Thứ sáu,  20/09/2024

Quan tâm đào tạo – bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số

(LSO) – Những năm qua, các cấp, ngành ở tỉnh Lạng Sơn đặc biệt quan tâm thực hiện đầy đủ các chính sách ưu đãi đối với cán bộ, công chức, viên chức (gọi chung là cán bộ) người dân tộc (DTTS) trên địa bàn. 

Lạng Sơn có gần 18.000 cán bộ là người DTTS, chiếm gần 80% tổng số cán bộ toàn tỉnh. Trong số đội ngũ cán người DTTS chủ yếu là người dân tộc Nùng, Tày, số còn lại là dân tộc Dao, Sán Chay, Hoa… Những năm qua, một trong những chính sách được quan tâm thực hiện với cán bộ người DTTS, đó là công tác đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD). Chính quyền các cấp trong tỉnh đã ban hành chương trình, đề án, kế hoạch ĐTBD theo từng năm, từng giai đoạn cụ thể. Từ đó rà soát, lựa chọn, cử cán bộ người DTTS tham gia các khóa ĐTBD ngắn và dài hạn về trình độ lý luận chính trị, quản lý nhà nước, chuyên môn, các kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ theo vị trí việc làm; bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ giai đoạn 2018 – 2025… Kết quả trung bình mỗi năm, toàn tỉnh có khoảng 7.000 lượt cán bộ là người DTTS được cử đi học. Theo tổng hợp từ cơ quan chức năng tỉnh, giai đoạn 2016 – 2019, tổng số cán bộ của tỉnh là người DTTS được ĐTBD là 23.245 lượt người. Sau ĐTBD, trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ người DTTS, nhất là đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý đã được nâng cao. Đến nay, cán bộ là lãnh đạo cấp tỉnh đến cấp xã có từ gần 90% đến 100% số người đạt chuẩn về trình độ lý luận chính trị, từ 82% đến 100% số người đạt chuẩn về trình độ chuyên môn.

Cán bộ người dân tộc Dao xã Công Sơn (Cao Lộc) tuyên truyền phòng chống dịch Covid – 19 cho người dân

Anh Triệu Tiến Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Công Sơn (Cao Lộc) là một ví dụ. Năm 2005, khi vào làm việc tại UBND xã Công Sơn, anh chưa qua đào tạo trình độ chuyên môn và lý luận chính trị. Được Đảng ủy, UBND xã quan tâm, trong quá trình công tác, anh được cử tham gia các khóa ĐTBD. Đến năm 2018, anh tốt nghiệp trình độ đại học chuyên ngành quản lý văn hóa, trình độ trung cấp lý luận chính trị, quản lý nhà nước chương trình chuyên viên… Anh Thành cho biết: “Sau khi được bổ sung kiến thức về mọi mặt, tôi có thể vận dụng vào giải quyết công tác quản lý, điều hành, chuyên môn và xử lý tốt những vấn đề phát sinh ở xã”. Cùng với anh Thành, xã Công Sơn còn có nhiều cán bộ được cử đi ĐTBD. Hiện tại, 10/20 cán bộ có trình độ trung cấp lý luận chính trị, tăng trên 50%; có 17/20 cán bộ có trình độ chuyên môn từ trung cấp đến đại học tăng gần 30% so với năm 2015.

Cùng với sự quan tâm như trên, các cấp, ngành trong tỉnh còn quan tâm thực hiện một số chính sách khác đối với cán bộ người DTTS trong công tác tuyển dụng; thu hút đội ngũ có trình độ, năng lực chuyên môn giỏi về công tác tại địa bàn khó khăn có đông đồng bào DTTS; quy hoạch, bố trí, sử dụng, đãi ngộ và luân chuyển, tăng cường cán bộ lãnh đạo quản lý là người DTTS hoặc cán bộ đến công tác tại vùng khó khăn có đông đồng bào DTTS cũng được tăng cường; bố trí, sử dụng cán bộ là người DTTS vào cấp ủy, chính quyền, cơ quan nhà nước các cấp… Từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện tuyển dụng không qua thi tuyển và bố trí phân công công tác đối với 84 sinh viên cử tuyển tốt nghiệp ra trường vào các cơ quan nhà nước; trung bình mỗi năm thu hút, luân chuyển, điều động khoảng 2.000 lượt cán bộ đến công tác ở vùng đông đồng bào DTTS. Nhiệm kỳ 2015 – 2020, cán bộ người DTTS tham gia ban chấp hành đảng bộ các cấp chiếm tỷ lệ cao (đạt từ 60% đến trên 70%), đơn cử Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh có tới 70% ủy viên là người DTTS.

Ông Lâm Văn Viên, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Nhờ thực hiện tốt, có hiệu quả các chính sách trên đây đã góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng, năng lực công tác của đội ngũ cán bộ người DTTS qua từng năm. Đội ngũ này cơ bản đảm nhiệm tốt nhiệm vụ được giao, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có kiến thức, khả năng vận dụng đúng đắn chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh, xây dựng nông thôn mới ở vùng sâu, vùng xa, vùng đông đồng bào DTTS sinh sống. Thời gian tới, Ban Dân tộc tiếp tục tham mưu, kiến nghị cấp có thẩm quyền chỉ đạo thực hiện tốt hơn nữa các chính sách nói trên đồng thời ban hành thêm các quy định chính sách đặc thù dành cho cán bộ người DTTS.

HÀ MY