Thứ hai,  08/07/2024
Gặp gỡ đầu xuân với Trung tướng Dương Công Sửu:

Kể chuyện tết xưa – tết nay

LSO-Ngày 3/2 – ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm nay đúng vào ngày 29 tết âm lịch. Trong khi nhà nhà đang sửa sang sắm tết, trang hoàng nhà cửa thì Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang Dương Công Sửu vẫn dành thời gian quý báu cho phóng viên Báo Lạng Sơn để chia sẻ những cảm xúc, kỷ niệm về tết cổ truyền của dân tộc. Những câu chuyện mộc mạc thời lính nhưng xúc động, nhất là trong thời khắc thiêng liêng cả dân tộc đang đón chào năm mới.

Rất nhiều bằng khen, giấy khen, Huân chương ghi nhận
chiến công của Trung tướng Dương Công Sửu

Trung tướng Dương Công Sửu sinh năm 1950, ông nguyên là Phó Tư lệnh Quân khu 1 (2000-2010), Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Lạng Sơn (1990-2000); nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 28 Đặc công.

Là người con dân tộc Tày, sinh ra và lớn lên tại thôn Lân Hát, xã Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn, phát huy truyền thống của các thế hệ cha anh đi trước, năm 1967, khi mới 17 tuổi Dương Công Sửu đã lên đường nhập ngũ. Từ năm 1968 đến năm 1973, Dương Công Sửu chiến đấu ở chiến trường Nam Bộ. Trưởng thành từ chiến sĩ lên cán bộ tiểu đoàn, ở cương vị nào đồng chí cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Dương Công Sửu đã tham gia đánh 31 trận, diệt 149 tên dịch (có 30 tên Mỹ), bắt 1 tên, phá hủy 4 xe tăng, 12 lô cốt, 12 nhà lính, thu 3 súng của địch. Các trận đánh quả cảm của ông gắn với những địa danh như: Suối Ngô ngày 29/4/1970; đánh đoàn xe địch ngày 18/10/1970; trận đánh ngày 28/3/1971 ở Suông (Lộc Ninh); trận đánh ngày 11/8/1972… Trận nào cũng chiến thắng giòn giã với mấy trăm tên giặc bị tiêu diệt, nhiều vũ khí hiện đại của địch bị bắn, phá hủy. Qua những trận thắng lớn này, quân địch ở địa phương càng thêm hoang mang dao động.


Trung tướng Dương Công Sửu bên tấm ảnh ghi lại kỷ niệm ngày
ông được tham gia đoàn đại biểu Anh hùng – anh hùng
lực lượng vũ trang nhân dân ra thăm miền Bắc
(ông đứng hàng đầu ngoài cùng bên phải)

Với những đóng góp và cống hiến trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc, Trung tướng Dương Công Sửu đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 1973. Khi được tuyên dương Anh hùng, ông đang là tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 28 đặc công, sư đoàn 7 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự miền Nam Việt Nam, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Nhì; 2 Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Ba; 5 bằng khen và giấy khen cùng 15 lần được tặng danh hiệu Dũng sĩ.

Trung tướng Dương Công Sửu chia sẻ: Năm nay, Đảng ta tròn 89 tuổi, Tết này cũng đánh dấu mốc 50 năm nhân dân ta được nghe Bác Hồ đọc thư lá thư cuối cùng chúc tết đồng bào (năm 1969)!! Mặc dù đã nửa thế kỷ trôi qua nhưng với Trung tướng Dương Công Sửu, mỗi lần nhắc và nhớ lại những ký ức ấy khóe mắt ông vẫn rưng rưng. Phóng viên nghe trong mỗi giọng kể của ông một tình cảm thiết tha, nghẹn ngào đầy xúc động.

Trao đổi với phóng viên Báo Lạng Sơn về tết Nguyên Đán cổ truyền của dân tộc, Trung tướng cho rằng đây là ngày lễ quan trọng nhất của Việt Nam, trong dịp này có rất nhiều phong tục truyền thống có ý nghĩa sâu sắc của người Việt diễn ra nhằm cầu mong một năm mới an lành, may mắn, an khang, thịnh vượng.

Nhớ lại những ngày tết xưa, ông chia sẻ: Thời còn chiến tranh gian khổ và cực nhọc, tết chả có gì vì đi chiến đấu thì lương thực chủ yếu chỉ có đồ hộp, đồ khô, nhưng chiến sĩ vui vì được sống trong bình yên 2-3 ngày; bởi những ngày tết cả địch và ta đều ngừng bắn. Nhớ cái tết Kỷ Dậu năm 1969, cách đây đúng nửa thế kỷ, khi đó Đại đội 28 đặc công ăn tết ở suối Đá Bằng thuộc huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Long (nay là Bình Dương), giáp với Campuchia. Sông Đá Bằng là nhánh của con sông Bé – sông dài nhất ở khu vực với khoảng 421,5 km. Đây như là hậu cứ của quân ta. Lúc này, nhờ thuận lợi về vận chuyển, tiếp tế lương thực nên tết đã có gạo nếp gói bánh trưng, có thịt tươi nhưng không có hương để thắp.

Dạo đó, gần tết thì trời có mưa nhỏ nhưng chiến sĩ vẫn mắc võng để nghỉ khắp cả cánh rừng. Thời tiết khắc nghiệt, lại đến ngày tết nên ai nấy đều thấy nhớ nhà da diết. Lúc bấy giờ cả đơn vị có 2 chiếc radio, đêm 30 tết, chiến sĩ nào cũng háo hức chờ nghe Bác Hồ chúc tết, để nghe Bác nhận định về cuộc chiến như thế nào, chỉ đạo quân ta ra sao. Bài thơ mừng Xuân 1969 là bài thơ chúc Tết cuối cùng của Bác Hồ. Bài thơ ấy chỉ vẻn vẹn có sáu câu thơ lục bát, nhưng thể hiện quyết tâm chiến thắng của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến và chứa đựng một đường lối chiến lược hoàn hảo để thực hiện quyết tâm ấy. Bác Hồ viết: “Năm qua thắng lợi vẻ vang/Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to”.

Sự khẳng định này là điểm tựa cho niềm tin chiến thắng trong cuộc kháng chiến vĩ đại của nhân dân ta. Trong bốn câu thơ tiếp, Bác kêu gọi đồng bào, chiến sĩ đoàn kết chiến đấu “Vì độc lập, vì tự do” của Tổ quốc và nói tới phương thức kết thúc chiến tranh, giành thắng lợi hoàn toàn, thống nhất Tổ quốc. Kỳ diệu thay, những năm cuối của cuộc chiến tranh đã diễn ra từng bước, đúng như chiến lược được Bác vạch ra trong bài thơ: “Ðánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào/Tiến lên chiến sĩ đồng bào/Bắc – Nam xum họp xuân nào vui hơn”.

Giao thừa Kỷ Dậu 1969, Ðài Tiếng nói Việt Nam đã truyền đi suốt chiều dài đất nước lời “hịch” chiến thắng của Bác. Rồi giọng ngâm thơ mượt mà da diết của nghệ sĩ Trần Thị Tuyết và bản hùng ca “Bài ca Xuân 69” do nhạc sĩ Huy Thục phổ nhạc bài thơ đã thấm sâu vào lòng đồng bào, chiến sĩ cả nước một niềm tin tất thắng. Cho nên, dù tết trong những thời khắc ấy, dù đói khổ, dù thiếu thốn nhưng niềm tin, niềm khát khao độc lập của Bác Hồ, của quân và nhân dân ta luôn bừng cháy, luôn vững lòng tin.

Ông trang trí cành đào cho ngày tết

Ngày nay, đất nước đã độc lập, nhân dân sống trong hòa bình, tự do, hạnh phúc, đời sống cũng đã tốt đẹp, ấm no hơn. Chính vì vậy, càng cần phải lưu giữ những nét đẹp của ngày tết cổ truyền của dân tộc. Bởi vì gia đình là nơi thiêng liêng nhất trong trái tim mỗi người. Do vậy, trong những ngày Tết, các thành viên trong gia đình dù có đi đâu xa cũng đều trở về sum họp bên nhau, cùng nhau đón giao thừa, thăm hỏi người thân, họ hàng, mừng tuổi, đi lễ đầu năm cầu may mắn,…

Là một người Tày của quê hương Bắc Sơn, ông luôn dạy các con, cháu giữ gìn nếp sống chứa chan tình làng nghĩa xóm, gìn giữ những giá trị chuẩn mực của truyền thống gia đình, nét đẹp của dân tộc. Hiện ông có 3 người con (2 gái, 1 trai) với 4 cháu nội, ngoại. Nhìn Trung tướng Dương Công Sửu cẩn thận lưu giữ từng tư liệu lịch sử, những tấm ảnh, bằng khen ghi nhận công lao mới càng thấy trân quý tình cảm của người tướng già. Ông chia sẻ: Mừng Đảng ta tròn 89 tuổi, nửa thế kỷ không còn được nghe thơ chúc tết của Bác Hồ, mong và chúc cho Đảng luôn vững mạnh, đất nước luôn cường thịnh, nhân dân luôn ấm no, hạnh phúc.

Chia tay Trung tướng Dương Công Sửu, đọng lại trong chúng tôi những tình cảm thân thương, những ký ức chiến trường hào hùng, những vần thơ chúc Tết cuối cùng của Bác Hồ… sẽ sống mãi không chỉ trong trái tim vị Tướng già, những người lính mà cũng là mỗi người dân Việt. Để họ tiếp tục lưu giữ những nét đẹp trong ngày tết cổ truyền của quê hương.

THANH HUYỀN