Thứ sáu,  20/09/2024

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế I-ta-li-a

Sáng 7-5, tại Nhà Quốc hội (QH), Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế I-ta-li-a E.Mi-la-nê-xi.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế I-ta-li-a

Theo TTXVN, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ hài lòng trước sự phát triển của quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – I-ta-li-a thời gian qua trên tất cả các lĩnh vực: chính trị – ngoại giao, thương mại – đầu tư, văn hóa – giáo dục, khoa học – công nghệ, an ninh – quốc phòng, nhất là trong bối cảnh hai nước vừa kỷ niệm 45 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm triển khai quan hệ đối tác chiến lược. Chủ tịch QH đánh giá, tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn, nhất là trong lĩnh vực thương mại – đầu tư; I-ta-li-a có thế mạnh về sản xuất công nghiệp, nhất là về cơ khí chế tạo và công nghệ cao, phát triển hạ tầng – giao thông, năng lượng. Chủ tịch QH nhấn mạnh, tháng 6 tới, I-ta-li-a và Việt Nam sẽ phối hợp tổ chức Đối thoại cấp cao về quan hệ kinh tế I-ta-li-a – ASEAN lần thứ ba tại Hà Nội; cho rằng, đây là cơ hội để tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại giữa I-ta-li-a và các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam. Chủ tịch QH bày tỏ mong muốn I-ta-li-a tiếp tục có tiếng nói ủng hộ để Nghị viện châu Âu đưa hồ sơ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên hiệp châu Âu (EVFTA) thành ưu tiên trong chương trình nghị sự ngay đầu nhiệm kỳ mới. Chủ tịch QH cảm ơn I-ta-li-a đã dành hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam; cho biết, các dự án hợp tác phát triển của I-ta-li-a đã và đang đáp ứng thiết thực các mục tiêu ưu tiên phát triển bền vững của Việt Nam…

Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế I-ta-li-a E.Mi-la-nê-xi nêu rõ, với tư cách là một trong những thành viên sáng lập Liên hiệp châu Âu (EU), I-ta-li-a cam kết hỗ trợ Việt Nam từ quá trình đàm phán EVFTA; bày tỏ mong muốn, EVFTA sẽ sớm được ký kết và phê chuẩn, là động lực thúc đẩy kim ngạch thương mại, đầu tư giữa EU nói chung và giữa I-ta-li-a nói riêng với Việt Nam. Bộ trưởng E.Mi-la-nê-xi đánh giá cao vai trò, vị thế của Việt Nam trong khu vực; nêu rõ, hai nước đã chia sẻ nhiều quan điểm chung về chính sách đối ngoại, kinh tế – thương mại, an ninh – quốc phòng…; chia sẻ, I-ta-li-a có thể tăng cường hợp tác với Việt Nam trong sản xuất công nghiệp, cơ khí tự động chính xác, là những lĩnh vực các doanh nghiệp I-ta-li-a có thế mạnh.

★ Sáng 7-5, tại Trụ sở Bộ Ngoại giao, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế I-ta-li-a E.Mi-la-nê-xi.

Tại cuộc hội đàm, hai bên bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển tích cực và sôi động trên mọi lĩnh vực của quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – I-ta-li-a thời gian qua; khẳng định tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn và tiếp xúc các cấp, nhất là cấp cao, duy trì và triển khai hiệu quả các cơ chế đối thoại chiến lược cấp Thứ trưởng Ngoại giao, đối thoại chính sách quốc phòng cấp Thứ trưởng và Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế Việt Nam – I-ta-li-a. Hai bên nhất trí sẽ triển khai sớm ký Kế hoạch hành động triển khai quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – I-ta-li-a giai đoạn 2019 – 2020.

Hai bên đánh giá cao tầm quan trọng của EVFTA, coi đây là động lực thúc đẩy kim ngạch thương mại đầu tư song phương; nhất trí cần thúc đẩy EU sớm ký và phê chuẩn Hiệp định này vì lợi ích cộng đồng doanh nghiệp hai nước. Hai bên thống nhất xây dựng định hướng mới về hợp tác phát triển, đáp ứng thiết thực các mục tiêu ưu tiên phát triển bền vững của Việt Nam, phù hợp quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị Bộ Ngoại giao I-ta-li-a, với tư cách là đầu mối hợp tác quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực bảo tồn di tích như từng thực hiện với khu di tích Mỹ Sơn, tăng số lượng học bổng và tạo thuận lợi hơn nữa cho sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam sang học tập tại I-ta-li-a.

Hai bên nhất trí phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế; khẳng định ủng hộ quan hệ Việt Nam – EU và quan hệ I-ta-li-a với các nước ASEAN, trong bối cảnh Việt Nam đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch ASEAN năm 2020 và đang ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Hai bên trao đổi về tầm quan trọng của việc gìn giữ hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông; khẳng định nguyên tắc thượng tôn pháp luật và nhấn mạnh lập trường ủng hộ giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Theo Nhandan