Thứ sáu,  20/09/2024

Trận đánh đồi A1 qua hồi ức của vị tướng người Xứ Lạng

(LSO) – Vào một ngày đầu tháng 5/2005, chúng tôi đến thăm Thiếu tướng Lê Sơn, một vị tướng người Lạng Sơn đã từng trải qua bao trận chiến đấu trong suốt cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Thiếu tướng tiếp chúng tôi trong gian nhà riêng bình dị nằm trên phố Nguyễn Du, thành phố Lạng Sơn (Thiếu tướng Lê Sơn mất tháng 12/2010). Đã 15 năm trôi qua, nhưng câu chuyện kể của ông về trận đánh đồi A1 trong chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn sâu đậm trong tâm trí tôi…

Để đối phó với hoạt động của quân ta trong chiến dịch Đông-Xuân 1953 – 1954, thực dân Pháp sau khi cho quân nhảy dù đánh chiếm Điện Biên Phủ, ngày 3/12/1953, Tướng Na-va – Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương đã quyết định xây dựng nơi đây thành một tập đoàn cứ điểm quân sự rất mạnh nhằm án ngữ miền Tây Bắc Việt Nam, kiểm soát liên thông với Thượng Lào và để làm bẫy nhử, thách thức quân chủ lực Việt Minh tấn công.

Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ gồm 3 phân khu với 49 cứ điểm, trong đó, phân khu trung tâm Mường Thanh là quan trọng nhất gồm 5 cụm cứ điểm với 2/3 lực lượng. Ở chính giữa tập đoàn là sở chỉ huy của Tướng Đờ-cát-tri với nhiều cứ điểm bao bọc xung quanh. Chúng đã bố trí ở đây một lực lượng quân sự lớn, gồm 16.200 tên lính. Vũ khí, các phương tiện chiến tranh do Mỹ viện trợ thỏa mãn theo yêu cầu. Cả Mỹ lẫn Pháp đều cho rằng Điện Biên Phủ là một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, là “pháo đài bất khả xâm phạm”, là “máy nghiền Việt Minh”… Nếu Quân đội nhân dân Việt Nam tấn công sẽ chỉ chuốc lấy thảm bại. Vì thế, ngay từ đầu năm 1954, Pháp đã cho máy bay thả truyền đơn, phát loa khiêu khích, thách thức quân ta tiến công. Tướng Cô-nhi, Tư lệnh Bắc Bộ trả lời phỏng vấn của phóng viên mặt trận Pháp rằng: “Chúng tôi đã có một hỏa lực mạnh đủ sức quét sạch đối phương đông gấp 4 đến 6 lần… Tôi sẽ làm tất cả để bắt tướng Giáp phải “ăn bụi” và chừa cái thói muốn đóng vai một nhà chiến lược lớn!”

Ngày 7/5/1954, quân ta toàn thắng ở Điện Biên phủ. Lá cờ Quyết chiến quyết thắng của Hồ Chủ tịch tặng các đơn vị tham gia chiến dịch Điện Biên phủ tung bay rực rỡ trên nóc hầm chỉ huy của địch Ảnh tư liệu

Khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi là Tiểu đoàn Phó Tiểu đoàn 9 Trung đoàn 174 thuộc Đại đoàn 316. Bước vào đợt 3 của chiến dịch, đợt tổng công kích diễn ra từ ngày 1/5 đến 7/5, đại đoàn chúng tôi được giao nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị bạn, đánh vào khu trung tâm dứt điểm chiến dịch, cụ thể là tiêu diệt cụm cứ điểm quan trọng: A1, C1 và C2 là những cứ điểm rất kiên cố và lợi hại. Riêng cứ điểm A1 được xây dựng kiên cố nhất, ta đã tiến hành tới 4 đợt tấn công nhưng chỉ chiếm được nửa quả đồi. Để chống lại hệ thống hầm ngầm cố thủ trên đồi A1, Bộ Chỉ huy Mặt trận đã giao cho đơn vị công binh đào đường hầm từ trận địa tới dưới hầm ngầm đồi A1, đưa bộc phá với số lượng lớn vào đặt rồi cho nổ. Một đội đặc nhiệm gồm 25 cán bộ, chiến sĩ công binh đã tiến hành công việc ngay trước mũi súng quân Pháp, khắc phục nhiều khó khăn không để quân Pháp phát hiện, bảo vệ tuyệt đối ý đồ đào hầm. Đến ngày 5/5, Trung đoàn 174 báo cáo cấp trên: “Đường hầm ở A1 đã hoàn thành!”. Trong đêm, một tấn bộc phá được chia thành những gói 20 kg, đưa vào đặt dưới hầm ngầm của Pháp. Sáng 6/5/1954, Tiểu đoàn 255 của Trung đoàn 174 phòng ngự suốt 34 ngày đêm trên đồi A1 được lệnh rút qua Đồi Cháy làm lực lượng dự bị. Trong bản mệnh lệnh tác chiến gửi cho các đơn vị ngày hôm đó, Bộ Chỉ huy Mặt trận quy định: “Đúng 20 giờ 30 phút ngày 6/5, toàn mặt trận sẽ nổ súng, lấy tiếng nổ của khối bộc phá ở điểm cao A1 làm hiệu lệnh tấn công!”. Trước giờ “G” 5 phút, các chiến sĩ ở chiến hào xuất phát xung phong được lệnh quay lưng về A1, nhắm mắt, há mồm đề phòng sóng xung kích và ánh chớp của khối thuốc ngàn cân bộc phá.

Hai phương pháp được áp dụng để làm nổ khối thuốc to lớn này. Đó là dùng điện và dùng nụ xòe. Sáu đường dây được dòng từ nơi đặt thuốc nổ xuống đến chân đồi. Sau khi kiểm tra rất kỹ lưỡng, Đại đội trưởng công binh thấy đã rất chu đáo, không thể làm gì cho cẩn thận hơn. Nhưng anh em trong đơn vị vẫn lo lắng vì chưa từng có dịp làm nổ một khối lượng thuốc nổ lớn như thế. Đó cũng là nỗi băn khoăn của các chiến sĩ Đại đội 317, thuộc Trung đoàn 174, đơn vị chủ công trong trận đánh này. Nhỡ vì một lý do nào mà sau khi bấm điện hoặc giật nụ xòe, bộc phá vẫn không nổ thì kế hoạch sẽ hoàn toàn thay đổi. Để đề phòng trường xấu ấy, trong cuộc họp chi bộ, hai đồng chí đảng viên đã xung phong cảm tử, nhận mỗi người mang theo một khối bộc phá 20 kg, chuẩn bị sẵn sàng lao vào làm nổ khối thuốc ở hầm ngầm, nếu các đồng chí công binh không thành công.

Hồi 17 giờ ngày 6/5, Trung đoàn 174 chia thành 3 múi tiến vào A1 theo những hào sâu ngập đầu người. Hai bên hào đều có những công sự hàm ếch để chống pháo. Nhiều chiến sĩ bị thương trong trận đánh A1 lần trước đã từ quân y trở về có mặt trong hàng quân trong trận chiến này. Đội ngũ của Trung đoàn lần này còn được bổ sung thêm nhiều chiến sĩ mới. Mọi công tác chuẩn bị cho trận đánh chiếm điểm cao cuối cùng đã rất chu đáo. Mọi người đều tin tưởng lần này đơn vị ta nhất định sẽ hoàn thành nhiệm vụ.

Gần đến giờ “G”, toàn chiến trường im ắng. Các mũi tấn công của ta đã vào giáp chân cứ điểm mà địch không hề hay biết. Các mũi tiến vào nhanh chóng đến nỗi Đại đoàn phải ra lệnh tạm lùi lại phía sau một chút đề phòng chấn động khi khối bộc phá nổ lớn.

Không khí ở sở chỉ huy của Đại đoàn 316 tối hôm ấy rất trang nghiêm. Đại đoàn trưởng Lê Quảng Ba nhắc đồng chí Tham mưu trưởng kiểm tra lại lần nữa xem các đồng chí gác bộc phá đã rời khỏi cửa hầm chưa. Chính ủy Chu Huy Mân ngồi cạnh Đại đoàn trưởng dáng vẻ trầm ngâm, có lẽ anh đang nghĩ tới hai người đảng viên đã xung phong làm nhiệm vụ mang bộc phá 20 kg thuốc nổ sẵn sàng lao vào hầm nếu bộc phá 1.000 kg không nổ…

Đã gần đến giờ khai hỏa. Cả sở chỉ huy im phăng phắc. Từ các đồng chí chỉ huy đến những đồng chí giữ máy điện thoại đều như nín thở để đón nhận một tiếng nổ dữ dội mà chưa ai từng nghe thấy.

Kim đồng hồ đã nhích đến con số 20 giờ 30 phút. Đại đoàn trưởng trực tiếp hạ lệnh cho công binh làm nổ bộc phá. Một tiếng nổ nặng nề từ phía xa vọng lại, nhưng tiếng vang của sức nổ không phải như mọi người đang chờ đợi. Tin từ đài quan sát báo về: “Trên đồi A1 có ánh lửa và một đám khói bụi đang cuộn lên”. Sở chỉ huy Đại đoàn còn nhận được tin từ đài quan sát khác báo cáo về: “Đường dây nối giữa Đại đoàn với Đại đội trưởng Công binh tại đồi A1 đã bị pháo địch bắn cắt đứt!”. Đại đoàn trưởng muốn có những tin tức chính xác hơn. Anh hạ lệnh cho cơ quan Tham mưu phải kiểm tra ngay lại tình hình. Cùng lúc tiếng chuông điện thoại réo. Đầu dây đằng kia tiếng Trung đoàn trưởng 174 Nguyễn Hữu An báo cáo Bộ Tư lệnh Đại đoàn: “Bộc phá đã nổ rồi! Xung kích đã tiến lên cứ điểm!”. Thì ra, khối bộc phá những 1.000 kg nhưng vì chôn sâu trong lòng đất nên tiếng nổ không cũng không to như mọi người tưởng. Cả sở chỉ huy Đại đoàn mừng vui khôn tả.

Tại chân đồi A1, khi ánh chớp bộc phá lóe lên trên đỉnh đồi, sau tiếng nổ và sự rung chuyển của mặt đất, đất đá rơi rào rào, Trung đội trưởng Thư của Đại đội 317 chủ công của Tiểu đoàn 9 lập tức hô: “Xung phong!”  Anh dẫn đầu các chiến sĩ xung kích, theo đường hào đã đào từ trước lao lên đỉnh đồi như một mũi tên! Khối bộc phá 1.000 kg không đặt trúng hẳn đáy hầm ngầm, còn cách hầm ngầm vài chục mét nhưng đã thổi bay lô cốt bên trên, và những ụ súng của địch, diệt phần lớn Đại đội Dù 2 của Trung úy Ét-mơ đóng ở đây. Số còn lại trong hầm choáng váng, hoảng hốt phải bỏ chạy ra ngoài.

Chỉ sau 15 phút, Trung đội Đầu cầu đã chiếm phần lớn khu A và tuyến ngang ở phía Đông cứ điểm địch. Những đơn vị khác cũng đã bám sát theo. Tôi, Tiểu đoàn phó Lê Sơn hạ lệnh cho hai mũi điểm và diện của Tiểu đoàn 9 tỏa ra đánh chiếm khu C và D. Quá trình đánh chiếm rất gay go ác liệt, phải đánh đi, giành lại từng khu vực. Kẻ địch ngoan cố chống cự. Có mũi tiến công của ta đã ném hết lựu đạn, phải tiếp từ phía sau lên. Quá nửa đêm, Trung đoàn trưởng 174 Nguyễn Hữu An quyết định đưa đại đội dự bị của Tiểu đoàn 249 vào giải quyết trận đánh. Phía Tây Nam cứ điểm, Tiểu đoàn 1 hạ lệnh cho các phân đội xung phong về phía “Ụ thằng người”. Chiếm được lô cốt lợi hại này, bộ đội ta sẽ bịt kín được con đường tiếp viện từ Mường Thanh lên và cắt rời A1 ra khỏi tập đoàn cứ điểm. Các chiến sĩ ĐKZ đã ba lần phụt đạn về phía cây đa, nhưng súng địch vẫn bắn ra, cản các đợt xung phong của ta. Đại đội phó đại đội 674 dẫn đầu, cùng tiểu đội trưởng Phấn lên quan sát, phát hiện được một ụ súng ngầm của địch nằm bên ngoài lô cốt “Cây đa cụt” đang nhả đạn về phía ta. Đồng chí Phấn đề nghị đại đội phó cho mình mang thủ pháo lên tiêu diệt. Ba khẩu trung liên của ta đặt ở miệng hào trút đạn về phía cây đa yểm hộ cho đồng chí Phấn bò lại gần ụ súng. Một ánh lửa lóe lên, tiếp theo một tiếng nổ rất căng. Phấn đã tiêu diệt được ụ súng địch. Anh em lập tức xung phong. Hai gọng kìm của Tiểu đoàn 9 và Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 174) dần dần khép chặt lại trước cửa hầm của tên Pu-giê – Phó quan của Na-va, chỉ huy Tiểu đoàn Dù thứ nhất cũng mới đổ quân xuống Điện Biên, vừa được điều lên A1 thay quân cho tiểu đoàn Lê-dương ở đây đã kiệt quệ. Đúng 4 giờ sáng ngày 7/5, Pu-giê điện cho Lăng-gia – Chỉ huy khu trung tâm: “Tôi chỉ còn có cách đầu hàng!”, rồi hắn lóp ngóp bò lên mặt đất nộp mình cho bộ đội ta cùng với toàn bộ binh lính còn lại trên đồi khoảng 200 tên. Thế là cụm Elian gồm: A1, C1 và C2 án ngữ phía Đông tập đoàn cứ điểm đã mất thêm cứ điểm A1. Cái “chân kiềng” Elian chỉ còn  một chân chờ quân ta đến tiêu diệt hoàn toàn. Chiếm được A1, căn bản ta đã ngồi lên đầu quân địch. Trên bầu trời, 5 chiếc máy bay máy bay C-47 Dakota của địch có nhiệm vụ đẩy nốt xuống Mường Thanh đại đội lính dù dự bị cuối cùng của Tổng chỉ huy Na-va cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên. Nhưng một đại đội lính dù quăng xuống đây lúc này cũng chỉ như muối bỏ biển.

Trên đồi C2, cuộc chiến đấu giữa ta và địch vẫn diễn ra rất ác liệt. Được bổ sung thêm một số lực lượng, địch cố gắng phản kích đẩy ta xuống. Từ trên điểm cao A1, các chiến sĩ Trung đoàn 174 nhận ra đơn vị bạn đang đánh địch phản kích, lập tức đặt súng đại liên quay về hướng đó, bắn vào sườn quân địch. Cuộc phối hợp chiến đấu diễn ra rất ăn ý. Đạn của ta từ trên cao điểm A1 dội xuống đã làm cho quân địch rất hoảng hốt. Quân ta thừa thắng xông lên diệt giặc…

Đến 8 giờ sáng ngày 7/5/1954, đơn vị đã làm chủ toàn bộ cụm cứ điểm A1, C1 và C2. Lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” của Hồ Chủ tịch trao cho Đại đoàn 316 đã tung bay trên đỉnh đồi A1. Nhiệm vụ của Đại đoàn chúng tôi đã hoàn thành, góp phần cùng các đơn vị bạn tiến vào trung tâm Mường Thanh tiêu diệt sở chỉ huy của tướng Đờ-cát-tri, giải phóng hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Hữu Sơn T.P Lạng Sơn (Ghi theo lời kể của Thiếu tướng Lê Sơn)