Thứ tư,  11/09/2024

Nhiều công trình ở Lạng Sơn bị bỏ hoang

Trạm xá khu vực Mẫu Sơn xuống cấp nghiêm trọng sau một thời gian dài bị bỏ hoang. Những năm qua, nhiều huyện của tỉnh Lạng Sơn được Nhà nước đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, tạo động lực cho bà con các dân tộc vươn lên xóa đói, giảm nghèo. Nhiều công trình đã phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội, tuy nhiên vẫn còn những công trình đầu tư tiền tỷ, xây dựng xong rồi bỏ hoang, hoặc chất lượng công trình kém, gây lãng phí rất lớn...Tại Khu du lịch Mẫu Sơn, anh Quan Văn Sính, Chủ nhiệm Hợp tác xã Thành Công, đang quản lý một cơ ngơi bề thế, với tổng diện tích hơn 5.600 m2 tại một vị trí đắc địa ở Khu du lịch Mẫu Sơn. Trong câu chuyện, anh cho biết: Năm 2005, anh được tỉnh giao quản lý toàn bộ khu nhà ở, khu văn phòng làm việc, nhà khách của tỉnh, trên khu du lịch... với tổng số tiền đầu tư hơn 5,6 tỷ đồng. Từ đó đến nay, việc làm ở đây rất bấp...

Trạm xá khu vực Mẫu Sơn xuống cấp nghiêm trọng sau một thời gian dài bị bỏ hoang.
Những năm qua, nhiều huyện của tỉnh Lạng Sơn được Nhà nước đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, tạo động lực cho bà con các dân tộc vươn lên xóa đói, giảm nghèo. Nhiều công trình đã phát huy hiệu quả kinh tế – xã hội, tuy nhiên vẫn còn những công trình đầu tư tiền tỷ, xây dựng xong rồi bỏ hoang, hoặc chất lượng công trình kém, gây lãng phí rất lớn…

Tại Khu du lịch Mẫu Sơn, anh Quan Văn Sính, Chủ nhiệm Hợp tác xã Thành Công, đang quản lý một cơ ngơi bề thế, với tổng diện tích hơn 5.600 m2 tại một vị trí đắc địa ở Khu du lịch Mẫu Sơn. Trong câu chuyện, anh cho biết: Năm 2005, anh được tỉnh giao quản lý toàn bộ khu nhà ở, khu văn phòng làm việc, nhà khách của tỉnh, trên khu du lịch… với tổng số tiền đầu tư hơn 5,6 tỷ đồng. Từ đó đến nay, việc làm ở đây rất bấp bênh, khách tham quan du lịch ít, họ lên rồi lại về TP Lạng Sơn ở, do ở đây dịch vụ còn nghèo nàn… Trong những ngày nghỉ 30-4 và 1-5 vừa rồi, chỉ có bảy phòng có khách ngủ lại, mỗi phòng chỉ thu 200 nghìn đồng, số tiền thu được chỉ có 1,4 triệu đồng, nhưng riêng tiền nước đã chi hết 1,2 triệu đồng do mỗi m3 phải mua với giá 100 nghìn đồng. Từ những năm 2000, Khu du lịch Mẫu Sơn được tỉnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng gồm đường, điện, hệ thống viễn thông…, riêng dự án hệ thống cung cấp nước sạch cho khu du lịch được đầu tư hơn 2,7 tỷ đồng trong đó trạm bơm được xây dựng tại thôn Khuổi Cấp, cách khu du lịch gần ba km. Sau khi công trình được đưa vào sử dụng chỉ trong sáu tháng hệ thống máy đã hỏng do độ dốc cao, lượng nước không đủ cung cấp… Hơn 10 năm nay, từ người dân đến các nhà hàng, khách sạn phải mua nước với giá cao, hoặc phải hứng nước mưa để dùng.

Ông Đặng Tăng Phúc, bức xúc nói: Được Nhà nước đầu tư xây dựng khu du lịch, trong đó có xây dựng Trạm xá khu vực Mẫu Sơn, để khám chữa bệnh cho bà con. Trạm xá được xây dựng hai tầng, với tám phòng khám và điều trị, có cả nhà nghỉ cho cán bộ y tế, trị giá hàng tỷ đồng, nhưng đã hơn sáu năm trôi qua, trạm xá này vẫn bỏ hoang, rêu phong phủ kín, lạnh lẽo, dẫn đến tình trạng người dân đem cả trâu, bò, dê… vào nhốt ở các phòng trong nhà trạm xá. Người dân ở thôn Ngàn Pặc cũng ngong ngóng chờ đợi gần 10 năm nay, để có điện thắp sáng, đường dây điện đã được kéo dài bốn km về tận bản, trạm hạ thế cũng đã có, vậy mà 27 hộ dân với 300 nhân khẩu cứ mong chờ ngày đóng điện, mong mãi chẳng thấy đâu, trạm hạ thế đã han gỉ… Những tưởng công trình làm xong người dân sẽ được hưởng lợi, vậy mà nhiều năm nay, cứ bỏ hoang phí, trong khi đời sống của bà con nơi đây còn nghèo.

Không chỉ có một số công trình ở Khu du lịch Mẫu Sơn bỏ hoang, ngay cả một số công trình quan trọng ở các khu vực kinh tế trọng điểm của tỉnh cũng có trong tình trạng xây xong &#39đắp chiếu&#39 bỏ đấy. Điển hình như: Cầu vượt ga Đồng Đăng (Cao Lộc) xây dựng từ năm 2001, với tổng mức đầu tư hơn 46 tỷ đồng. Sau thời gian thi công kéo dài, cây cầu hoàn thành nhưng cũng chỉ bỏ không vì hai đầu cầu hơn 10 năm nay không giải phóng được mặt bằng, cho nên không thể thông cầu. Một số công trình khác như: đập Bản Vàng, Cao Lâu (Cao Lộc); trạm bơm Cốc Tém, Khánh Khuê (Văn Quan); chợ cửa khẩu Chi Ma (Lộc Bình)… đều nằm trong tình trạng mới đưa vào sử dụng đã hỏng, vì chất lượng công trình không bảo đảm. Công trình bỏ hoang, không ai quản lý, bảo vệ, xuống cấp nhanh, nhiều hạng mục bị phá hủy, gây bức xúc trong dư luận.

Qua tìm hiểu thực tế có hai loại công trình bỏ hoang, một là các công trình xây dựng đã lâu, nay xuống cấp, do không có kinh phí duy tu, bảo dưỡng, những người có trách nhiệm quản lý lại thờ ơ theo kiểu &#39cha chung không ai khóc&#39. Loại thứ hai mới đưa vào sử dụng một thời gian hoặc chưa đưa vào sử dụng đã bỏ hoang, có nhiều nguyên nhân: do công trình xây dựng chất lượng kém, không khảo sát, tính toán kỹ trước khi đầu tư, địa điểm xây dựng không phù hợp… Tỉnh Lạng Sơn cần kiểm tra, rà soát tìm ra nguyên nhân để có biện pháp xử lý. Những công trình mới đưa vào sử dụng đã hỏng, chủ đầu tư, đơn vi thi công phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả. Đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm những đơn vị buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong xây dựng và bảo vệ công trình.

Theo Nhandan