Thứ sáu,  20/09/2024

Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng

LSO-Sáng nay (23/5), Tỉnh ủy Lạng Sơn tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị Quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.


Đồng chí Lâm Thị Phương Thanh,
Ủy Viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
tTỉnh ủy phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Đồng chí Lâm Thị Phương Thanh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị có đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành; Ủy ban MTTQ, tổ chức chính trị- xã hội tỉnh; đại diện ban tuyên giáo, tuyên huấn các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc và lãnh đạo UBND các huyện, thành phố…

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng. Tỉnh ủy Lạng Sơn đã bám sát những tư tưởng, quan điểm mới về con người trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng Đảng, qua đó tạo chuyển biến mạnh mẽ về đạo đức, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, lối sống trong cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên và nhân dân.

Theo đó, tỉnh đã vận dụng và triển khai thực hiện các nội dung, giải pháp, quan điểm chỉ đạo của trung ương, đề ra chủ trương biện pháp thiết thực, hiệu quả, đưa Nghị quyết số 33 vào cuộc sống, phù hợp với địa bàn của tỉnh, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Vấn đề xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn góp phần gìn giữ, phát huy những đạo lý tốt đẹp của gia đình, xã hội, con người Việt Nam. Nhiều giá trị văn hóa trong gia đình và cộng đồng được phát huy; ý thức trách nhiệm của người dân tham gia xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ngày càng tốt hơn.


Toàn cảnh Hội nghị

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển sâu rộng, đến năm 2018, toàn tỉnh đã có 143.926 hộ đạt gia đình văn hóa (tăng 8,4% so với năm 2014) và 1.232 thôn bản, khối phố văn hóa (tăng 11,9% so với năm 2014).

 Công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa thường xuyên được tỉnh quan tâm, đến nay, đã có 75 lượt tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích trên địa bàn tỉnh. Cùng đó, 313 lễ hội truyền thống được quan tâm, duy trì, tạo môi trường văn hóa lành mạnh, thu hút khách tham quan, du lịch; sự nghiệp văn học – nghệ thuật, giáo dục đào tạo được chú trọng…

Với những kết quả đạt được, sự nghiệp văn hóa của tỉnh đã thực sự thể hiện vai trò là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, góp phần giữ vững ổn định chính trị, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, xây dựng được niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ XHCN.

Tại hội nghị, đã có 10 báo cáo tham luận làm rõ hơn những kết quả đã đạt được cũng như những yếu kém, hạn chế cần khắc phục trong triển khai thực hiện Nghị quyết 33.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy lưu ý các cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ban ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội, cán bộ, đảng viên tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, đồng thời có những giải pháp cụ thể, thiết thực tập trung khắc phục những yếu kém mà hội nghị đã chỉ ra.

Trong đó tập trung vào một số nội dung như: tiếp tục nâng cao năng lực và hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với lĩnh vực văn hóa; chủ động chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng con người nhất là đối với thế hệ trẻ; thực hiện tốt việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, xây dựng văn hóa trong kinh tế, văn hóa trong Đảng, văn hóa trong bộ máy Nhà nước, văn hóa trong ứng xử giữa con người với con người trong xã hội làm cho các giá trị văn hóa lan tỏa và thấm sâu vào đời sống xã hội; tăng cường các nguồn lực đầu tư; phát triển văn hóa và đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa nhằm huy động nguồn lực từ các cá nhân, tổ chức xã hội cho các hoạt động văn hóa, giáo dục…

MAI HOA - TUYẾT MAI