Chủ động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn
09/06/2010 08:45
Từ đầu năm 2010, thiên tai diễn biến bất thường, gây thiệt hại về người và tài sản. Dự báo năm nay thời tiết có xu hướng cực đoan, số cơn bão hoạt động trên Biển Đông ở mức xấp xỉ năm 2009, nắng nóng gay gắt, mưa cục bộ lớn, đỉnh lũ các sông khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên có xu thế lớn. Trước tình hình này, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 808/CT-TTg về công tác phòng, chống thiên tai, lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2010.Trước hết, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo, Chỉ huy PCLB và TKCN các cấp từ T.Ư đến địa phương; tiếp tục triển khai Chương trình hành động thực hiện Chiến lược phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020, chủ động lồng ghép các nhiệm vụ phòng, tránh thiên tai, biến đổi khí hậu, nước biển dâng vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của bộ, ngành, địa phương. Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư chủ động di dời...
Từ đầu năm 2010, thiên tai diễn biến bất thường, gây thiệt hại về người và tài sản. Dự báo năm nay thời tiết có xu hướng cực đoan, số cơn bão hoạt động trên Biển Đông ở mức xấp xỉ năm 2009, nắng nóng gay gắt, mưa cục bộ lớn, đỉnh lũ các sông khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên có xu thế lớn. Trước tình hình này, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 808/CT-TTg về công tác phòng, chống thiên tai, lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2010.
Trước hết, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo, Chỉ huy PCLB và TKCN các cấp từ T.Ư đến địa phương; tiếp tục triển khai Chương trình hành động thực hiện Chiến lược phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020, chủ động lồng ghép các nhiệm vụ phòng, tránh thiên tai, biến đổi khí hậu, nước biển dâng vào các chương trình phát triển kinh tế – xã hội của bộ, ngành, địa phương. Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư chủ động di dời những hộ dân đang sống ở vùng nguy hiểm đến nơi định cư mới an toàn. Các tỉnh, thành phố có đê đôn đốc tiến độ thực hiện tu bổ nâng cấp, duy tu bảo dưỡng đê sông, xây dựng kè, cống và các công trình bảo vệ đê trên địa bàn, bảo đảm hoàn thành đúng thời hạn, kịp đưa công trình vào vận hành chống lũ, bão năm 2010. Các tỉnh, thành phố ven biển đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình củng cố, nâng cấp đê biển theo kế hoạch vốn được giao. Các tỉnh miền núi, trung du thực hiện các biện pháp cảnh báo ở những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, trang bị phương tiện thông tin liên lạc, truyền tin tới các thôn, bản để phục vụ cảnh báo và triển khai tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống khẩn cấp xảy ra… Đặc biệt, yêu cầu UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp bộ, ngành liên quan xây dựng phương án cụ thể phòng, chống bão lũ, an toàn đê điều, đặc biệt chống ngập úng do mưa lớn, bảo đảm tổ chức thành công Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội…
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư, do ảnh hưởng của vùng thấp nóng phía tây nên hôm nay các tỉnh bắc, Trung Trung Bộ nhiệt độ đã tăng cao, phổ biến trong khoảng 35-36oC, một số nơi có nhiệt độ cao hơn như Bái Thượng (Thanh Hóa) 36,1oC; Thanh Hóa 37oC, Tây Hiếu (Nghệ An) 37,3oC. Hiện nay vùng thấp phía tây đang phát triển và mở rộng về phía đông nam, hiệu ứng gió tây khô nóng đang hoạt động mạnh hơn. Hôm nay (9-6) ở bắc và Trung Trung Bộ xuất hiện nắng nóng trên diện rộng. Nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-37oC, một số nơi cao hơn 38oC. Dự báo, nắng nóng trên diện rộng ở các tỉnh miền trung sẽ kéo dài trong khoảng 1-2 ngày tới.
Theo Đài khí tượng – thủy văn khu vực Nam Bộ, liên tục trong 3-4 ngày qua, toàn khu vực phía nam xuất hiện những mưa ngắn vào buổi chiều. Đây là giai đoạn đầu mùa mưa nên lượng mưa còn ít. Nguyên nhân là gió mùa tây nam giảm do trên biển không có áp thấp, vì vậy chưa xuất hiện những cơn mưa lớn và kéo dài. Dự báo 7-10 ngày nữa, gió mùa tây nam mạnh thêm nên sẽ có mưa lớn. Tuy vậy, đây là tháng đầu mùa mưa nên lốc xoáy, sấm sét cũng xuất hiện với tần suất và cường độ mạnh. Tại những khu vực khác như An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng… phải đặc biệt chú ý vì thường xảy ra những cái chết đáng tiếc do sét đánh.
Trận mưa lớn kéo dài sáng 7-6 đã làm nhiều nơi của TP Hạ Long (Quảng Ninh) bị ngập lụt. Tại khu 2, phường Bãi Cháy, TP Hạ Long, gần 500 m của đường Hạ Long ngập nước do các cống hai bên đường bị tắc, không thể thực hiện nhiệm vụ tiêu thoát. Nhiều đoạn cống vỡ trên vỉa hè bị che lấp bởi nước mưa, gây nguy hiểm cho người qua lại khu vực này. Các đơn vị thi công đưa phương tiện đến khai thông cống rãnh để tiêu thoát nước.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã xảy ra năm đợt mưa dông, lốc xoáy làm chết một người, tốc mái 77 nhà, ngã đổ 35 trụ điện… Ban Chỉ huy PCLB thành phố vừa đề nghị UBND các quận, huyện, các cơ quan, đơn vị triển khai công tác PCLB; đồng thời chỉ đạo các ban, ngành liên quan tuyên truyền, phổ biến đến nhân dân một số biện pháp phòng, tránh, ứng phó với mưa lớn, dông gió, lốc xoáy. Hiện nay, trên địa bàn thành phố đã bước vào thời kỳ chuyển mùa, đầu mùa mưa, là thời điểm thường xảy ra những cơn dông và lốc xoáy, sấm sét.
Từ đầu tháng 6 đến nay, trên vùng biển Kiên Giang liên tiếp xảy ra năm cơn lốc xoáy, có cường độ khá mạnh, tầm di chuyển xa hàng chục km, tạo hiệu ứng “vòi rồng” với lực hút tạo cột nước cao có khi từ vài chục đến cả trăm mét. Lốc xoáy xảy ra trên vùng biển gần bờ liên tục vào thời điểm đầu mùa mưa là hiện tượng đáng lo ngại, nhất là nhiều năm qua chưa có năm nào lốc xoáy xảy ra.
Theo Nhandan