Thứ sáu,  20/09/2024

10 năm nỗ lực tìm “trái ngọt” EVFTA

Mới đây Nghị viện châu Âu đã chính thức bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA). Trải qua gần 10 năm đàm phán, việc cả Việt Nam và EU phê chuẩn EVFTA mở ra chân trời mới hợp tác rộng lớn, toàn diện và phát triển mạnh mẽ hơn, và đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp hai bên.

10 năm nỗ lực tìm

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tại lễ ký EVFTA và EVIPA. 

Một thập kỷ nỗ lực không ngừng nghỉ

Tháng 10-2010, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đồng ý khởi động đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Sau gần 10 năm với rất nhiều phiên đàm phán kéo dài, với khối lượng khổng lồ về công việc, nội dung đề cập và những vấn đề mà các nhà đàm phán hai bên phải xử lý, ngày 12-2-2020, Nghị viện châu Âu đã chính thức bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư EVIPA.

Hành trình tìm quả ngọt EVFTA với hàng chục vòng đàm phán gay cấn, khắc nghiệt, là thành quả của cả hệ thống chính trị với sự nỗ lực vào cuộc của nhiều bộ, ngành, nhiều cá nhân.

Còn nhớ, lễ ký kết hai Hiệp định diễn ra năm ngoái tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang có chuyến công tác quan trọng dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 và thăm chính thức Nhật Bản, giữa lịch trình dày đặc, Thủ tướng đã từ Nhật Bản trở về, chứng kiến và phát biểu tại lễ ký kết rồi bay lại Nhật Bản ngay trong đêm.

Còn ông Nicolas Audie, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam thì cho rằng, hành trình EVFTA và EVIPA là kết tinh của một thập kỷ nỗ lực không ngừng nghỉ. Tuy nhiên, để đi đến trái ngọt đó, cả hai bên đã phải đi qua chặng đường đàm phán trường kỳ với vô vàn thách thức.

Kể về chặng đường khó khăn đã vượt qua, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhớ lại, đã có những lúc trong hành trình ký kết, phê chuẩn có phần chững lại. Quá trình đàm phán đã khó khăn nhưng quá trình phê chuẩn dường như còn khó khăn gấp nhiều lần đối với Hiệp định này. Bởi vì các nghị sĩ châu Âu khá khó tính, có nhiều quan điểm, yêu cầu khác nhau, đặc biệt là các vấn đề về nhân quyền, lao động, môi trường.

Có thể nói, hiện nay, cơ bản hệ thống pháp luật của Việt Nam đã bảo đảm nhu cầu đó, hệ thống pháp luật của chúng ta đã bảo đảm tuân thủ các công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Đặc biệt, Việt Nam phê chuẩn việc gia nhập Công ước số 98 của ILO về thương lượng tập thể vào tháng 6-2019 và thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) tháng 11-2019, đã tháo gỡ những nút thắt quan trọng và là tiền đề để Nghị viện châu Âu ủng hộ Việt Nam.

Quốc hội Việt Nam thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) tháng 11-2019. 

 

Còn ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương chia sẻ, trong quá trình đàm phán thì thời điểm khó khăn nhất là thời điểm kết thúc đàm phán.

Đây là giai đoạn cực kỳ phức tạp. Khi kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do thì theo yêu cầu nội bộ từ phía EU, phải tách Hiệp định ra thành hai Hiệp định mới, là Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và một phần còn lại là Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) để đưa về các nước thành viên phê chuẩn.

“Chúng ta như chạy một quãng đường marathon đi đến cuối chặng đường này, bây giờ phải đứng lên làm lại, tách ra thành hai hiệp định mới, lúc đó có rất nhiều người mệt mỏi nhưng chúng ta có quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành rất quyết tâm”, ông Lương Hoàng Thái nói.

Chúng ta xác định tuy “mệt” nhưng cần phải nỗ lực hơn để hoàn thành Hiệp định. Sau đó, chúng ta đã trải qua rất nhiều bước khó khăn để vận động từ các nước thành viên thông qua, sau đó đến Nghị viện châu Âu với nhiều đảng phái, ý kiến khác nhau.

Điều đáng nói, đây là hiệp định đầu tiên mà EU ký với một nước đang phát triển và cũng là hiệp định đầu tiên mà Nghị viện mới của châu Âu thông qua. Việc Việt Nam vận động và vượt qua được các khâu rất khó khăn đó, và đã thành công, thực sự là một sự kiện đáng nhớ, nhất là trong bối cảnh các phong trào bảo hộ thương mại ở trên thế giới xuất hiện ngày một nhiều.

Toàn cảnh phiên bỏ phiếu tại EP thông qua EVFTA và EVIPA. 

 

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đón đầu cơ hội

EVFTA đang mở ra cơ hội lớn cho DN Việt Nam thâm nhập thị trường đầy tiềm năng với 508 triệu dân và dung lượng khoảng 18 nghìn tỷ USD. Theo ước tính của Ủy ban châu Âu, khi EVFTA được thực thi, tổng sản phẩm nội địa hằng năm của EU sẽ tăng thêm khoảng 30 tỷ USD.

Còn nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ rõ, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020, 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định. Tăng trưởng xuất khẩu của một số ngành sang EU cũng được dự báo như sau: xuất khẩu gạo tăng thêm 65% vào năm 2025, đường tăng 8%, lâm sản tăng 3%, thịt gia súc gia cầm tăng 4%, đồ uống và thuốc lá tăng 5%; xuất khẩu mặt hàng dệt sẽ tăng khoảng 67% vào năm 2025, may mặc tăng 81%, da giày thậm chí tăng đến 99%.

Có thể khẳng định, những ưu đãi được hưởng từ EVFTA dành cho hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam rất lớn, nhất là với một số ngành như dệt may, da giày, điện tử hay đồ gỗ,… nhưng cũng sẽ có những lĩnh vực được dự báo gặp khó khăn như: hóa chất, phương tiện vận tải, sắt thép, dược phẩm, nông sản chế biến…

Thêm vào đó, nội dung trong các điều khoản của Hiệp định cũng chứa đựng những đòi hỏi rất cao liên quan đến xuất xứ, chứng nhận xuất xứ hay hàng loạt những vấn đề khác như an toàn vệ sinh thực phẩm, minh bạch thông tin, môi trường sản xuất.

Các ngành như dệt may, da giày… vẫn còn dư địa rất lớn.

 

Nhận định về cơ hội và thách thức khi EVFTA được thực thi, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, sau khi Hiệp định có hiệu lực, ngay lập tức có đến 70% mặt hàng được giảm thuế, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,7% số dòng thuế. Đây là lợi thế vô cùng lớn về mặt chi phí khi thuế quan không còn. Nhưng để vượt qua được điều này là một hành trình vô cùng gian nan.

Trước tiên là vượt qua các quy định về xuất xứ của hàng hóa. Hiện nay nguyên liệu sản xuất hàng hóa của Việt Nam phần lớn là từ Trung Quốc và ASEAN, chứ không phải từ trong nước và EU. Làm sao đáp ứng được các yêu cầu về xuất xứ là điều đầu tiên mà doanh nghiệp Việt Nam cần phải vượt qua, đặc biệt đối với dệt may và giày dép, hai mặt hàng chủ lực của chúng ta sang thị trường EU.

Thứ hai là hàng rào về kỹ thuật và quy định về vệ sinh dịch tễ rất cao. Đây là thách thức khi không nhiều doanh nghiệp Việt Nam có thể dễ dàng đáp ứng được.

Thứ ba là các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ người tiêu dùng, thị trường. Những biện pháp này đối với châu Âu rất nặng nề, vượt qua được điều này không đơn giản.

Cuối cùng, nền tảng của tất cả là năng lực cạnh tranh của các sản phẩm dịch vụ hàng hóa của Việt Nam.

“Hiện nay, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam còn đang ở mức trung bình của thế giới theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Chúng ta vươn lên cạnh tranh với châu Âu có nghĩa là cạnh tranh với những nền kinh tế có năng lực cạnh tranh hàng đầu thế giới. Vì vậy có một khoảng cách về năng lực cạnh tranh giữa chúng ta với các nền kinh tế này. Việc nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm dịch vụ hàng hóa của Việt Nam là yêu cầu quan trọng nhất. Muốn nâng cao năng lực cạnh tranh phải quay trở về với vấn đề cơ bản nhất của môi trường kinh doanh”, ông Vũ Tiến Lộc nhận định.

Hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện phần mềm đào tạo nhân lực. 

 

Bên cạnh đó, theo ông Vũ Tiến Lộc, điểm nghẽn lớn mà Việt Nam cần tập trung để thúc đẩy đó chính là chất lượng nguồn nhân lực. Việt Nam tuy có nguồn nhân lực đông đảo nhưng chi phí thấp và kèm theo đó là chất lượng chưa cao. Điều kiện cơ sở hạ tầng, về nguồn nhân lực của Việt Nam còn hạn chế. Chính vì vậy, để tận dụng được cơ hội hội nhập, nâng cao năng lực cạnh tranh thì giải pháp cấp bách chính là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Về vấn đề này, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng cần có nỗ lực đột phá hơn nữa trong lĩnh vực nghề nghiệp và giáo dục đại học.

Còn theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên Đoàn Lao động Việt Nam, để giải quyết vấn đề chất lượng nguồn nhân lực đòi hỏi chính sách rất tổng thể, những chính sách quốc gia, chiến lược quốc gia. Do đó, sẽ cần phải điều chỉnh chiến lược quốc gia về đào tạo nghề cũng như đổi mới về giáo dục.

Theo Nhandan