát triển thêm nhiều ngành nghề mới mà bộ mặt nông thôn vùng đồng bào DTTS nhộn nhịp hẳn lên, đời sống bà con ngày càng khấm khá, số hộ nghèo giảm nhanh. Năm 2001, số hộ đồng bào DTTS nghèo của Sóc Trăng chiếm 42,92% (tiêu chí cũ), đến cuối năm 2009 giảm còn 23,05% (tiêu chí năm 2005).
Chúng tôi về thăm Long Phú, một huyện vùng sâu của Sóc Trăng được đánh giá là thực hiện tốt các chính sách đối với đồng bào DTTS. Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thanh Hùng cho biết, huyện Long Phú có hơn 12 nghìn hộ đồng bào dân tộc Khmer, Hoa với gần 61 nghìn nhân khẩu, chiếm 33,14% dân số toàn huyện. Thực hiện Quyết định 74, 167 của Thủ tướng Chính phủ, huyện đã giải quyết xong cho 240 hộ thiếu đất ở với diện tích gần một ha và 50 hộ thiếu đất sản xuất với diện tích 12,5 ha. Các chương trình mục tiêu khác cũng đã hỗ trợ cho 5.037 hộ đồng bào DTTS nghèo trên địa bàn huyện được định cư, định canh ổn định. Trong đó, có 3.290 hộ được hỗ trợ đất ở; 1.747 hộ được cấp đất sản xuất, bình quân mỗi hộ có từ 1 đến 1,5 ha đất sản xuất. Cùng với các chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước, các đoàn thể cũng triển khai nhiều mô hình góp vốn cho mượn không tính lãi, giúp hộ nghèo là đồng bào DTTS chí thú làm ăn, biết thực hành tiết kiệm, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Điển hình như gia đình anh Lâm Chang ở ấp Trường Thành B, xã Trường Khánh. Trước đây hoàn cảnh gia đình rất nghèo, không đất sản xuất nên suốt ngày phải đi gánh nước thuê để kiếm tiền nuôi sáu đứa con nhỏ. Năm 2009, anh Lâm Chang được cấp 0,5 ha đất mương ao, đã đầu tư nuôi tôm càng xanh. Được Nhà nước hỗ trợ vốn vay, Trung tâm khuyến ngư cung cấp con giống, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc… nên trong năm vừa qua, thu hoạch hơn 300 kg tôm thương phẩm, với giá 140 nghìn đồng/kg, trừ chi phí anh Lâm Chang thu lãi gần 20 triệu đồng.
Việc hỗ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS ở Sóc Trăng đã mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần cùng với các chương trình dự án khác tác động tích cực đến công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống người dân và giữ vững tình hình an ninh chính trị trên địa bàn. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn bộc lộ một số mặt hạn chế, như nhiều địa phương ở cơ sở còn lúng túng trong việc lập kế hoạch, phương án triển khai vốn; việc rà soát, thống kê đối tượng thụ hưởng chậm; việc hỗ trợ, lao động học nghề gặp khó khăn do nhận thức của bà con còn hạn chế; chưa giao quyền chủ động cho từng hộ gia đình cũng như nâng cao nhận thức của người dân hiểu rõ ý nghĩa xã hội của đề án, nên chưa huy động được sự đóng góp tích cực của dòng họ, cộng đồng và các tổ chức đoàn thể xã hội… Trong thời gian tới, tỉnh Sóc Trăng tăng cường công tác chỉ đạo, nâng cao trách nhiệm các thành viên Ban Điều hành Chương trình 135 nhằm sớm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện. Đúc kết kinh nghiệm, cách làm hay của các địa phương để nhân rộng ra địa phương khác. Tiếp tục rà soát những hộ đồng bào DTTS thiếu đất ở, đất sản xuất để giải quyết, gắn với các chương trình, dự án nhằm tăng hiệu quả của đề án. Bên cạnh việc giúp đồng bào định cư, định canh ổn định, cũng cần tạo điều kiện cho người dân thụ hưởng các phúc lợi xã hội và khai thác có hiệu quả các công trình Nhà nước đầu tư trên địa bàn để nâng cao hiệu quả sản xuất và đời sống.
Theo Nhandan