Thứ tư,  11/09/2024

CÂY CAO-SU LÊN NÚI ÐỒI PHÍA BẮC

(Tiếp theo và hết) (*) Kết quả bốn năm phát triển cây cao-su ở các tỉnh Tây Bắc mở ra cơ hội nâng cao thu nhập, ổn định đời sống và từng bước thoát nghèo cho nhân dân địa phương. Cùng với việc đề nghị các tỉnh vùng Tây Bắc tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây cao-su theo quy hoạch; một trong những công việc gấp rút của Bộ NN và PTNT là sớm nghiên cứu, tìm những bộ giống cây cao-su thích hợp thổ nhưỡng, khí hậu các tỉnh miền núi vùng Đông Bắc.Kỳ 2Cơ hội cho nông dân thoát nghèoTheo Cục Trồng trọt, cao-su là cây có giá trị nhiều mặt (mủ, hạt, gỗ,... được sử dụng nhiều trong công nghiệp phục vụ sản xuất và đời sống); là cây dễ trồng, dễ chăm sóc; chu kỳ khai thác, kinh doanh dài.Cây cao-su trồng tập trung có độ che phủ lớn, nhờ đó tăng khả năng giữ nước, chống rửa trôi, xói mòn đất, hạn chế lũ lụt, làm tốt đất, cải thiện môi trường và là một trong những giải pháp khai thác lợi thế đất đai của khu vực trung du, miền núi với...

(Tiếp theo và hết) (*)
Kết quả bốn năm phát triển cây cao-su ở các tỉnh Tây Bắc mở ra cơ hội nâng cao thu nhập, ổn định đời sống và từng bước thoát nghèo cho nhân dân địa phương. Cùng với việc đề nghị các tỉnh vùng Tây Bắc tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây cao-su theo quy hoạch; một trong những công việc gấp rút của Bộ NN và PTNT là sớm nghiên cứu, tìm những bộ giống cây cao-su thích hợp thổ nhưỡng, khí hậu các tỉnh miền núi vùng Đông Bắc.

Kỳ 2

Cơ hội cho nông dân thoát nghèo

Theo Cục Trồng trọt, cao-su là cây có giá trị nhiều mặt (mủ, hạt, gỗ,… được sử dụng nhiều trong công nghiệp phục vụ sản xuất và đời sống); là cây dễ trồng, dễ chăm sóc; chu kỳ khai thác, kinh doanh dài.

Cây cao-su trồng tập trung có độ che phủ lớn, nhờ đó tăng khả năng giữ nước, chống rửa trôi, xói mòn đất, hạn chế lũ lụt, làm tốt đất, cải thiện môi trường và là một trong những giải pháp khai thác lợi thế đất đai của khu vực trung du, miền núi với hiệu quả nhiều mặt, cả kinh tế và xã hội. Phát triển cây cao-su sẽ tạo ra công ăn việc làm, góp phần thay đổi tập quán canh tác, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, lao động; xây dựng mô hình sản xuất theo hướng sản xuất công nghiệp; nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, xóa đói, giảm nghèo và làm giàu, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Khảo sát kết quả trồng cao-su tại các tỉnh miền núi phía bắc thời gian qua cho thấy, hầu hết diện tích được trồng theo hình thức đại điền, do Tập đoàn Công nghiệp cao-su Việt Nam (VRG) đầu tư theo mô hình liên kết. Các hộ dân, doanh nghiệp góp cổ phần bằng quyền sử dụng đất và được tuyển dụng làm công nhân. Các công ty CP cao-su do Tập đoàn VRG thành lập sẽ phụ trách toàn bộ các khâu cung ứng giống, kỹ thuật, quản lý chăm sóc và thu mua sản phẩm. Đến nay, tại các tỉnh miền núi phía bắc đã có bảy công ty CP cao-su được thành lập để triển khai mở rộng diện tích cây cao-su.

Tại các tỉnh vùng núi Tây Bắc, ba năm qua bình quân mỗi năm trồng mới 5.000 ha cao-su. Theo Ban Chỉ đạo phát triển cây cao-su tỉnh Sơn La, năm 2011, toàn tỉnh phấn đấu giao 4.500 ha đất cho Công ty CP Cao-su Sơn La và trồng mới từ 3.000 ha cao-su trở lên. Trong tháng 2 và 3 vừa qua, các huyện trong vùng quy hoạch trồng cao-su đã rà soát diện tích đất, vận động nhân dân góp cổ phần bằng giá trị quyền sử dụng đất để trồng cao-su. Đến nay, toàn tỉnh có 100% số hộ của 22 bản, thuộc các huyện Thuận Châu, Mường La, Yên Châu và Mộc Châu góp 3.080 ha đất trồng cao-su.

Sau khi Chính phủ có Quyết định số 750 QĐ-TTg về quy hoạch phát triển trồng cao- su, Bộ NN và PTNT có Thông tư số 58 hướng dẫn kỹ thuật và đưa ra những quy định cụ thể về nhiệt độ thời tiết, độ dốc và độ cao của đất đối với những nơi trồng cao-su. Tuân thủ các quy định này cũng là biện pháp để các địa phương rà soát và quy hoạch lại quỹ đất trồng cao-su. Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN và PTNT Nguyễn Trí Ngọc, từ nay đến năm 2015 không nên đặt vấn đề điều chỉnh tăng quy hoạch diện tích cao-su. Phải đến sau năm 2015, trên cơ sở đánh giá kết quả thử nghiệm và hiệu quả thực tế, Bộ sẽ đề xuất Chính phủ điều chỉnh quy hoạch phát triển cao-su phù hợp. Trước mắt, chỉ tiếp tục mở rộng diện tích trồng cao-su ở các tỉnh Tây Bắc và Bộ đề nghị các tỉnh không trồng cao-su ở độ cao hơn 600 m so mực nước biển hoặc vùng thường có sương muối, có gió lạnh nhiều trong mùa đông. Đối với các tỉnh vùng Đông Bắc, Bộ giao Viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp phối hợp bốn tỉnh đã trồng thử nghiệm cây cao-su, Tập đoàn VRG rà soát lại quy hoạch, quỹ đất, đánh giá sinh trưởng cây cao-su để điều chỉnh quy hoạch, trình Chính phủ xem xét.

Theo Phó Tổng giám đốc VRG, Phó Ban thường trực Ban chỉ đạo phát triển cao-su tại các tỉnh miền núi phía bắc Nguyễn Hồng Phú, thì VRG sẽ kiên trì chiến lược phát triển cây cao-su ở khu vực này theo hướng nơi nào thuận lợi, được chính quyền và người dân địa phương ủng hộ thì làm trước; nơi nào chưa được đồng thuận cao, còn khó khăn thì triển khai sau. Trồng cao-su đến đâu thì phải chắc chắn đến đó. VRG đang làm việc với lãnh đạo các tỉnh khu vực miền núi phía bắc về quy hoạch phát triển cao-su trên từng tỉnh và có văn bản đề nghị Chính phủ bổ sung quy hoạch phát triển cao-su tại các tỉnh này.

Để cây cao-su thật sự là cây làm giàu cho đồng bào các tỉnh miền núi phía bắc, các cấp chính quyền khu vực Tây Bắc cần bảo đảm thực hiện đúng quy hoạch đã được phê duyệt với bước đi phù hợp.

Ngoài giải pháp về giống, Bộ NN và PTNT cũng kiến nghị Chính phủ xem xét, quyết định một số chính sách đặc thù để thúc đẩy phát triển diện tích cao-su ở miền núi phía bắc là: Mở rộng đối tượng cho đồng bào dân tộc thiểu số trồng cao-su trên đất nương rẫy được trợ cấp gạo; hỗ trợ kinh phí đo đạc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi hộ dân tham gia góp đất trồng cao-su; hỗ trợ kinh phí chuyển đổi đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng cao-su với các mức hai đến sáu triệu đồng/ha; hỗ trợ 50% giá giống chịu lạnh. Doanh nghiệp trồng, chế biến mủ cao-su được hưởng ưu đãi theo chính sách khuyến khích của Chính phủ khi đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích, mở rộng các hình thức hỗ trợ nông dân bảo hiểm cây cao-su.

—————————————————–

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 10-5-2011.

Hiện nay, cao-su là cây trồng đứng thứ hai về tỷ suất lợi nhuận, chỉ sau cây cà-phê. Nhu cầu tiêu thụ cao-su của thế giới tăng trong khi nguồn cung ở nhiều nước đang có chiều hướng giảm. Đây sẽ là cơ hội thúc đẩy sự phát triển của cao-su Việt Nam. Theo tính toán, trồng một ha cao-su ở phía bắc, trong điều kiện thâm canh bình thường có mức đầu tư khoảng 70 triệu đồng, chi phí hằng năm khoảng 8 đến 10 triệu đồng cho cả chu kỳ 27 năm (trong đó, thời gian cho khai thác mủ là 20 năm), với năng suất bình quân đạt 1,7 tấn/ha/năm, giá bán 2.000 USD/tấn như hiện nay, một ha cao-su cho lãi bình quân khoảng 25 triệu đồng/năm.
Theo Nhandan