Thứ ba,  10/09/2024

Phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em: Góp phần nâng cao chất lượng dân số

LSO-Qua 10 năm triển khai chương trình phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em (PCSDDTE), tại Lạng Sơn, tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) trẻ em về cân nặng/tuổi đã giảm từ 42,4% năm 1999 xuống còn 22,4% năm 2009, tỷ lệ SDD chiều cao/tuổi giảm từ 50,5% xuống còn 32,1 %. Chương trình PCSDDTE đã góp phần đáng kể vào việc nâng cao chất lượng dân số cũng như công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.Trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng nhân tố con người, vấn đề cải thiện tình trạng SDD và giảm tỷ lệ SDD trẻ em là một mục tiêu quan trọng được ghi nhận trong văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X. Được chăm sóc tốt, không để SDD cũng là một trong những nội dung trong các quyền cơ bản của trẻ em được quy định tại Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Bác sỹ Nông Thị Hồng - Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ sinh sản (CSSKSS) tỉnh cho biết: Qua 10 năm thực hiện, dưới sự chỉ đạo của...

LSO-Qua 10 năm triển khai chương trình phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em (PCSDDTE), tại Lạng Sơn, tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) trẻ em về cân nặng/tuổi đã giảm từ 42,4% năm 1999 xuống còn 22,4% năm 2009, tỷ lệ SDD chiều cao/tuổi giảm từ 50,5% xuống còn 32,1 %. Chương trình PCSDDTE đã góp phần đáng kể vào việc nâng cao chất lượng dân số cũng như công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng nhân tố con người, vấn đề cải thiện tình trạng SDD và giảm tỷ lệ SDD trẻ em là một mục tiêu quan trọng được ghi nhận trong văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X. Được chăm sóc tốt, không để SDD cũng là một trong những nội dung trong các quyền cơ bản của trẻ em được quy định tại Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Bác sỹ Nông Thị Hồng – Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ sinh sản (CSSKSS) tỉnh cho biết: Qua 10 năm thực hiện, dưới sự chỉ đạo của Ban điều hành mục tiêu PCSDDTE Trung ương và Sở Y tế, chương trình PCSDDTE ở Lạng Sơn đã nhận được sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể và tham gia của cộng đồng. Là cơ quan thường trực thực hiện chương trình, Trung tâm CSSKSS tỉnh luôn phát huy vai trò đơn vị đầu mối, phối hợp với các đơn vị trong ngành tổ chức, triển khai các hoạt động của chương trình trên quy mô toàn tỉnh; xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng hoạt động của chương trình, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng thời điểm. Đặc biệt, để xây dựng mạng lưới hoạt động, trung tâm đã tổ chức đào tạo giảng viên cho các cán bộ trung tâm và các đội Bảo vệ sức khoẻ bà mẹ và trẻ em các huyện, thành phố để tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ y tế xã và cộng tác viên dinh dưỡng.

Uống sữa để nâng cao sức khỏe.
Với sự nỗ lực của cán bộ, nhân viên y tế cùng đội ngũ cộng tác viên dinh dưỡng thôn bản trong toàn tỉnh, các hoạt động truyền thông dinh dưỡng đã được triển khai rộng khắp, đa dạng từ truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng đến truyền thông tại cộng đồng kết hợp với thực hành dinh dưỡng để các bà mẹ, người chăm sóc trẻ có kiến thức cơ bản nhất về dinh dưỡng ở trẻ em. Nhiều hoạt động: tổ chức tập huấn, hội thi “Hướng dẫn thực hành dinh dưỡng” cho các bà mẹ có con dưới 2 tuổi và phụ nữ đang mang thai, “Hội thi cộng tác viên dinh dưỡng giỏi” được tổ chức từ cấp cơ sở cho đến cấp tỉnh nhằm nâng cao kiến thức của cộng đồng để PCSDDTE.
Cùng với đó, các hoạt động phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng, hoạt động phục hồi cho trẻ bị SDD cũng được đẩy mạnh. Hàng năm, Trung tâm CSSKSS đều phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức bổ sung Vitamin A kết hợp với tẩy giun định kỳ cho trẻ, nâng cao tỷ lệ phụ nữ sau sinh được bổ sung Vitamin A, thực hiện bổ sung sắt cho phụ nữ mang thai. Đồng thời thực hiện hỗ trợ theo định mức ưu tiên cho một số trẻ bị SDD không tăng cân 3 tháng liên tiếp hoặc phụ nữ có thai 6 tháng chỉ tăng dưới 2,5kg ở một số xã bằng các sản phẩm do Viện Dinh dưỡng nghiên cứu và sản xuất như bột dinh dưỡng loại mặn, ngọt; bột đạm cóc, gói DAVITA; men tiêu hoá PEPSIN, bánh quy có bổ sung canxi, kẽm, sắt… Để giám sát chặt chẽ tình hình dinh dưỡng trẻ em, trung tâm thường xuyên chỉ đạo các đơn vị tuyến dưới tổ chức cân và theo dõi biểu đồ tăng trưởng của trẻ dưới 2 tuổi định kỳ hàng tháng; mỗi năm tổ chức 2 lần cân trẻ dưới 5 tuổi và đánh giá tỷ lệ SDD trẻ em của xã và huyện. Nhờ triển khai rộng khắp tới tận thôn bản, khối phố, hoạt động cân và theo dõi tăng trưởng của trẻ được thực hiện hiệu quả, hàng năm tỷ lệ cân trẻ luôn đạt từ 95-98%.
Với những nỗ lực trong công tác PCSDDTE, Lạng Sơn đã được nhận bằng khen của Bộ Y tế về thành tích 10 năm thực hiện chương trình. Kết quả từ chương trình PCSDDTE đã góp phần quan trọng vào việc cải thiện tình trạng sức khoẻ, thể chất của trẻ em trên địa bàn từ đó góp phần nâng cao chất lượng dân số. Cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, trong thời gian tới, Lạng Sơn sẽ tăng cường xã hội hoá chương trình PCSDDTE thông qua việc lồng ghép các hoạt động của các ngành, đoàn thể địa phương, đưa nội dung PCSDDTE vào quy ước, hương ước của khu dân cư… Sự tham gia của nhân dân, của toàn xã hội sẽ góp phần nâng cao hiệu quả chương trình, để Lạng Sơn góp phần cùng cả nước đạt tới mục tiêu cải thiện tầm vóc con người Việt Nam.

Bảo Vy