Thứ sáu,  20/09/2024

Cao Lộc trên chặng đường phát triển toàn diện, bền vững

LÊ TRÍ THỨC, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Cao Lộc

LSO-Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015 – 2020, với sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn, huyện Cao Lộc đã thực hiện đạt và vượt 20/20 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đã đề ra, trong đó có 11 chỉ tiêu vượt. Kết quả này là động lực để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Cao Lộc tiếp tục cố gắng, phấn đấu phát triển toàn diện, bền vững.


Lãnh đạo huyện Cao Lộc tham quan triển lãm ảnh về thành tựu phát triển
kinh tế – xã hội trên địa bàn huyện trong nhiệm kỳ 2015 – 2020 – Ảnh: THANH HUYỀN       

Trong nhiệm kỳ qua, phát huy những thành tựu đã đạt được trong công cuộc đổi mới đất nước, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Trung Quốc nói chung, giữa tỉnh Lạng Sơn và khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc), giữa huyện Cao Lộc với thị Bằng Tường và huyện Ninh Minh, Quảng Tây (Trung Quốc) nói riêng đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác các tiềm năng, thế mạnh của huyện, nhất là trong lĩnh vực kinh tế cửa khẩu. Vì vậy, kinh tế của huyện tiếp tục ổn định và có bước phát triển khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng  tăng dần, chiếm 55,04% trong cơ  cấu kinh tế.

Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) được huyện chú trọng. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp đến năm 2020 đạt 1.043 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân hằng năm tăng 1,52%. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được quan tâm triển khai thực hiện, một số vùng kinh tế đang từng bước được hình thành và phát huy được tiềm năng thế mạnh như: rau sạch, các loại cây ăn quả, các loại cây lâu năm; vùng thương mại, dịch vụ tại hai thị trấn; vùng công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp dọc quốc lộ 1A, 1B… Kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội khu vực nông thôn được tăng cường đầu tư bằng nhiều nguồn vốn, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới; từng bước xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao. Đến hết năm 2020, bình quân mỗi xã đạt 13 tiêu chí NTM, tăng 7,02 tiêu chí so với năm 2015; trong nhiệm kỳ, huyện có 7 xã đạt chuẩn NTM, đạt 100% chỉ tiêu nghị quyết đề ra.

Hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch có bước phát triển theo hướng tích cực. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ đạt trên 7.000 tỷ đồng, tăng trưởng ngành dịch vụ bình quân hằng năm tăng 5,2%.

Trong nhiệm kỳ qua, huyện đã phát huy được lợi thế trong khu kinh tế cửa khẩu, tích cực, chủ động phối hợp với các sở, ngành của tỉnh hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu, tạo sức thu hút đầu tư, thúc đẩy trao đổi thương mại, dịch vụ, du lịch và xuất, nhập khẩu ngày càng sôi động. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 6 điểm du lịch cấp tỉnh, giới thiệu kết nối 7 tour, tuyến du lịch trong huyện và liên huyện. Tính đến hết năm 2019, lượng khách du lịch qua địa bàn là 980 nghìn lượt khách, doanh thu đạt 99,4 tỷ đồng.

Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, phát triển đô thị và huy động vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội được quan tâm. Năm 2016, thị trấn Đồng Đăng được Bộ Xây dựng công nhận đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV.

Công tác quản lý điều hành ngân sách có hiệu quả. Tốc độ tăng thu trung bình hằng năm là 12,47% (không bao gồm thu phí theo Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐND). Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn cả giai đoạn là 2.090 tỷ đồng, đạt 468,43% so với Nghị quyết Đại hội đề ra. Công tác giáo dục, đào tạo phát triển khá toàn diện, đạt được kết quả quan trọng về quy mô và chất lượng. Công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia được quan tâm chú trọng, dự kiến đến tháng 8/2020 tăng thêm 8 trường, nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia trong toàn huyện lên 22 trường (vượt 2 trường so với chỉ tiêu đề ra).

Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, huyện chú trọng chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh, không để dịch bệnh lớn xảy ra, thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19. Chất lượng khám, chữa bệnh ngày càng nâng lên, nhiều kỹ thuật chuyên môn cao được triển khai thực hiện. Hết năm 2020, huyện có 16/20 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã, đạt 72,7%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95%.

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng NTM, đô thị văn minh đã phát triển sâu rộng, chất lượng ngày càng được nâng cao. Việc thực hiện các chính sách bảo đảm an sinh xã hội được tập trung chỉ đạo triển khai một cách toàn diện, hiệu quả. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 27,8% năm 2015 xuống còn 10,54% năm 2019, trung bình mỗi năm giảm 4,32%, vượt kế hoạch, không còn gia đình chính sách, người có công thuộc hộ nghèo. Số lao động được giải quyết việc làm là 6.401 người, đạt 106,6%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 58%.

Quốc phòng – an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; hoạt động tư pháp, đối ngoại có hiệu quả. Các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa và đối ngoại của Đảng, Nhà nước, của tỉnh và của huyện được bảo vệ tuyệt đối an toàn, không để xảy ra vụ việc phức tạp, đột xuất, bất ngờ.

Công tác xây dựng Đảng có chuyển biến tích cực. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của toàn đảng bộ được nâng lên, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Công tác phát triển đảng viên luôn được quan tâm chú trọng cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu. Trong nhiệm kỳ đã kết nạp được 1.053 đảng viên (vượt 5,3%), nâng tổng số đảng viên toàn đảng bộ huyện lên 5.356 đảng viên.

Bước vào nhiệm kỳ 2020 -2025, Đảng bộ huyện tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc; huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội; đẩy mạnh phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại, du lịch, dịch vụ, tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, trọng tâm là hạ tầng giao thông; thực hiện giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Cao Lộc phát triển nhanh, toàn diện và bền vững.

LÊ TRÍ THỨC