Thứ sáu,  20/09/2024

Người cựu chiến binh với hồi ức về nhà báo Nhật Bản Isao Takano

(LSO) – Đã hơn 40 năm trôi qua, nhưng người cựu chiến binh Nông Văn Đuổng vẫn nhớ như in giây phút mà nhà báo Nhật Bản Isao Takano hy sinh khi đang tác nghiệp tại Lạng Sơn trong cuộc chiến tranh biên giới năm 1979.

Ông Nông Văn Đuổng, 79 tuổi, thương binh hạng 2/4, là một trong những người lính bảo vệ nhà báo người Nhật Bản Isao Takano khi đang tác nghiệp tại Lạng Sơn. Kể về khoảnh khắc gặp gỡ nhà báo Takano, ông Đuổng nhớ lại: Ngày 7/3/1979, sau khi quân Trung Quốc rút, thị xã Lạng Sơn chỉ còn lại những đống đổ nát. Một cái cây cũng không thể đứng vững, từ móng nhà đến cột điện, cây cối bị quân Trung Quốc gắn bộc phá đánh tan hết. Khi đó, tôi là đại úy được Quân khu 1 điều về tăng cường cho Thị ủy Lạng Sơn và tôi được nhận nhiệm vụ đưa đoàn nhà báo đi thực tế.

Ông Nông Văn Đuổng xem lại các bức ảnh tư liệu

Lần đầu tiên tôi gặp nhà báo Takano ở địa điểm cách thị xã Lạng Sơn 8 km. Ngày hôm đó có hai xe chờ đoàn nhà báo, tôi ngồi cùng xe với nhà báo Takano. Mặc dù quân chính quy rút đi, nhưng thám báo và đơn vị hỗ trợ của địch vẫn còn trong thị xã. Sau khi loạt đạn pháo của địch chuyển về làn phía sau, tôi nhanh chóng dẫn đoàn nhà báo tiến vào thị xã, vào hang Chùa Tiên tránh đạn. Đến khoảng 15 giờ, khi tiếng súng đã yên, 2 chiếc xe chở các nhà báo lăn bánh và dừng lại trước cửa Thị ủy Lạng Sơn đổ nát. Lúc đó, người dân thị xã đã sơ tán nên khung cảnh rất vắng lặng. Trước cửa Thị ủy, nhà báo Takano bấm máy chụp liên tiếp. Ngay lúc đó, phía bên đầu cầu Kỳ Cùng, địch bắn tới tấp.

Ban đầu, đạn bắn còn ít nhưng sau đó một loạt đạn đỏ bắn về phía đoàn xe, khi đạn đại liên của địch vụt đến, mọi người trong cả 2 xe đều nhảy xuống tìm chỗ ẩn nấp. Tôi dùng súng AK chống trả và bị thương ở tay trái. Nhà báo Takano đã vào chỗ an toàn nhưng khi thấy tôi tiếp tục chiến đấu, anh lại lao lên chụp ảnh. Tôi chưa kịp hô gọi quay lại thì anh ấy đã trúng đạn và anh dũng hy sinh. Phải đến gần nửa đêm hôm đó thi thể nhà báo Takano mới được đưa ra khỏi khu vực đấu súng.

Nói đến đây, giọng ông Đuổng bồi hồi xúc động: Lần đầu tiên gặp gỡ nhưng tôi cảm thấy rất ấn tượng với tinh thần lạc quan và sự dũng cảm của đồng chí Takano, bất ngờ hơn khi đồng chí còn nói tiếng Việt vô cùng lưu loát. Cũng vì thế mà chúng tôi nói chuyện nhiều lắm, tôi hỏi Takano đến tận Việt Nam, đi vào nơi đạn pháo làm gì, ông ấy bảo: “Sang Việt Nam là trách nhiệm của chúng tôi. Trong cuộc chiến tranh chính nghĩa và phi nghĩa, chúng tôi phải đứng về phía chính nghĩa”. Rồi Takano kể về những nơi mình đã đi qua, kể về gia đình, về người vợ Michico và đặc biệt là nỗi nhớ cô con gái nhỏ ở Nhật, rồi đồng chí hỏi tôi có vợ con, gia đình chưa. Thế mà lúc ấy chẳng hiểu sao tôi hỏi ông ấy một câu rõ vớ vẩn: “Nếu nhỡ hi sinh thì sao?”; Takano trả lời: “Có hy sinh cũng vì chân lý, vì nhân dân Việt Nam”.

Sau ngày hy sinh, hài cốt của nhà báo Takano được đưa về quê hương. Bia tưởng niệm nhà báo người Nhật Bản được nhân dân Lạng Sơn dựng lên với hình tượng ngọn bút vươn lên trời xanh để tưởng nhớ sự hy sinh anh dũng của ông. Bia được đặt ở nghĩa trang liệt sĩ thành phố Lạng Sơn, giữa nhiều bia mộ của các liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Mỗi khi người dân đến thăm, viếng nghĩa trang đều thắp hương ở mộ phần đặc biệt này.

Nhà báo Takano Isao sinh năm 1943 tại thành phố Kobe, Nhật Bản. Ông là sinh viên khoa tiếng Việt (Đại học Tổng hợp Hà Nội) từ năm 1967-1971 và tham gia đưa tin về chiến tranh biên giới Tây Nam và cuộc chiến vệ quốc phía Bắc với tư cách đặc phái viên Báo Akahata của Nhật Bản. Năm 1979, khi chiến tranh biên giới Việt – Trung nổ ra, ông được cử đến Lạng Sơn với tư cách phóng viên đặc vụ. Những bài viết của nhà báo Takano đã góp phần rất lớn trong việc phơi bày, tố cáo hành động phi nghĩa của Trung Quốc trong cuộc chiến vệ quốc năm 1979.

TUYẾT MAI