Thanh Hóa đưa trí thức trẻ về xã, phường công tác
16/04/2011 09:27
Chủ trương thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy về công tác tại xã, phường, thị trấn của Tỉnh ủy Thanh Hóa đã góp phần từng bước chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ở cơ sở. Đây cũng là một trong những giải pháp để thực hiện tốt chiến lược cán bộ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới.Ghi nhận ở thành phố Thanh HóaTốt nghiệp đại học Hồng Đức, chuyên ngành quản trị kinh doanh, từng ra Quảng Ninh tìm việc làm, nhờ có chính sách thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy về xã, phường công tác, Hà Anh Việt được tiếp nhận, làm việc tại phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hóa. Anh Việt tâm sự: Công tác ở phường, hằng ngày tiếp xúc với nhân dân đòi hỏi cán bộ phải chuẩn mực trong giao tiếp, ứng xử, nhất là chấp hành nền nếp, nội quy nơi công sở. Mức thu nhập có thể thấp hơn so với khi làm việc trong các doanh nghiệp, nhưng Việt được công tác tại nơi mình sinh ra, có điều kiện chăm lo cho gia đình....
Chủ trương thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy về công tác tại xã, phường, thị trấn của Tỉnh ủy Thanh Hóa đã góp phần từng bước chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ở cơ sở. Đây cũng là một trong những giải pháp để thực hiện tốt chiến lược cán bộ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
Ghi nhận ở thành phố Thanh Hóa
Tốt nghiệp đại học Hồng Đức, chuyên ngành quản trị kinh doanh, từng ra Quảng Ninh tìm việc làm, nhờ có chính sách thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy về xã, phường công tác, Hà Anh Việt được tiếp nhận, làm việc tại phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hóa. Anh Việt tâm sự: Công tác ở phường, hằng ngày tiếp xúc với nhân dân đòi hỏi cán bộ phải chuẩn mực trong giao tiếp, ứng xử, nhất là chấp hành nền nếp, nội quy nơi công sở. Mức thu nhập có thể thấp hơn so với khi làm việc trong các doanh nghiệp, nhưng Việt được công tác tại nơi mình sinh ra, có điều kiện chăm lo cho gia đình. Niềm vui được nhân lên, mới đây, Hà Anh Việt trúng tuyển công chức phường, cho nên càng yên tâm với công việc được giao. Phường Đông Thọ đã được Thành ủy cho tuyển dụng, tiếp nhận bảy sinh viên tốt nghiệp đại học (SVTNĐH), hầu hết các sinh viên này đều công tác tốt và có khả năng phát triển.
Theo Trưởng phòng Nội vụ UBND thành phố Thanh Hóa Hoàng Xuân Hương thì đội ngũ cán bộ cơ sở hiện nay còn yếu và thiếu, nhiều người chưa đạt chuẩn về trình độ chuyên môn và chính trị. Do vậy, Thành ủy Thanh Hóa đã rà soát, đối chiếu với tiêu chuẩn hiện hành, chú trọng làm tốt công tác tư tưởng, có chính sách phù hợp đối với số cán bộ tuổi cao nghỉ công tác trước thời hạn; tạo điều kiện cho những người có năng lực, công tác tốt theo học các khóa đào tạo, đồng thời tiếp nhận 50 SVTNĐH, trong đó có 32 trường hợp được tăng cường về các phường, xã. Nhìn chung, các em có trách nhiệm cao trong công việc, tích cực tham gia các hoạt động phong trào, công tác xã hội. Song vẫn có những cá nhân ý thức tự học tập, phấn đấu chưa cao, nghiệp vụ quản lý, tham mưu chưa tốt. Điều đó đòi hỏi cấp ủy, chính quyền, các tổ chức quần chúng phải thường xuyên quan tâm, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ trẻ, động viên, tạo môi trường cho họ phấn đấu.
Phó Bí thư Thành ủy TP Thanh Hóa Nguyễn Văn Ngọc cho rằng, thu hút những người có trình độ đại học về xã, phường công tác là hướng đi đúng, đem lại hiệu quả rõ rệt. Nhiệm kỳ này, Đảng bộ TP Thanh Hóa tiếp tục chọn mũi đột phá từ công tác cán bộ, đẩy mạnh luân chuyển, tăng cường cán bộ về phường, xã, điều chuyển cán bộ từ xã, phường này sang xã, phường khác, nhằm kiểm nghiệm năng lực quy tụ, tập hợp quần chúng, xây dựng, nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền cấp cơ sở.
Cần giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ hơn
Kết quả khảo sát thực trạng năm chức danh công chức cấp xã trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cuối năm 2009 cho thấy, trong tổng số 4.003 cán bộ vẫn còn 479 người chưa qua đào tạo chuyên môn, chiếm 12%. Số cán bộ có trình độ chuyên môn chủ yếu là trung cấp, tốt nghiệp hệ tại chức. Vì thế, việc thu hút những người có trình độ đại học về xã, phường, thị trấn công tác là việc làm cần thiết. Năm 2010, tỉnh Thanh Hóa thực hiện đề án thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy về xã, phường công tác. Sinh viên được hỗ trợ tiền thuê nhà ở, hưởng chính sách đặc thù đối với cán bộ công tác ở các xã, thị trấn thuộc 11 huyện miền núi. 1.100 SVTNĐH đã được tuyển dụng, bố trí công tác theo chủ trương nói trên. Chủ tịch UBND xã Cao Thịnh, huyện Ngọc Lặc Phạm Đình Thắng cho biết: xã sẵn sàng tiếp nhận, phân công công tác, tạo môi trường thuận lợi cho SVTNĐH phát huy năng lực, trình độ trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; theo dõi, đánh giá, bổ sung vào nguồn quy hoạch.
Tìm hiểu những khó khăn khi thực hiện chủ trương nói trên của Tỉnh ủy, chúng tôi được các đồng chí cán bộ xã Hải Bình và thị trấn huyện Tĩnh Gia chia sẻ: Đó là việc giải quyết cho số cán bộ không đạt chuẩn nghỉ việc trước thời hạn, dù chính sách đối với họ nhìn chung là hợp lý, nhưng ít người muốn nghỉ. Hơn nữa, vẫn có tâm lý thiếu mặn mà với sinh viên mới ra trường, cố ý 'chờ' con em trong dòng họ kế cận hoặc 'đánh đu', đợi đủ thời gian để hưởng chế độ hưu trí. Mỗi năm, tỉnh Thanh Hóa có hơn 15 nghìn sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng, nhưng chỉ có từ 400 đến 500 em được tuyển dụng.
Hàng nghìn sinh viên đào tạo chính quy, sau khi tốt nghiệp chưa tìm được việc làm, trong khi đó trình độ đội ngũ cán bộ cơ sở chắp vá, bất cập về cơ cấu, loại hình đào tạo so với yêu cầu nhiệm vụ được giao. Khi Thanh Hóa thực hiện chủ trương thu hút SVTNĐH về xã, phường, thị trấn công tác cũng là thời điểm Nghị định 92/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực và trung bình mỗi xã được tuyển thêm từ hai đến ba SVTNĐH. Với 637 xã, phường, thị trấn, tỉnh Thanh Hóa được phép tuyển dụng khoảng 2.000 SVTNĐH về xã, phường công tác. Theo báo cáo của Sở Nội vụ, bước đầu toàn tỉnh có gần 1.500 hồ sơ đăng ký dự tuyển về xã, phường công tác và đã tuyển dụng hơn một nghìn người. Song số sinh viên học các chuyên ngành kinh tế kỹ thuật, giao thông, xây dựng, địa chính không nhiều. Mặt khác, nhiều sinh viên tốt nghiệp cử nhân khoa học xã hội, sư phạm chuyên ngành lịch sử, ngữ văn, địa lý, vật lý, hóa học… dù mong muốn về xã, phường công tác nhưng không thuộc diện tuyển dụng. Chị Nguyễn Thị Bắc, ở làng Đông Cao, xã Trung Chính, huyện Nông Cống tốt nghiệp loại khá khoa sư phạm, chuyên ngành vật lý, Trường Đại học Vinh băn khoăn: Khi biết có chủ trương trên, tôi lên Sở Nội vụ mua hồ sơ đăng ký dự tuyển nhưng được trả lời không thuộc diện tuyển dụng, đành ra tỉnh ngoài tìm việc. Còn nhiều sinh viên khác như Võ Thị Quỳnh, ở xã Quảng Thịnh, huyện Quảng Xương tốt nghiệp hệ chính quy, khoa ngữ văn, Trường Đại học Hồng Đức vẫn lận đận tìm việc làm, dù mong muốn được tuyển dụng về xã, phường công tác.
Đồng chí Mai Văn Ninh, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa khẳng định: Thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy về xã, phường, thị trấn công tác là quyết tâm của tỉnh. Với ưu thế tuổi đời còn trẻ, được đào tạo chính quy, có phương pháp nghiên cứu, tiếp cận, khả năng liên hệ lý luận và thực tiễn, bước đầu số sinh viên được tuyển dụng về các xã, phường, thị trấn công tác đã tạo chuyển biến tích cực trong đội ngũ cán bộ cơ sở. Kiên trì, khoa học, trách nhiệm, công tâm trong tổ chức, thực hiện đề án, tin rằng Thanh Hóa sẽ có bước tiến về chuẩn hóa đội ngũ cán bộ cơ sở.
Theo Nhandan