Tuổi trẻ sống đẹp – sống có ích
07/06/2010 09:42
Thiết thực kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2010), nhằm góp phần giáo dục, định hướng tuổi trẻ xây dựng lối sống đẹp, sống có ích, T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á đã phối hợp tổ chức Cuộc thi viết Nét bút tri ân.Sau sáu tháng phát động, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 34 nghìn bài dự thi của hơn 20 nghìn bạn trẻ trong cả nước. Chúng tôi xin trích giới thiệu một trong những bài viết tham gia Cuộc thi này.Mẹ là người thầy theo con suốt cuộc đời"...NGOẠI kể cho con nghe ngay từ nhỏ mẹ đã rất vất vả, là con thứ hai trong gia đình có sáu anh chị em nên mọi công lớn việc nhỏ đều phải đỡ đần cha mẹ. Giữa cái thời khói lửa ấy, vừa tránh bom tránh đạn, lại vừa phải lo cho cái dạ dày suốt ngày sôi sùng sục bởi đói cơm, với cái lạnh cắt da cắt thịt bởi thiếu áo. Vậy mà mẹ ham...
Thiết thực kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 – 19-5-2010), nhằm góp phần giáo dục, định hướng tuổi trẻ xây dựng lối sống đẹp, sống có ích, T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á đã phối hợp tổ chức Cuộc thi viết Nét bút tri ân.
Sau sáu tháng phát động, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 34 nghìn bài dự thi của hơn 20 nghìn bạn trẻ trong cả nước. Chúng tôi xin trích giới thiệu một trong những bài viết tham gia Cuộc thi này.
Mẹ là người thầy theo con suốt cuộc đời
“…NGOẠI kể cho con nghe ngay từ nhỏ mẹ đã rất vất vả, là con thứ hai trong gia đình có sáu anh chị em nên mọi công lớn việc nhỏ đều phải đỡ đần cha mẹ. Giữa cái thời khói lửa ấy, vừa tránh bom tránh đạn, lại vừa phải lo cho cái dạ dày suốt ngày sôi sùng sục bởi đói cơm, với cái lạnh cắt da cắt thịt bởi thiếu áo. Vậy mà mẹ ham học lắm, vẫn đói cơm thiếu áo, vẫn lăn vào phụ giúp cha mẹ cấy cày, mót khoai mót sắn, kéo te, mò cua, bắt ốc. Vật lộn với cái nắng chang chang, với cái rét căm căm nhưng không ngăn được quyết tâm học tập của mẹ, mẹ vẫn mũ rơm tới trường với hy vọng được làm cô giáo. Thế rồi mẹ cũng học hết cấp 3.
Gian nan cứ nối tiếp gian nan! Học hết cấp 3, mẹ nộp đơn thi vào ngành Sư phạm, nhưng thật trớ trêu, hồ sơ thi mẹ gửi lên xã để xã gửi xuống trường dự thi, do vô tình hay cố ý đã được xếp vào một góc tối nào đó không được chuyển đi. Mẹ cứ đợi mãi giấy báo thi, đến ngày bạn bè khăn gói xuống trường thi mà giấy báo vẫn bặt vô âm tín, mẹ tất tưởi đi bộ xuống trường thì không thấy tên mình trong danh sách dự thi, ước mơ vỡ òa trong nước mắt, nhưng rồi gạt nước mắt mẹ lại cố gắng vừa phụ giúp ông bà, vừa ôn thi. Năm sau, mẹ đi thi, hẩm hiu thay, số phận lại không mỉm cười với mẹ, mẹ thi trượt năm đó. Ước mơ giản dị mà cháy bỏng của mẹ lại như gặp phải cơn mưa rào ập xuống, lòng mẹ buốt giá. Vậy mà mẹ lại cố công ôn thi, ước mơ được dày công vun đắp cũng đã được đáp đền khi mẹ đỗ vào Trường Sư phạm Thanh Hóa hệ 10 + 3.
Mẹ kể con nghe kỷ niệm đã theo suốt cuộc đời mẹ. Ngày thi xong, mẹ đã quyết định đi làm ở Khu công nghiệp gang thép Thái Nguyên, dù vẫn mang trong lòng ước mơ cháy bỏng được làm cô giáo. Ngay khi nhận được tin đỗ vào trường, người cha của mẹ đã cơm đùm cơm nắm đi bộ ròng rã gần cả tuần từ xã Đồng Tiến, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa ra Khu công nghiệp gang thép Thái Nguyên để báo tin và đón con gái về học. Giữa cái khát khao cháy bỏng của ước mơ, giữa ân tình không thể diễn tả hết của người cha. Mẹ đã xin nghỉ việc, dù rằng công việc lúc ấy rất thuận lợi và mẹ cũng đã có thể đỡ đần được gia đình.
Hành trang cho ngày xuống trường học sư phạm của mẹ là quyết tâm của bản thân, là những lời động viên và niềm tin của ông bà ngoại trao cho mẹ gói ghém trong đùm cơm nắm mo cau cho mẹ lót dạ đi đường. Cuộc đời mẹ đã sang trang mới dù khó khăn, thách thức phía trước là rất nhiều. Sau ba năm miệt mài đèn sách, dù đói khổ nhiều nhưng những con chữ đã mở cho mẹ con đường phía trước vì tương lai.
Tháng 9-1979, theo tiếng gọi của Tổ quốc, mẹ tình nguyện lên Trường THCS Yên Nhân, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa và bắt đầu cuộc sống của một giáo viên dạy văn từ đó. Mẹ đã cùng nhà trường vận động bà con bản làng xây dựng những phòng học, dù ngày đó nhà tranh vách nứa đơn sơ thôi, mẹ hòa nhập vào cuộc sống bản làng, hiểu họ và vận động họ cho con em tới trường. Việc vận động con em ở đây đi học được đã khó, để các em không bỏ học giữa chừng lại càng khó hơn, bởi bất đồng ngôn ngữ, bởi cuộc sống khó khăn, bởi học sinh không cùng trang lứa, có những em đi học mà tuổi còn lớn hơn cả giáo viên, việc dạy học quả là không dễ dàng chút nào. Nhưng cùng với đồng nghiệp, với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ và lòng đam mê nghề nghiệp, mẹ đã vượt qua tất cả để gieo cái chữ vào mầm đá, đóng góp một phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp trồng người.
Tháng 9-1983, ông ngoại không được khỏe, mẹ xin chuyển trường về nơi chôn rau cắt rốn, để hiếu kính với cha, để góp mình vào sự nghiệp giáo dục của xã nhà tại Trường THCS Đồng Thắng, sau đó là Trường THCS Đồng Tiến, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Mẹ có cơ hội đi dạy ở trường tỉnh, nhưng phần thương cha mẹ già, phần thương học trò nghèo ở xã mẹ đã từ chối. Dù vất vả, mẹ vẫn hân hoan trong niềm vui khi được đứng trước các em để truyền đạt kiến thức, trong lời giảng của mẹ đã có thêm sức nặng từ những hạt mồ hôi, truyền cho các em sức mạnh để vượt qua gian khó.
Do cuộc sống quá khó khăn nên cha quyết định vào vùng kinh tế Tây Nguyên để lập nghiệp. Cha chỉ đỡ đần mẹ được khi vào ngày Tết hay những dịp về quê. Mẹ lại bộn bề với bao nỗi lo toan, mẹ thương con hay ốm yếu, thương học trò ốm đau không có tiền để chữa bệnh, với những bài học và kinh nghiệm làm thuốc cha đã chỉ bảo, và vốn kiến thức về các bài thuốc dân gian, mẹ quyết tâm học nghề và rồi những trận sốt của các con, những cơn đau của các học sinh được mẹ xoa dịu, chữa trị bằng những kiến thức đã tự học được từ những bài thuốc cổ truyền. Chuyên môn giảng dạy cũng được mẹ luôn nâng cao qua từng đợt tập huấn, qua sách vở, qua những trang sáng kiến kinh nghiệm mà có hôm mẹ đã thức thâu đêm. Ánh mắt mẹ ngấn lệ vì vui khi thấy lớp học luôn đông đủ, con em của các thôn, xóm đến trường đông hơn.
Cả đời mẹ tay phấn, tay cày tay cuốc, tay thuốc chữa bệnh. Và mẹ cho con, cho học sinh của mẹ những kiến thức, tình yêu thương, lòng kiên trì, sự vươn lên trong cuộc sống, sự đam mê, niềm tin đi đến tận cùng của sự đam mê, cho chúng con sáng ngời chân lý “sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.
Mỗi nét bút là một lời tri ân và hơn thế nữa, cuộc đời của mẹ đã thôi thúc con bước tiếp những chặng đường nhiệt huyết của một nhà giáo, một tấm lòng mẹ của con…”
Theo Nhandan