Thứ sáu,  20/09/2024

Phát huy tinh thần chiến thắng Biên giới Thu – Đông 1950 trong công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh Lạng Sơn

HOÀNG VĂN NGHIỆM, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh

LSO-Chiến dịch Biên giới Thu – Đông 1950 là chiến dịch tiến công quy mô lớn đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, khai thông biên giới, mở rộng và củng cố căn cứ địa kháng chiến Việt Bắc. Đây là chiến dịch do Bộ Tổng Tư lệnh tổ chức, chỉ huy; Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng – Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp làm Chỉ huy trưởng kiêm Chính ủy. Đây cũng là chiến dịch duy nhất đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh ra mặt trận trực tiếp chỉ đạo. Trải qua 29 ngày đêm chiến đấu vô cùng quyết liệt, anh dũng và mưu trí của quân và dân ta (từ ngày 16/9 đến ngày 14/10/1950), Chiến dịch Biên giới Thu – Đông 1950 đã giành được thắng lợi to lớn.


Cô và trò Trường THPT huyện Tràng Định tham quan nhà lưu niệm
chiến thắng lịch sử Đường số 4- Ảnh: ĐÌNH QUANG

Với thắng lợi của Chiến dịch Biên giới, cuộc kháng chiến của ta chuyển mạnh từ hình thái chiến tranh du kích tiến lên chiến tranh chính quy, kết hợp chiến tranh chính quy với chiến tranh du kích ở trình độ cao hơn. Chiến dịch Biên giới Thu – Đông 1950 đối với Pháp là một thất bại cay đắng. Giới cầm quyền và tướng lĩnh Pháp cũng phải thừa nhận rằng thất bại của quân đội Pháp ở biên giới Cao Bằng, Lạng Sơn trong Thu – Đông 1950 có ảnh hưởng quyết định đối với nửa cuối cuộc chiến tranh, tình thế cuộc chiến đã thay đổi theo hướng bất lợi cho quân Pháp. Thất bại đó đã làm phá sản âm mưu “khóa chặt biên giới Việt – Trung” hòng cô lập cách mạng Việt Nam với các nước anh em; tuyến phòng thủ Liên khu biên giới Đông Bắc bị xóa bỏ, “Hành lang Đông – Tây” bị chọc thủng, chủ trương phòng thủ Đông Dương theo “Kế hoạch Rơ-ve” của Pháp tiêu tan.

Có thể nói, Chiến dịch Biên giới mở ra và giành được thắng lợi đã đáp ứng kịp thời những yêu cầu cấp thiết về chiến lược, đưa cuộc kháng chiến chuyển sang một thời kỳ mới – thời kỳ ta giành, giữ và phát huy quyền chủ động chiến lược trên chiến trường chính Bắc bộ, liên tục tiến công địch, đánh tiêu diệt với quy mô ngày càng lớn và giải phóng nhiều vùng đất đai quan trọng, tạo được thế trận mới. Chiến thắng Biên giới Thu – Đông 1950 thực sự là bước trưởng thành vượt bậc của Quân đội ta, tạo cơ sở để lực lượng vũ trang ta cùng toàn Đảng, toàn dân giành được thắng lợi to lớn hơn trong giai đoạn tiếp theo của cuộc kháng chiến, mà quan trọng là trong Đông – Xuân 1953 – 1954 với đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ. Thắng lợi của Chiến dịch Biên giới đã chứng minh tính đúng đắn của đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính mà Đảng ta đã vạch ra ngay từ đầu cuộc kháng chiến. Bài học về phát huy nội lực, xây dựng thực lực kháng chiến, xây dựng Quân đội để làm nên Chiến thắng Biên giới vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Lạng Sơn trong Chiến dịch Biên giới Thu – Đông 1950 có vị trí chiến lược hết sức quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, có tính chất đặc biệt quan trọng đối với Chiến dịch Biên giới. Yêu cầu chiến lược của ta lúc này là phá tan âm mưu phong tỏa biên giới phía Bắc của địch, mở đường giao lưu giữa nước ta với các nước anh em để tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ quốc tế. Trong chiến dịch này, ta đã thực hiện thắng lợi trọn vẹn mục tiêu và nhiệm vụ đặt ra là giải phóng hoàn toàn khu vực biên giới từ Cao Bằng đến Lạng Sơn, một địa bàn chiến lược xung yếu, tạo nên một thế trận mới vững chắc. Trong chiến thắng chung của quân và dân cả nước, lực lượng vũ trang và Nhân dân các dân tộc Lạng Sơn, đóng góp sức người, sức của, phối hợp hiệp đồng tác chiến với Trung ương Đảng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong Chiến dịch Biên giới.

Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho đánh thắng”, Nhân dân các dân tộc Lạng Sơn đã tích cực tham gia vào công việc chuẩn bị gấp rút cho cuộc chiến đấu. Chỉ trong một thời gian ngắn, Nhân dân các dân tộc Lạng Sơn đã huy động 290.116 ngày công; mở được hàng trăm ki lô mét đường vận chuyển hàng trăm ngàn tấn đạn dược và lương thực cho chiến dịch đúng địa điểm, thời gian quy định. Không chỉ làm nhiệm vụ vận tải, Nhân dân các dân tộc Lạng Sơn còn làm nhiệm vụ cản trở giao thông địch, đã phối hợp với dân công đào trên 1.000 hố trên đường từ Đồng Đăng đi Na Sầm, đi Thất Khê, đã phá hủy 4 cầu cắt đứt hoàn toàn đường vận chuyển bằng cơ giới của địch từ thị xã Lạng Sơn lên Thất Khê.

Ngày 16/9/1950, hỏa lực ta bắn dồn dập vào cứ điểm Đông Khê, mở màn chiến dịch Biên giới. Khi Đông Khê bị đánh, địch đưa tiểu đoàn Tabo số 3 từ Đồng Đăng lên Thất Khê nhằm ứng cứu cho Đông Khê, nhưng đã bị tiểu đoàn 428 và đại đội 822 (Thoát Lãng) đã chặn đánh địch quyết liệt ở Pắc Luống, phá hủy 4 xe ô tô, diệt 60 tên địch, buộc chúng phải rút về Đồng Đăng. Ngày 17/9/1950, địch lại hành quân từ Đồng Đăng theo đường số 4 nhằm ứng cứu Đông Khê, Tiểu đoàn 888 và Đại đội 820 (Văn Uyên) đã phục kích địch tại Tà Lài (cách Đồng Đăng 6 km), tiêu diệt 2 xe ô tô, 120 tên địch, buộc chúng lại phải rút về Đồng Đăng. Thất bại ở Đông Khê, quân địch phải rút chạy. Tiểu đoàn 888 đã phối hợp với quân chủ lực liên tục truy kích địch từ Bản Trại đến Na Sầm. Đại đội tân binh 983 gồm con em Nhân dân các dân tộc huyện Tràng Định, Thoát Lãng, Bắc Sơn lần đầu tiên xuất trận đã lập chiến công tại Đèo Khách. Lực lượng vũ trang Lạng Sơn đã anh dũng ngày đêm bám đánh địch, truy kích địch trên đường số 4.

Ngoài ra, Nhân dân các dân tộc Lạng Sơn còn đóng góp 200 tấn thóc, gạo, 2.500 tấn ngô, 998 con trâu, 450 con bò và 243 con ngựa, đảm bảo cung cấp đủ lương thực, thực phẩm cho Chiến dịch Biên giới 1950. Những đóng góp về nhân lực, vật lực, tài lực của quân và dân Lạng Sơn trong Chiến dịch Biên giới đã góp phần quan trọng làm nên chiến thắng của Chiến dịch Biên giới Thu – Đông 1950. Quân và dân các dân tộc Lạng Sơn xứng đáng với lời khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bức thư Người gửi đồng bào Cao – Bắc – Lạng ngày 14/10/1950. Ngày 17/10/1950 (ngày thị xã Lạng Sơn được giải phóng trong chiến dịch), đã trở thành ngày hội truyền thống của Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn.

Kể từ ngày Lạng Sơn được hoàn toàn giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc Lạng Sơn với tinh thần Chiến thắng Biên giới 1950 đã đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu đóng góp sức người, sức của, dốc sức chi viện cho tiền tuyến, vừa chiến đấu, vừa xây dựng góp phần đưa sự nghiệp cách mạng tới thắng lợi vẻ vang. Ngày nay, trong công cuộc xây dựng và phát triển toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế – xã hội – quốc phòng an ninh của tỉnh, ý nghĩa và bài học kinh nghiệm cũng như tinh thần cách mạng tiến công của Chiến thắng Biên giới Thu – Đông năm 1950 còn nguyên giá trị, trở thành động lực tinh thần to lớn để Đảng bộ, quân và Nhân dân các dân tộc Lạng Sơn phấn đấu vươn lên trong công cuộc xây dựng quê hương Lạng Sơn đạt nhiều thành tựu mới.


Cô và trò Trường THPT huyện Tràng Định tham quan
di tích lịch sử đường số 4-Ảnh: ĐÌNH QUANG

Phát huy tinh thần Chiến thắng Biên giới Thu – Đông 1950 và thực hiện đường lối đổi mới đất nước của Đảng và Nhà nước ta, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn tiếp tục phát huy truyền thống quê hương cách mạng, nỗ lực phấn đấu vươn lên và đã có những bước tiến quan trọng trên con đường xây dựng và phát triển. Cùng với sự đoàn kết thống nhất, phấn đấu nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Ðảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn đã nêu cao tinh thần khắc phục khó khăn, chủ động, sáng tạo vươn lên đưa Lạng Sơn từ một tỉnh miền núi, kinh tế chậm phát triển, trình độ dân trí thấp, đời sống của Nhân dân các dân tộc còn nhiều khó khăn, đến nay đã trở thành một tỉnh có bước phát triển khá toàn diện trên các lĩnh vực.

Cơ cấu kinh tế đã có bước chuyển dịch tích cực, từng bước khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển; GRDP bình quân đầu người đạt 44,5 triệu đồng. Sản xuất nông, lâm nghiệp và kinh tế nông thôn phát triển có nhiều khởi sắc, hình thành nhiều vùng sản xuất mới hiệu quả; chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới có chuyển biến tích cực, đến nay toàn tỉnh đã có 74 xã đạt chuẩn nông thôn mới (65/181 xã sau sáp nhập), số tiêu chí nông thôn mới bình quân toàn tỉnh đạt 12,7 tiêu chí/xã. Kinh tế cửa khẩu tiếp tục phát triển. Có gần 3.000 doanh nghiệp của cả nước thường xuyên tham gia hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh, tổng kim ngạch xuất khẩu qua địa bàn bình quân hằng năm tăng 6,1%; hoạt động thương mại, dịch vụ tiếp tục đà tăng trưởng khá toàn diện. Kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội từng bước được đầu tư xây dựng, tỷ lệ cứng hóa đường ô tô đến trung tâm xã đạt 82%, đã hoàn thành đưa vào sử dụng nhiều công trình, dự án có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân; bộ mặt đô thị và nông thôn có nhiều khởi sắc. Hoạt động đối ngoại ngày càng mở rộng, có hiệu quả, năng lực hội nhập quốc tế được nâng lên.

Lĩnh vực văn hoá – xã hội, chất lượng giáo dục và đào tạo có nhiều tiến bộ rõ nét, công tác quản lý giáo dục có nhiều đổi mới, đến năm 2020, toàn tỉnh có 225/694 trường đạt chuẩn quốc gia. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ Nhân dân được chăm lo, đến nay đã có 145/200 xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã, đạt 72,6%, có 11 bác sỹ và 30,7 giường bệnh trên 1 vạn dân; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 98%. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá gắn với cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh phát triển sâu rộng, các thiết chế văn hóa ở cơ sở được quan tâm đầu tư, năm 2020 có 77% hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, 78% thôn, bản, khối phố đạt danh hiệu văn hóa. Các mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm được thực hiện quyết liệt; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 25,95% năm 2015 xuống còn 7,89% năm 2020. Phong trào đền ơn đáp nghĩa, công tác bảo đảm an sinh xã hội, chính sách xã hội đối với người có công, chính sách về dân tộc, tôn giáo được thực hiện tốt. Đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, nhất là đồng bào vùng cao, vùng biên giới ngày càng được cải thiện. Quốc phòng – an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững; công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, tội phạm được thực hiện hiệu quả.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tăng cường, khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố vững chắc. Tiếp tục thực hiện tốt công tác chính trị tư tưởng, kịp thời nắm bắt tình hình, định hướng thông tin và dư luận xã hội, tạo sự thống nhất trong Đảng và đồng thuận trong Nhân dân. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên tiếp tục được nâng cao. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp uỷ, chính quyền quyết liệt hơn, tạo được sự lan toả để tổ chức triển khai thực hiện ở các cấp, các ngành; kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường, dân chủ ở cơ sở được mở rộng và phát huy. Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là bí thư cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị về đạo đức, lối sống, tác phong công tác. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội tiếp tục được đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phát huy vai trò của từng tổ chức và các tầng lớp Nhân dân trong giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Hệ thống chính trị không ngừng củng cố vững mạnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 – 2020, trong số 20 chỉ tiêu chủ yếu, đã có 18 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đại hội đề ra. Đến nay, toàn Đảng bộ có trên 746 tổ chức cơ sở đảng, có hơn 64 nghìn đảng viên. Đây thực sự là lực lượng hùng hậu và nòng cốt trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tại địa phương.

Những thành tựu quan trọng và toàn diện đã đạt được về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh trong thời kỳ đổi mới tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, sức mạnh đoàn kết các dân tộc, tình cảm và trách nhiệm với quê hương, đất nước, ý chí vươn lên và tinh thần lao động cần cù, sáng tạo của đồng bào các dân tộc tỉnh Lạng Sơn trong suốt thời gian qua.

Tiếp nối truyền thống cách mạng vẻ vang của quê hương, mặc dù vẫn đang tiếp tục phải đối mặt với không ít khó khăn thách thức, cả khách quan và chủ quan, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn đang nỗ lực phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ của nhiệm kỳ 2015 – 2020, bảo đảm sự phát triển toàn diện và vững chắc hơn trong giai đoạn 2020 – 2025, trọng tâm:

Một là, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp uỷ, tổ chức đảng, không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ; phát huy tốt vai trò nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị. Ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, năng lực chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện của chính quyền các cấp. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân và sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc.

Hai là, Đẩy mạnh khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh: Phát triển mạnh kinh tế cửa khẩu, thương mại, dịch vụ; tập trung phát triển hạ tầng cụm, khu công nghiệp tại các huyện: Cao Lộc, Hữu Lũng, Chi Lăng và những nơi thuận lợi để thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn, ưu tiên công nghiệp chế biến, ứng dụng công nghệ cao; nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế du lịch, đưa du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; phát triển nông nghiệp hiện đại gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, trọng tâm là hạ tầng giao thông, đô thị, nông thôn và công nghệ thông tin. Đẩy mạnh liên kết vùng để khai thác có hiệu quả thế mạnh về vị trí địa lý của tỉnh.

Ba là, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và hợp tác xã. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Có cơ chế, chính sách thiết thực, hiệu quả thu hút các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kinh tế – xã hội.

Bốn là, phát huy bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp, nâng cao đạo đức xã hội, ý thức pháp luật, xây dựng văn hóa và con người Lạng Sơn phát triển toàn diện, hướng đến chân – thiện – mỹ, có khát vọng vươn lên. Tạo điều kiện và môi trường thuận lợi thúc đẩy giảm nghèo nhanh và bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, nhất là các khu vực nông thôn, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn.

Năm là, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác; chủ động thực hiện hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội.

Phát huy truyền thống của quê hương cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn quyết tâm phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng phát triển và giàu mạnh, góp phần tích cực vào sự nghiệp đổi mới, cùng với quân dân cả nước xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

HOÀNG VĂN NGHIỆM