Thứ bảy,  21/09/2024

Củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở vùng dân tộc và miền núi

(LSO) – Lạng Sơn là tỉnh miền núi, biên giới phía Bắc của Tổ quốc, có số dân trên 790.000 người, với hơn 30 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 7 dân tộc chủ yếu, gồm: Nùng, Tày, Kinh, Dao, Hoa, Sán Chay, Mông. Địa bàn cư trú của đồng bào dân tộc thiểu số ít chủ yếu ở những vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, xa trung tâm.

Thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX) về công tác dân tộc, ngày 22/12/2010, Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định số 130-QĐ/TU về phê duyệt chỉ tiêu kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2011 – 2015 và Nghị quyết 37-NQ/TU, ngày 13/2/2012 về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn đến năm 2015 và những năm tiếp theo. Qua đó, hằng năm, tỉnh đã xây dựng đề án, chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng; ban hành nhiều văn bản, chính sách về công tác cán bộ, trong đó có quy định về việc bố trí, sắp xếp, sử dụng, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số; chính sách thu hút đội ngũ cán bộ có trình độ, năng lực chuyên môn giỏi về công tác tại địa bàn khó khăn.

Đồn Biên phòng Chi Ma và nhân dân xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình tuần tra biên giới. Ảnh: ĐÌNH QUANG

Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ, luân chuyển cán bộ được tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo; trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, cán bộ người dân tộc thiểu số ngày càng được nâng lên. Cán bộ người dân tộc thiểu số tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh luôn chiếm tỷ lệ cao, trong 3 nhiệm kỳ gần đây chiếm khoảng 70%; cán bộ chủ chốt tỉnh là người dân tộc thiểu số đều có phẩm chất, năng lực đáp ứng được yêu cầu phát triển và đổi mới.

Công tác phát triển đảng viên trong đồng bào dân tộc thiểu số được Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, thực hiện xóa xong thôn “trắng” đảng viên, giảm số thôn chưa có chi bộ độc lập và tiến tới không còn thôn sinh hoạt ghép chi bộ. Năm 2001, toàn tỉnh có 766 thôn chưa có chi bộ, 80 thôn chưa có đảng viên, hiện nay chỉ còn 28 thôn chưa có chi bộ độc lập với 13 chi bộ thôn sinh hoạt ghép; từ năm 2003 đến năm 2018, toàn Đảng bộ tỉnh kết nạp được 36.327 đảng viên (bình quân mỗi năm kết nạp được 2.200 đảng viên mới trở lên), trong đó, đảng viên là người dân tộc thiểu số 26.666 đồng chí, chiếm 73%. Đến hết năm 2018, toàn tỉnh có 62.910 đảng viên, trong đó, đảng viên là người dân tộc thiểu số chiếm 79,55%.

Cán bộ Đồn Biên phòng Hữu Nghị tuyên truyền về đường biên, mốc giới

Vai trò của người uy tín ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được phát huy đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa – xã hội, an ninh – quốc phòng. Người có uy tín trên địa bàn đã sử dụng uy tín, ảnh hưởng của mình tham gia giải quyết nhiều vụ việc phức tạp ngay tại cơ sở, là nhân tố tích cực trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; tham gia tố giác, đấu tranh với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, chính quyền, tạo môi trường ổn định, lành mạnh phục vụ công cuộc phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Có thể thấy, qua 15 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX) về công tác dân tộc, việc củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, diện mạo kinh tế, xã hội tỉnh có nhiều chuyển biến, đời sống vật chất, tinh thần, văn hóa, xã hội từng bước được cải thiện và nâng cao. Đồng bào các dân tộc chung sống đoàn kết, không có những vấn đề nổi cộm về tôn giáo, dân tộc, một lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; quốc phòng được giữ vững, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ổn định, an sinh xã hội được đảm bảo.

PHẠM ANH TUẤN (Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ)