Cây cao -su lên núi đồi phía bắc
10/05/2011 08:41
Mở rộng diện tích cây cao-su tại các tỉnh Tây Bắc nước ta là chủ trương lớn của Chính phủ. Bốn năm qua, đã có bảy tỉnh miền núi phía bắc (trong đó có ba tỉnh Tây Bắc và bốn tỉnh Đông Bắc) từng bước đưa cây cao-su vào cơ cấu cây trồng. Tuy nhiên, kết quả khá hạn chế và quá trình trồng bộc lộ nhiều khó khăn, có tỉnh diện tích cao-su trồng thử nghiệm chỉ còn lại… 3%, đòi hỏi cần được điều chỉnh để có bước đi phù hợp…
Vì sao cây cao-su chết hàng loạt?
Từ vùng trồng thí điểm…
Năm 2009, khu đồi chè trồng xen bạch đàn rộng 90 ha của Xí nghiệp Chè Vạn Thắng (thuộc Công ty CP Chè Phú Thọ) nằm trên địa bàn xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê
tỉnh Phú Thọ được chặt bỏ để trồng cây cao-su. Đây là doanh nghiệp được chọn trồng thí điểm 200 ha cao-su đại điền đầu tiên của tỉnh. Đối với Xí nghiệp Chè Vạn Thắng, đây là cơ hội đổi đời cho công nhân vì diện tích chè nói trên chủ yếu đã ba bốn mươi năm tuổi, già cỗi, năng suất thấp, đang cần được cải tạo, thay thế. Vì vậy, Xí nghiệp rất hào hứng. Giám đốc Xí nghiệp Chè Vạn Thắng Nguyễn Trung Thành cho biết, tham gia góp đất trồng cây cao-su, mỗi ha được Tập đoàn công nghiệp cao-su Việt Nam (VRG) đầu tư bình quân từ 70 đến 80 triệu đồng, xí nghiệp trở thành thành viên của Công ty CP Cao-su Phú Thọ trong tương lai…
Đến cuối năm 2010, Xí nghiệp trồng được 110 ha với gần 50 nghìn cây cao-su. Cây trồng năm 2009 đã cao 3 m, cây trồng năm 2010 cao 1,3 m. Thế nhưng, đợt rét đậm, rét hại đầu năm 2011 kéo dài hơn một tháng đã làm hơn 12 nghìn cây chết (25%), gần 2.000 cây chết nửa thân và hơn 34 nghìn cây còn lại bị rụng lá. Khi thăm vườn cao-su vào cuối tháng 4-2011, chúng tôi thấy những cây rụng lá đã hồi phục, cây chết nửa thân đã được xử lý cắt ngang thân chờ nảy chồi trở lại. Những cây chết đang được trồng dặm lại hoặc ghép mắt.
Hỏi chuyện Hà Sơn Bình, một thanh niên đang chăm sóc cây cao-su, chúng tôi được biết, có tất cả 35 con em công nhân của xí nghiệp được thuê trồng, chăm sóc cây cao-su với mức lương bình quân hai triệu đồng/người/tháng. Bình hào hứng: 'Chúng em cũng hy vọng vào cây cao-su lắm vì trước đây, cả hai vợ chồng em hái chè cũng chỉ thu nhập bình quân từ 700 đến 800 nghìn đồng/người/tháng. Sau này, khi cây cao-su cho mủ, chúng em trở thành công nhân khai thác mủ với thu nhập chắc hơn hẳn trồng chè'. Đồng chí Thành cho biết, nếu cây cao-su phát triển theo đúng lý thuyết, thì tương lai, cuộc sống nhiều cán bộ, công nhân của xí nghiệp sẽ được đổi đời. Nhưng sau 'tai nạn' do rét đậm, việc trồng mới cần được tính toán kỹ, phải có cây giống chịu được lạnh thì xí nghiệp mới an tâm trồng tiếp.
Theo dự kiến, trong nửa đầu năm 2011, Tập đoàn VRG sẽ thành lập Công ty CP Cao-su Phú Thọ (PTR). Tỉnh Phú Thọ cũng đã phê duyệt quy hoạch diện tích cao-su đến năm 2020 là 13.450 ha, trong đó 10.305 ha đại điền và sẽ trồng mới 500 ha ngay trong năm nay. Đồng chí Hồ Anh Đức, cán bộ của VRG tại Phú Thọ cho biết, cùng với việc quy hoạch quỹ đất phục vụ trồng cây cao-su, PTR đã quy hoạch nhà máy chế biến sản phẩm từ cây cao-su và cơ sở hạ tầng như làm đường, điện vào các nông trường và nhà máy trong vùng cao-su tập trung. Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Phú Thọ Nguyễn Đức Thiện, tỉnh có gần 200 nghìn ha đất rừng, chủ yếu là rừng sản xuất nguyên liệu giấy. Đồng chí Thiện cho rằng, trồng rừng sản xuất và trồng cây cao-su đều có chung tác dụng là phủ xanh đất trống, đồi trọc, nhưng trồng cây cao-su sẽ cho lợi ích kinh tế cao hơn hẳn. Tỉnh Phú Thọ vẫn quyết tâm trồng cây cao-su, nhưng dứt khoát phải trồng thí điểm thành công mới triển khai ra diện rộng và đi từng bước. Cụ thể, đến năm 2015, tỉnh cố gắng trồng từ 3.000 đến 3.500 ha. Đó là một trong những cách để Phú Thọ nâng cao thu nhập cho các hộ lâm nghiệp hiện vẫn có thu nhập hết sức thấp từ rừng….đến nhân rộng ra đại trà
Tại Lào Cai là tỉnh chưa được Chính phủ quy hoạch trồng cây cao-su, chúng tôi thăm vùng cao-su tại Làng Thanh niên lập nghiệp Trịnh Tường và các xã Bản Qua, Bản Vược, Nậm Chạc, A Mú Sung (thuộc huyện Bát Xát) do Sở NN và PTNT, Tỉnh đoàn Lào Cai và UBND huyện Bát Xát phối hợp trồng. Các giống cây cao-su chủ yếu mua từ các tỉnh miền nam. Cơ chế, chính sách trồng cây cao-su được tỉnh vận dụng theo Quyết định 147 về hỗ trợ người dân trồng rừng sản xuất, nguồn vốn từ Chương trình trồng năm triệu ha rừng của Chính phủ. Cũng như tỉnh Phú Thọ, đợt rét đậm, rét hại kéo dài đầu năm nay đã quật đổ không thương tiếc những đồi cao-su từ 1 đến 2 tuổi, đã mọc cao đến 2 m, gốc đã to bằng cổ tay người lớn. Tại thôn Bản Tàng thuộc Làng thanh niên lập nghiệp Trịnh Tường, gia đình anh Thào A Cúc, có ba ha cao-su thì đợt rét đầu năm đã làm toàn bộ 1.400 cây chết héo khô từ ngọn đến gốc. Tại đồi cao-su của gia đình anh Cúc, các cây cao-su được cắt gốc, bôi mỡ bò để ghép mắt. Quan sát, chúng tôi thấy tỷ lệ nảy mầm trở lại chỉ đạt khoảng 60%, còn lại thối gốc, chết hẳn. Ở Đội 4, xã Bản Vược, đồi cao-su hai ha của gia đình chị Lý Lở Mẩy, trồng từ tháng 11-2010 đã bị chết rét 100%. Chán nản, chị phá bỏ toàn bộ để trồng ngô. Theo Phòng Nông nghiệp huyện Bát Xát, trong tổng số 551 ha cao-su đã trồng, có 300 ha chết vì rét. Giống bị chết rét nhiều nhất là loại cây cao-su từ miền nam như PB 260, GT1 và RRIC 121 (bị chết từ 80% đến 100%) còn giống của Trung Quốc như YITC77-2, YITC77-4 chỉ bị chết gần 20%. Theo một cán bộ nông nghiệp huyện Bát Xát, giống cây cao-su Trung Quốc thích nghi tốt hơn với lạnh nhưng giá đắt hơn ba lần giống cây cao-su miền nam.
Với giá 5.500 đồng/cây cao-su giống, số tiền Ban quản lý dự án trồng rừng phòng hộ huyện Bát Xát chi ra để mua cây cao-su giống cho dân trồng trong hai năm 2009 và 2010 coi như đổ xuống sông, thiệt hại cho ngân sách 1,2 tỷ đồng; chưa kể công chăm sóc, phân bón của người dân. Số tiền của Công ty cổ phần thương mại dịch vụ và du lịch cao-su đầu tư trồng 30 ha cao-su giống miền nam cũng bị mất. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, ông Phùng Thanh Bình, Trưởng ban quản lý rừng phòng hộ huyện Bát Xát cho biết: Căn cứ để đưa cây cao-su miền nam vào trồng là giống này năng suất cao. Tại tỉnh Sơn La, giống cây cao-su miền nam phát triển tốt, giá lại rẻ. Giám đốc Sở NN và PTNT, kiêm Phó trưởng Ban chỉ đạo phát triển cây cao-su Lào Cai Ma Quang Trung cho biết, tỉnh đã đưa cây cao-su vào chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế giai đoạn 2010-2015 với quy hoạch 7.400 ha cao-su đại điền, năm 2011 trồng 2.300 ha. Đến nay, tỉnh đã bàn giao hơn 1.000 ha đất cho doanh nghiệp để trồng cây cao-su.
Trong đợt rét đậm, rét hại đầu năm nay, Hà Giang là tỉnh thiệt hại nặng nề nhất với 97% số cây cao-su chết. Từ năm 2008, tỉnh trồng thí điểm tại các huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên. Đây là những huyện được tỉnh quy hoạch trồng 10 nghìn ha cây cao-su vào năm 2011. Ngoài nguyên nhân chính là rét đậm, rét hại kéo quá dài, biên độ nhiệt giữa ngày và đêm chênh lệch quá lớn, là những yếu tố chủ quan của con người. Đó là, việc lựa chọn giống để trồng trên diện rộng chưa tốt. Các giống cây cao-su trồng ở Hà Giang đều là những giống có năng suất cao, sớm cho thu hoạch nhưng khả năng chịu lạnh chưa cao. Cụ thể, 9,2 ha cây trồng năm 2008 chủ yếu là giống IAN873, đây là loại giống có thể chịu lạnh tốt (tỷ lệ thiệt hại vừa qua chỉ khoảng 30%) nhưng được trồng với diện tích nhỏ, còn lại chủ yếu là các giống chịu rét trung bình như GT1, RRIM712 chỉ có khả năng chịu lạnh ở mức trung bình, cho nên chưa phù hợp với điều kiện khí hậu ở Hà Giang. Về thời vụ gieo trồng cũng chưa bảo đảm, cây trồng chủ yếu từ tháng 8, cho nên khi vào đông cây mới bén rễ, khó có khả năng chịu rét.
Như vậy, đợt rét đậm rét hại kéo dài đầu năm nay gây thiệt hại lớn đối với người trồng cây cao-su ở phía bắc. Theo thống kê của Cục Trồng trọt, tại bảy tỉnh miền núi phía bắc (Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Phú Thọ, Lào Cai, Yên Bái và Hà Giang) có đến hơn 2.300 ha cao-su chết trên tổng số gần 17 nghìn ha đã trồng. Ngay tại những tỉnh Tây Bắc nằm trong quy hoạch trồng cây cao-su được Chính phủ phê duyệt, có những cây cao-su 3 đến 4 năm tuổi vẫn chết với tỷ lệ chết trung bình 5,1%. Tổng Thư ký Hiệp hội cao-su Việt Nam TS Trần Thị Thúy Hoa thì cho rằng, nguyên nhân gây thiệt hại nặng cho cây cao-su tại các tỉnh phía bắc là do khâu giống, đất, khí hậu không phù hợp và canh tác chưa bảo đảm kỹ thuật. Nhiều địa phương do nóng vội, muốn mở rộng nhanh diện tích cao-su, ồ ạt trồng giống cao-su hiện đang phổ biến ở miền nam nên bị chết hàng loạt sau đợt rét đầu năm 2011 vừa qua.
Trong khi kết quả thử nghiệm chưa tốt thì hiện nay, một số tỉnh đã vội vàng quy hoạch và đưa cây cao-su vào cơ cấu cây trồng chủ lực. Mới chỉ thống kê quy hoạch của sáu tỉnh (Yên Bái chưa phê duyệt quy hoạch) cho thấy diện tích cao-su đến năm 2020 đã là 83,5 nghìn ha, vượt 33,5 nghìn ha so quy hoạch của Chính phủ. Tuy nhiên, tốc độ mở rộng diện tích cao-su nhanh hơn công tác đào tạo, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cao-su cho người dân và việc bà con một số vùng tự phát đưa cây cao-su ra ngoài vùng quy hoạch; thêm vào đó, do biến đổi khí hậu, thời tiết vùng Tây Bắc đã có những biến đổi khó lường (rét đậm, rét hại kéo dài, khô hạn,…). Được biết, Bộ NN và PTNT đã có báo cáo Chính phủ, Ban Bí thư T.Ư và nghiên cứu các giải pháp nhằm phát triển cây cao-su theo… đúng quy hoạch.
Ba tỉnh vùng Tây Bắc là Sơn La, Điện Biên và Lai Châu quy hoạch đến năm 2015 phát triển 57,5 nghìn ha cao-su, trong đó tỉnh Sơn La 20 nghìn ha, Điện Biên 17,5 nghìn ha, Lai Châu 20 nghìn ha, tăng so mục tiêu của Chính phủ đến năm 2020 là 7,5 nghìn ha. Bốn tỉnh vùng Đông Bắc chưa nằm trong quy hoạch có kế hoạch đến năm 2015 phát triển khoảng 20 nghìn ha, trong đó tỉnh Lào Cai 7,5 nghìn ha, Yên Bái 500 ha, Hà Giang 10 nghìn ha và Phú Thọ hai nghìn ha.
Hiện nay, trong cơ cấu các giống đã trồng, nhóm giống chủ lực là các giống GT1, RRIM 600, PB 260… chiếm khoảng 60% diện tích cây cao-su đã trồng; nhóm giống có triển vọng cho vùng như IAN 873, RRIV 1,
RRIV 3, RRIM 712, các dòng LH… chiếm 31%. Nhóm giống trồng thăm dò và thử nghiệm khoảng 9% gồm một số giống mới lai tạo hoặc nhập nội, trong đó hai giống cao nhập nội từ Trung Quốc là Vân Nghiên 77-2 và
Vân Nghiên 77-4.