Thứ tư,  11/09/2024

Ký sự Trường Sa – Kỳ I: Quê hương vượt trùng khơi ra với đảo

Những chuyến đi thăm và công tác của nhiều đoàn bộ, ngành, tỉnh thành… tại Trường Sa không còn là hiếm hoi, nhất là vào tháng ba, tháng tư hằng năm, khi biển lặng. Cho dù việc đón những chuyến ra thăm tới đây sẽ trở thành niềm vui thường xuyên hơn với lính đảo, nhưng sẽ chẳng bao giờ là thông thường với người đi. Những ai đã một lần đến Trường Sa, dù chỉ mới một lần, hai tiếng chủ quyền Tổ Quốc đều trở thành thiêng liêng.Say sóng và… hátTừ sau Tết, chuyến chúng tôi được ra với Trường Sa là chuyến thứ năm mà Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức. Khởi hành ngày 3-4 tại TP Hồ Chí Minh, lúc bão cấp 5, cấp 6 và áp thấp nhiệt đới trên biển, tàu HQ 957, tàu chuyên cứu hộ, chịu được bão cấp 12 điềm nhiên cắt ngang sóng ra khơi.“Không đáng lo đâu, bão này chẳng đáng gì”, đại tá Nguyễn Đức Nho, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân, người dẫn đoàn đi nói vậy. Tất nhiên không đáng gì là với những người lính dạn dày sóng gió như ông, chứ...

Những chuyến đi thăm và công tác của nhiều đoàn bộ, ngành, tỉnh thành… tại Trường Sa không còn là hiếm hoi, nhất là vào tháng ba, tháng tư hằng năm, khi biển lặng. Cho dù việc đón những chuyến ra thăm tới đây sẽ trở thành niềm vui thường xuyên hơn với lính đảo, nhưng sẽ chẳng bao giờ là thông thường với người đi. Những ai đã một lần đến Trường Sa, dù chỉ mới một lần, hai tiếng chủ quyền Tổ Quốc đều trở thành thiêng liêng.

Say sóng và… hát

Từ sau Tết, chuyến chúng tôi được ra với Trường Sa là chuyến thứ năm mà Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức. Khởi hành ngày 3-4 tại TP Hồ Chí Minh, lúc bão cấp 5, cấp 6 và áp thấp nhiệt đới trên biển, tàu HQ 957, tàu chuyên cứu hộ, chịu được bão cấp 12 điềm nhiên cắt ngang sóng ra khơi.

“Không đáng lo đâu, bão này chẳng đáng gì”, đại tá Nguyễn Đức Nho, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân, người dẫn đoàn đi nói vậy. Tất nhiên không đáng gì là với những người lính dạn dày sóng gió như ông, chứ cả đoàn công tác, mà thành phần chính là các cán bộ của Bộ Tài chính, tỉnh Hà Nam, tỉnh Long An, đoàn văn công Quân khu 9, TP Cần Thơ… chỉ sau nửa ngày là say sóng nằm bẹp. Bộ đội Hải quân rất quý khách, rất tận tình, bốn bữa trên tàu đầy ắp thức ăn, tổ phục vụ chu đáo mang đến tận phòng cho những ai không ra nổi phòng ăn, mà chẳng thể nuốt nổi. Ăn bao nhiêu lại nôn ra bấy nhiêu.

Ba ngày đầu, chỉ Phương Mai, phóng viên của Thời Nay, là không say sóng. Cô chạy lòng vòng khắp tàu, chuyện trò với thủy thủ đoàn. Nhờ thế mà biết, cô biết trung tá Phạm Văn Hưng, thuyền trưởng tàu này, là người đã tham gia trận Gạc Ma năm 1988, biết cả phóng viên Thời báo Tài chính Vũ Duy Cao, người đã chở đá trên những chuyến tàu từ Khánh Hòa ra xây Trường Sa lớn có mặt trong đoàn. Mỗi chuyến tàu ra khơi, đến những nơi xa nhất của Tổ quốc như thế không chỉ có những người hăm hở đi lần đầu, mang tinh thần nối gần hơn đất liền với biển, mà còn có cả những đồng đội lặng lẽ đến với nhau, đến với trận địa năm xưa…

Nhưng, Phương Mai cũng chỉ bình yên chuyến đi, rời đảo Trường Sa lớn, bắt đầu chuyến về, tàu lại ngược sóng bởi gió Tây bắc, hai ngày cuối, Mai cũng nằm bẹp… như hầu hết phụ nữ và kha khá nam giới trên tàu.

Say sóng tệ hại nhất có lẽ là Trang Nhung, nghệ sĩ Nhà hát Chèo Hà Nam. Cô nằm hầu như suốt cả chín ngày trên biển, trừ lúc lên đảo hát cho chiến sĩ, cứ xuống tàu là ôm chặt miệng lao về giường, chỉ có nằm, và nôn, tốn vô số túi nylon. Thế mà khi sóng rất to, to đến mức xuồng không vào được nhà giàn, chỉ có thể cử một số văn công vào, Trang Nhung vẫn khăng khăng mặc áo phao tự nguyện đi.

Hồng Thắm, nghệ sĩ đoàn cải lương Long An cũng y hệt vậy, chỉ đứng khi lên đảo hát cho chiến sĩ, hát rất nhiều, rất say sưa, cứ về tàu là không thể không nằm, ăn gì nôn nấy. Tuy nhiên, tấm gương dũng cảm nhất thì phải trao cho Nghệ sĩ ưu tú Lương Duyên, Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nam, ngoài 50 tuổi, đã có cháu nội học THCS rồi, mà hễ cứ bớt say sóng chút nào lại tươi như hoa, hát véo von như thể chị chỉ nói bằng mọi làn điệu dân ca khắp mọi miền đất nước. Chị hát không biết mệt cho chiến sĩ ở bất cứ đảo nào mà tàu ghé qua. Khi không vào được nhà giàn, Lương Duyên rớm nước mắt: “Các em trẻ quá, như em, như cháu mình, đã đến đây mà không hát được cho các em nghe!” Chị lên boong tàu, hát vào máy bộ đàm. Điệu chèo cổ của chiếu chèo Nam Thượng lảnh lót mảnh mai quá bị bạt đi trong ào ào gió biển. Chỉ có hai diễn viên của văn công quân khu 9 lên được nhà giàn hát cho chiến sĩ. Ngọc Thúy về đến tàu, sung sướng vì đã được hát nhưng khóc rất nhiều vì thương, vì tiếc đã ngượng ngùng không để các anh ôm hôn.

Những tấm lòng son trên đảo

Đảo chìm Cô Lin, một tòa nhà nổi giữa biển.

Giống hệt như trong bài thơ Đảo chìm của nhà thơ Vương Trọng: Đoàn văn công theo con tàu đang tới. Lính đứng vời trông lệch cả đảo chìm… Có văn công đến, cả đảo tưng bừng, trải chiếu ra một bên hành lang, rộn ràng chủ khách, lời ca tiếng đàn không dứt. Năm nay mưa nhiều, nước đủ, đại úy Tống Ngọc Tùng, Chính trị viên đảo Cô Lin cười rất tươi chỉ ra mảnh vườn con con trước mặt, khoe: “Rau xanh đủ ăn”. Nhìn quanh đảo, bất cứ chỗ nào có môt mặt bằng khoảng 1m2, là nơi ấy thành vườn rau xanh. Gọi là đủ, nhưng chỉ dám luộc và nấu canh, ít khi dám xào, hao rau lắm, các chiến sĩ cho biết.

Ngôi nhà trên biển gọn và xinh. Trong phòng chính trị viên một giá sách ngay ngắn, khá nhiều sách văn học, có cả Phía tây không có gì lạ của E.Remarque, Đỏ và đen của Stendhal… Trong một phòng khác, là đàn guitar và tranh sơn dầu vẽ phong cảnh trên tường. Nhìn cảnh tượng bình yên ấy, nhớ nụ cười thanh thản và giọng nói rất bình tĩnh của thượng úy Hoàng Thanh Sơn, sinh năm 1980, đảo trưởng: “Anh em ở đây được lựa chọn kỹ, ra đảo là yên tâm, chấp nhận hy sinh”, chợt thấy thắt lòng. Phía xa, trên đường chân trời phẳng lặng, đảo Gạc Ma nhô lên trông mỏng như một lưỡi dao nằm nghiêng. Không ai trong chúng tôi tránh nổi việc nhìn về phía đó, nghĩ về phía đó, như một cái dằm trong tim hoặc một vết thương hai mươi mấy năm qua chưa lên da non…

Mấy hôm rồi gió bão quá mạnh, chúng tôi không lên được nhà giàn DK1/18. Đã mấy ngày các chiến sĩ trên nhà giàn chờ đoàn đến, nhưng cũng như mấy đoàn của mấy lần trước, xuồng không thể vào. Mới là sóng cấp 5, cấp 6, mà đã phải đứng nhìn từ xa, chỉ rất ít người được phép xuống xuồng. Một xuồng đến nơi, quay lại đón tiếp một tốp khác. Nhưng lần này thì đành chịu, sóng tung lên cao tới hai mét, xuồng chực vỡ, người đã ở dưới xuồng không lên được phải quay lại tàu.

Đại tá Nguyễn Đức Man, Trưởng ban quân sự tỉnh Hà Nam bao lần đưa tiễn chiến sĩ, mà lần này không cầm nổi nước mắt khi nghe tiếng anh em trên nhà giàn nói vọng xuống “Cho chúng em gửi lời chào đất liền”. Tàu xa dần, những bàn tay vẫy mãi vẫy mãi, và nước mắt tràn mi những người đứng trên boong. Nhìn sóng cuộn trên biển, mới hiểu sự quặn lòng đau đớn thế nào khi vào những năm 90, điều kiện chưa được như bây giờ, bão cấp 12 nhà giàn đổ, nhìn anh em hy sinh mà không thể cứu, đại tá Nguyễn Đức Nho trầm giọng kể. Vẫn biết giờ đây, thế trận ở Biển Đông đã khác, điều kiện vật chất cũng như sự lớn mạnh của binh chủng Hải quân cũng đã khác. Nhưng mỗi hy sinh vì biển đảo vẫn là những nỗi đau không nói được bằng lời… Câu hát “Biển này là của ta, đảo này là của ta…” vẫn nhắc rằng mỗi tấc đất Tổ quốc ngoài khơi xa vạn dặm đã và đang được giữ gìn bằng xương máu bao chiến sĩ. Trên vùng biển mà các chiến sĩ nằm xuống, là những địa danh đi liền những năm tháng không thể quên: đảo Gạc Ma 1988, thềm lục địa phía nam 1990. Mỗi chuyến tàu đi qua đây đều tổ chức lễ tưởng niệm, mỗi nén hương thắp lên, mỗi nhành hoa thả xuống, với từng người đến với Trường Sa đều là bài học không quên về chủ quyền đất nước, về biển đảo của Tổ quốc.

Quê hương đã rất gần

Mấy cây bàng vuông trên đảo Trường Sa lớn có lẽ không kịp ra quả bởi ai ra đến đây cũng muốn có bàng vuông đem về, như bằng chứng cho việc đã đặt chân lên đảo. Mấy chàng lính trẻ, tuổi 19 đôi mươi mới ra đảo mấy tháng láu lỉnh giấu những quả bàng vuông vào hòm đựng quân trang, nói như bâng quơ để các cô văn công trẻ măng nghe được “Mình có bàng vuông có ai cần không nhỉ…?”. Tất nhiên là lập tức có người cần, thế là một cuộc làm quen đầy thi vị sẽ diễn ra. Rồi mỗi đoàn lại muốn có cây bàng vuông đem về trồng ở tỉnh, ở huyện…”. “Khéo lại tiền cảnh hậu củi thôi”, các chiến sĩ Hải quân đùa vậy, nhưng người của đất liền đã ra đến đảo, được các chiến sĩ chiều lắm.

Và chắc cũng đã có đoàn từ đất liền mang cây ra đảo? Ở Song Tử tây, một cụm lục bình tím biếc nở ngay trong bể cảnh trước hội trường. Và không chỉ lục bình, một búp sen mới nở kiêu hãnh vươn rất cao bên hòn non bộ làm từ san hô. Một chút ruộng đồng quê hương. Một chút ao làng bé xíu bất chợt làm xao lòng, như tiếng gà trưa bất chợt trên đảo, như một mái chùa cong cong đảo nào cũng có, dù chẳng chùa ở đâu trên đất nước như ở đảo Sinh Tồn, sân chùa là cây phong ba. Và ở đảo nào cũng có một lũ nhỏ lẵng nhẵng theo bố mẹ ra xem văn công. Mỗi năm mấy lần trong quãng ấu thơ trên đảo của chúng, thỉnh thoảng có văn công ra đảo và bọn trẻ vui tưng bừng. Lũ nhỏ trên đảo đều có những cái tên thật hay, thật thành phố: “Dạ, con Bùi Hoàng Minh Quân; con Phạm Thị Chúc Nữ; con Hồ Thị Ý Vy… rồi Trà My, Minh Nguyệt, Anh Nhật; Thu Hiền, Yến Trinh”… cứ líu ríu kể tên, những cô bé, cậu bé bụ bẫm da sẫm mầu gió biển. Trên mỗi khoảng đảo nhỏ bé các em sống, là cả bao la tấm lòng đất liền dành cho các em. Mà mỗi chuyến tàu ra tới đảo, là một lần quê hương vươt nghìn trùng xa cách để đến với Trường Sa thân yêu.

Theo Nhandan