Thứ hai,  08/07/2024

Bắc Sơn: Chú trọng công tác biên soạn lịch sử

(LSO) – Thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 28/8/2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX về tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Thường vụ Huyện ủy Bắc Sơn đã ban hành các nghị quyết, kế hoạch cụ thể về việc nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử đảng bộ các xã.

Đến nay, huyện Bắc Sơn đã hoàn thiện cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện tập 1 (1930 – 1954), tập 2 (1954 – 1986); lịch sử truyền thống ngành quân sự, công an và 7 cuốn lịch sử đảng bộ xã. Hiện nay, cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện tập 3 (từ năm1986 đến nay) và lịch sử đảng bộ của 4 xã: Long Đống, Chiến Thắng, Vũ Lễ, Tân Tri đang trong quá trình hội thảo, bổ sung, hoàn thiện để xuất bản.

Trong công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ huyện và các xã, các đơn vị đều phát huy tinh thần trách nhiệm trong thu thập thông tin từ các nguồn tư liệu và nhân chứng lịch sử. Đồng thời, nhiều đơn vị chủ động tự trích nguồn kinh phí của mình để phục vụ công tác sưu tầm tư liệu.

Cán bộ xã Hữu Vĩnh nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử thống của xã

Ông Dương Văn Thanh, Bí thư Đảng ủy xã Hữu Vĩnh cho biết: Ngay sau khi có chủ trương, từ năm 2011, Đảng ủy xã đã thành lập Ban Chỉ đạo biên soạn lịch sử, phân công các đồng chí đảng viên đi sưu tầm thông tin. Để thu thập được các nguồn tài liệu, bên cạnh việc tìm kiếm tại các kho lưu trữ, chúng tôi đã tranh thủ ngày nghỉ, buổi tối đến gặp các đồng chí nguyên là cán bộ xã, những đảng viên lớn tuổi để hỏi han, ghi chép cẩn thận. Sau khi thu thập các tài liệu, tư liệu và được sự hỗ trợ biên tập của các nhà chuyên môn, đến năm 2015 xã đã hoàn thành cuốn lịch sử đấu tranh của Đảng bộ và nhân dân xã Hữu Vĩnh giai đoạn 1936 – 2015.

Cùng với Hữu Vĩnh, từ năm 2015 Đảng bộ xã Chiến Thắng bắt đầu thu thập tài liệu. Ông Dương Công Chung, Chủ tịch UBND xã  cho biết: Chúng tôi phân công nhiệm vụ cho các thành viên tìm gặp nhân chứng, sưu tầm tư liệu. Trong quá trình biên soạn, chúng tôi đã tổ chức các hội thảo để lấy ý kiến đóng góp, hoàn thiện cuốn lịch sử. Đến nay, xã đã tổ chức hội thảo lần thứ nhất, lấy được nhiều ý kiến đóng góp để bổ sung cuốn sách. Dự kiến trong quý I năm 2019 sẽ xuất bản cuốn lịch sử Đảng bộ xã Chiến Thắng từ năm1954 đến nay.

Cùng với việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ và lịch sử truyền thống ngành, công tác tuyên truyền, giáo dục cũng được các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn huyện quan tâm, chỉ đạo dưới nhiều hình thức như: tọa đàm, ôn lại truyền thống những ngày lễ lớn của đất nước, địa phương; các trường học đẩy mạnh hoạt động ngoại khóa như tham quan Bảo tàng khởi nghĩa Bắc Sơn, thi tìm hiểu các anh hùng liệt sĩ, các di tích lịch sử; Huyện đoàn tổ chức dâng hương, thắp nến tri ân tại nghĩa trang liệt sĩ… Các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị đều có tủ sách, thư viện trưng bày lịch sử Đảng bộ và lịch sử truyền thống ngành.

Ông Hoàng Công Tuệ, Phó Trưởng  Ban Tuyên giáo Huyện ủy cho biết: Việc sưu tầm, biên soạn lịch sử Đảng bộ có ý nghĩa quan trọng trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng của địa phương, nhất là đối với Bắc Sơn, mảnh đất giàu truyền thống lịch sử cách mạng. Đây là tài liệu quan trọng phản ánh cuộc đấu tranh của Đảng bộ và nhân dân huyện nói chung. Trong thời gian tới, Ban Tuyên giáo huyện tiếp tục phối hợp với các đơn vị còn lại nhanh chóng thu thập thông tin, tài liệu, phục vụ cho công các biên soạn. Cụ thể, năm 2019 tới sẽ tiến hành nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ  các xã: Nhất Hòa, Đồng Ý, Vũ Sơn, Tân Hương.

PHƯƠNG DUNG