Khai thác cát sỏi xây dựng: Cần thực hiện nghiêm chỉnh Công văn 134 của UBND tỉnh
09/06/2010 10:24
LSO-Trên cơ sở báo cáo của Sở xây dựng về thực trạng việc khai thác cát sỏi xây dựng, ngày 3/3/2010, UBND tỉnh đã có Công văn 134 chỉ đạo UBND các huyện Lộc Bình, Tràng Định và thành phố Lạng Sơn đình chỉ ngay việc khai thác cát sỏi tại một số nơi...Một số điểm đã “ tạm lắng”Công văn 134 ghi rõ: “Giao cho UBND các huyện Lộc Bình, Tràng Định, Thành phố tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra và đình chỉ ngay việc khai thác cát sỏi tại một số nơi:-Đoạn từ phía Tây cách trung tâm thị trấn Lộc Bình 01km đến cuối thị trấn Lộc Bình thuộc huyện Lộc Bình.-Đoạn từ thôn Mai Pha đến cầu Thác Trà thuộc Thành phố Lạng Sơn-Đoạn thượng lưu và hạ lưu cầu Bản Trại trong khoảng 01 km thuộc huyện Tràng Định”.Để đáp ứng vật liệu cho xây dựng, các doanh nghiệp ( DN) và tư nhân luôn “ quan tâm” đến các “ điểm mỏ” cát sỏi gần các công trình giao thông quan trọng như cầu, kè, đập ngăn...ở đây thường có sự bồi lắng cát sỏi, khai thác dễ dàng; mặt khác, các...
LSO-Trên cơ sở báo cáo của Sở xây dựng về thực trạng việc khai thác cát sỏi xây dựng, ngày 3/3/2010, UBND tỉnh đã có Công văn 134 chỉ đạo UBND các huyện Lộc Bình, Tràng Định và thành phố Lạng Sơn đình chỉ ngay việc khai thác cát sỏi tại một số nơi…
Một số điểm đã “ tạm lắng”
Công văn 134 ghi rõ: “Giao cho UBND các huyện Lộc Bình, Tràng Định, Thành phố tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra và đình chỉ ngay việc khai thác cát sỏi tại một số nơi:
–Đoạn từ phía Tây cách trung tâm thị trấn Lộc Bình 01km đến cuối thị trấn Lộc Bình thuộc huyện Lộc Bình.
–Đoạn từ thôn Mai Pha đến cầu Thác Trà thuộc Thành phố Lạng Sơn
–Đoạn thượng lưu và hạ lưu cầu Bản Trại trong khoảng 01 km thuộc huyện Tràng Định”.
Để đáp ứng vật liệu cho xây dựng, các doanh nghiệp ( DN) và tư nhân luôn “ quan tâm” đến các “ điểm mỏ” cát sỏi gần các công trình giao thông quan trọng như cầu, kè, đập ngăn…ở đây thường có sự bồi lắng cát sỏi, khai thác dễ dàng; mặt khác, các điểm này tiện giao thông, nên giá thành vận chuyển rẻ, lợi nhuận cao. Tuy nhiên, việc khai thác cát sỏi gần công trình giao thông quan trọng đã gây nên hậu quả rất nghiêm trọng. Bằng chứng rõ nhất là sự sạt lở gần 100m bờ sông thuộc phạm vi thị trấn Lộc Bình, khiến nhà nước phải tốn kém hàng tỷ đồng để khôi phục và công trình nâng cấp cải tạo quốc lộ 4B chậm tiến độ. Vì vậy, việc đình chỉ khai thác là việc làm cần thiết cấp bách.
Điều đáng mừng là từ khi có công văn 134 của UBND tỉnh, tình hình khai thác cát sỏi trái phép ở một số khu vực đã tạm lắng. Tại khu vực hạ lưu cầu Pò Lọi, trước đây có DN mở hẳn một con đường từ Quốc lộ 4B xuống sông để lấy cát sỏi, song vài tháng nay con đường tạm này đã bị phá đi và không thấy hiện tượng dân và DN khai thác cát sỏi tại nơi này nữa. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Hoàng Vĩnh Hưng, Chủ tịch UBND thị trấn Lộc Bình cho biết, trong đợt “ cứng hóa” đường nội thị của thị trấn, UBND thị trấn đã phải thuê xe lấy cát sỏi tận dưới đoạn sông Kỳ Cùng khu vực Bản Ngà chở về; tuy giá thành cao gấp 1,3 lần việc khai thác tại chỗ, song không thể làm khác.
Khu vực từ thôn Mai Pha đến cầu Thác Trà, trước đây, các DN khai thác nhiều và chở theo các nhánh lên đường Bà Triệu, khiến cho đoạn sông này như một bãi hố bom khổng lồ, nhiều chỗ sâu đến hàng chục mét, làm thay đổi dòng chảy, đến nỗi mùa mưa năm 2008 đã làm sập nhà dân tại khu vực đường Hùng Vương. Sau “ lệnh cấm”, tình hình đoạn này đã lắng dịu.
Khai thác cát sỏi và đào đãi vàng sa khoáng gần cầu Bản Trại (Tràng Định) vẫn diễn biến phức tạp. |
Tại Tràng Định, đoạn gần cầu Bản Trại, không chỉ là khai thác cát sỏi, mà còn “ kết hợp” khai thác vàng sa khoáng. Hàng chục xuồng, “ tàu cuốc” cần mẫn suốt ngày đêm, đào đi xới lại trong một thời gian dài khiến cho đoạn sông này thay đổi dòng chảy từng ngày, từng mùa. Đồng chí Bí thư huyện ủy cho biết, trước khi có công văn 134, huyện đã cấp phép cho 1 DN khai thác vật liệu xây dựng cách phía thượng lưu cầu khoảng trên 600m, song điều đáng nói là có rất nhiều xuồng và máy của tư nhân “ ăn theo”; mỗi khi có đoàn kiểm tra, họ lại “di tản” tạm thời.
Cần “ xiết chặt” kỷ cương
Sự “ yên ắng” tại một số điểm bị đình chỉ chỉ là tạm thời. Đồng chí Chủ tịch UBND thị trấn Lộc Bình nói rằng, không còn tình trạng khai thác trong khu vực cấm chẳng qua đã hết cát sỏi. Tại khu vực thành phố cũng vậy, đào bới mãi, tài nguyên cũng cạn và các “ ông chủ” buộc phải chuyển địa điểm. Nhưng sau mùa mưa, liệu việc khai thác có tiếp diễn?
Phức tạp vẫn là khu vực cầu Bản Trại ( Tràng Định). Một số người cho rằng khai thác cát sỏi không gây tổn hại bằng việc đào đãi vàng sa khoáng, bởi vì lấy cát sỏi đi, thì mùa mưa lại đầy; nhưng khai thác vàng thì “ đào sâu, móc kỹ” không chỉ đe dọa đến móng cầu, mà dân còn bị mất đất do thay đổi dòng chảy. Trong suốt thời gian qua, chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng của huyện và của tỉnh đã vào cuộc mạnh mẽ, song cũng chỉ là “phạt cho tồn tại”, nên chưa thể giải quyết dứt điểm. Điều cần nhất trong lúc này là UBND huyện Tràng Định cần “ điều chỉnh” khu vực khai thác cho DN theo đúng khoảng cách 1km phía trên và dưới cầu; đi đôi với tuyên truyền, giáo dục cần có những biện pháp mạnh hơn để dẹp bỏ tình trạng tư nhân “ ăn theo” DN, khai thác bừa bãi.
Tiếp cận với công văn 134, nhiều người cũng cho rằng cần kết hợp cấm khai thác vàng sa khoáng tại các khu vực “ nhạy cảm” trên. Ngay trong thời gian này, cũng cần đình chỉ khai thác cát sỏi và vàng sa khoáng tại một số điểm khác như khu vực cầu Tân Liên- Gia Cát, cầu Văn Mịch, cầu Bình Độ…để các cây cầu này có thể được bình yên trong mùa mưa lũ.
MH