Thứ sáu,  20/09/2024

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đối ngoại góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội

(LSO) – Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, đồng chí Trịnh Tuyết Mai, Giám đốc Sở Ngoại vụ đã trình bày tham luận  “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đối ngoại góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Lạng Sơn”.  Báo Lạng Sơn trân trọng trích đăng nội dung tham luận.

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, đặc biệt là chủ trương hội nhập quốc tế tại Đại hội XII của Đảng, trong nhiệm kỳ 2015-2020, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã đặc biệt chú trọng, chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai tích cực, hiệu quả, đồng bộ, toàn diện trên cả ba trụ cột: đối ngoại Đảng, Ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân nhằm chủ động, tích cực hội nhập, tranh thủ tốt nhất các điều kiện quốc tế thuận lợi, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của một tỉnh biên giới với 231,74 km đường biên giới, là cửa ngõ kết nối Việt Nam, các nước ASEAN và Trung Quốc.

Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký kết phụ lục triển khai phát triển bền vững du lịch giữa tỉnh Lạng Sơn với Viện kỹ nghệ Quốc gia Pháp (CNAM).   Ảnh: HOÀNG CƯỜNG

Trong nhiều năm qua, tỉnh đã luôn quan tâm chú trọng phát triển quan hệ giao lưu hữu nghị, hợp tác với khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây và các địa phương của Trung Quốc; quan hệ truyền thống hữu nghị, hợp tác giữa hai tỉnh – khu đã không ngừng được tăng cường, mở rộng, đi vào chiều sâu và đem lại nhiều lợi ích thiết thực, đạt được nhiều kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại biên giới; đấu nối giao thông đường bộ, mở và nâng cấp cửa khẩu; hợp tác quản lý biên giới, duy trì an ninh, an toàn trật tự, phòng chống tội phạm trên khu vực biên giới; giao thông  – vận tải; khoa học – công nghệ; nông – lâm nghiệp; y tế; giáo dục đào tạo; văn hoá thể thao, du lịch mang lại nhiều lợi ích cho phát triển kinh tế – xã hội, góp phần nâng cao đời sống nhân dân khu vực biên giới hai bên.

Các hoạt động trao đổi đoàn lãnh đạo cấp tỉnh – khu, cấp ngành, cấp huyện và Nhân dân hai bên biên giới thường xuyên được tổ chức nhằm tăng cường hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, thúc đẩy các nội dung hợp tác hai bên ngày càng đạt hiệu quả cao. Tích cực phát huy hiệu quả các hình thức hợp tác, đặc biệt là Chương trình Gặp gỡ đầu Xuân giữa Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Hà Giang (Việt Nam) – Bí thư Khu ủy khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc); cơ chế Hội nghị Ủy ban công tác liên hợp giữa UBND các tỉnh: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Hà Giang (Việt Nam) và chính quyền khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc); cơ chế giao lưu giữa các cơ quan đảng, đoàn thể, giữa các ngành, các huyện thị biên giới: đến nay đã có 5 cặp huyện – thị biên giới ký kết thiết lập quan hệ “huyện – thị hữu nghị quốc tế”, có 12 cặp thôn bản biên giới ký kết thôn bản hữu nghị biên giới; 11 đồn biên phòng ký kết “đồn – trạm hữu nghị, biên giới bình yên”.

Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác với các địa phương khác của Trung Quốc, các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Australia; các tổ chức kinh tế, tài chính quốc tế; các cơ quan đại diện ngoại giao; các tổ chức quốc tế, khu vực tại Việt Nam và nhiều tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài có hoạt động hợp tác triển khai dự án ODA, NGO trên địa bàn tỉnh, tập trung vào lĩnh vực phát triển hạ tầng cơ sở giao thông, nông nghiệp và phát triển nông thôn, y tế, giáo dục, quản lý đất đai, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái, phát triển du lịch bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời quan tâm đầu tư  nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác thông tin đối ngoại; tích cực chủ động hợp tác với các đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản tổ chức được nhiều khóa đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực và chất lượng nguồn nhân lực cho đội ngũ cán bộ chủ chốt của tỉnh trên các lĩnh vực hành chính công, quản lý và phát triển kinh tế địa phương, quản lý đô thị, nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, du lịch bền vững, quy hoạch đô thị…

Để phát huy những kết quả tích cực như trên, tỉnh cần tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đối ngoại góp phần phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong nhiệm kỳ tới như sau:

Thứ nhất, tiếp tục triển khai nhất quán nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện và Nhà nước quản lý thống nhất công tác đối ngoại; phối hợp chặt chẽ giữa ba trụ cột gồm: đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân. Qua đó tạo sức mạnh tổng hợp của tất cả các sở, ban, ngành, sự đồng thuận của Nhân dân trong việc triển khai đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

Thứ hai, cần quyết liệt đổi mới tư duy từ cấp lãnh đạo cho tới cán bộ tham mưu tại địa phương về hội nhập quốc tế phục vụ phát triển. Nhận thức sâu sắc hơn về vai trò của hợp tác quốc tế đối với phát triển kinh tế – xã hội của địa phương trong thời kỳ mới. Vừa có “tư duy toàn cầu” để nắm và hiểu những thay đổi của xu thế quốc tế và thực tiễn hội nhập quốc tế của nước ta, vừa nhận thức rõ hơn giá trị cốt lõi và thế mạnh của địa phương và tích cực tìm kiếm giải pháp để nâng cao chất lượng và thương hiệu sản phẩm, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp địa phương.

Thứ ba, cần đề ra nhiều chủ trương, chính sách, kế hoạch dài hạn, trung hạn, hàng năm về hội nhập quốc tế và đối ngoại đồng bộ, toàn diện trên các phương diện đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân và trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, an ninh quốc phòng, quản lý thống nhất hoạt động đối ngoại trên địa bàn tỉnh, đồng thời tăng cường chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, huyện, thành phố triển khai nhiều giải pháp đổi mới nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại của tỉnh. Những công tác cụ thể bao gồm: đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm thúc đẩy xuất khẩu, thu hút có chọn lọc nguồn vốn FDI, tranh thủ nguồn vốn ODA và NGO; khai thác hiệu quả hợp tác cấp địa phương với các đối tác, doanh nghiệp nước ngoài, qua đó mở rộng thị trường, tranh thủ các nguồn lực về vốn, công nghệ, kỹ năng quản lý, quản trị địa phương.

Thứ tư, tiếp tục duy trì và phát triển quan hệ hữu nghị hiệu quả, thực chất với khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây và một số địa phương của Trung Quốc, hợp tác triển khai tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và tổ chức thực hiện tốt các văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc. Triển khai thực hiện các Đề án phát triển quan hệ cấp địa phương với các đối tác chiến lược trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Australia; cụ thể hóa hiệu quả các nội dung thỏa thuận hợp tác quốc tế đã được ký kết; thúc đẩy thiết lập và duy trì quan hệ cấp địa phương với các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, một số nước Châu Âu; đổi mới phương thức phát triển quan hệ hợp tác với các cơ quan, tổ chức kinh tế, tài chính quốc tế và khu vực; phương thức xúc tiến vận động, thu hút vốn FDI, ODA, NGO vào tỉnh; xúc tiến thu hút các nguồn lực đầu tư vào Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn, các khu, cụm công nghiệp của tỉnh; tích cực tìm kiếm đối tác, thị trường cho các sản phẩm nông lâm sản chủ lực của tỉnh.

Thứ năm, xây dựng và triển khai hiệu quả kế hoạch thực hiện Chiến lược ngoại giao văn hóa và Chiến lược thông tin tuyên truyền đối ngoại trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung hoàn thiện và cụ thể hóa thành kế hoạch hành động, quảng bá hình ảnh địa phương ra thế giới, từng bước xây dựng thương hiệu địa phương, thương hiệu ngành nghề và sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm). Thường xuyên đổi mới công tác xây dựng phát hành các tài liệu, ấn phẩm thông tin đối ngoại chất lượng, quảng bá, giới thiệu, xúc tiến đầu tư, có dịch sang các thứ tiếng: Anh, Trung, Nhật, Hàn, Pháp, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin về tỉnh của các đối tác quốc tế.

Thứ sáu, tăng cường hơn nữa sự phối hợp chặt chẽ quốc phòng – an ninh – đối ngoại trong việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định khu vực biên giới để phát triển và bảo vệ vững chắc chế độ xã hội chủ nghĩa.

Thứ bảy, chú trọng và tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo tình hình quốc tế và khu vực có ảnh hưởng đến tiến trình hội nhập quốc tế và quan hệ đối ngoại của tỉnh, đặc biệt việc nắm bắt xu hướng hợp tác quốc tế, chính sách hợp tác quốc tế, phát triển kinh tế đối ngoại của đối tác chiến lược để có định hướng chỉ đạo, kế hoạch, lựa chọn đối tác triển khai phù hợp. Tăng cường trao đổi, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đối với việc nghiên cứu, đánh giá sâu về tiềm năng, thế mạnh, điểm tương đồng của tỉnh và đối tác, lựa chọn đối tác, cung cấp thông tin, tiếp xúc, vận động thiết lập quan hệ hợp tác quốc tế, tìm kiếm các nội dung có tiềm năng hợp tác cụ thể, trọng tâm, trọng điểm, mang lại lợi ích thiết thực về mặt kinh tế và xã hội. Đồng thời bảo đảm yêu cầu về phát triển bền vững và an ninh quốc phòng; kiểm tra, đánh giá hiệu quả các chương trình hợp tác quốc tế và công tác quản lý, bảo vệ biên giới lãnh thổ quốc gia.

Thứ tám, chủ động, tích cực, kiên trì trong việc kết nối, tiếp xúc, duy trì quan hệ, vận động, đàm phán hợp tác, viện trợ với các đối tác nước ngoài, phát huy tối đa mọi kênh thông tin, đặc biệt tranh thủ sự quan tâm, hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương, các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài trong việc kết nối, thiết lập quan hệ với các cơ quan, tổ chức, địa phương, doanh nghiệp nước ngoài. Kịp thời phối hợp chặt chẽ, cung cấp thông tin cần thiết phục vụ cho việc xem xét các đề xuất, dự án hợp tác quốc tế. Duy trì và khai thác hiệu quả hợp tác với các đối tác, doanh nghiệp đã có quan hệ, đồng thời tích cực tìm hiểu, xây dựng các quan hệ hợp tác mới; chú trọng đảm bảo quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia trong triển khai các hoạt động đối ngoại.

Thứ chín, bố trí nguồn lực và tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế tại các cơ quan, đơn vị trong tỉnh; chủ động, tích cực kết nối với các cục, vụ chuyên môn của Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao và các đối tác nước ngoài của tỉnh tổ chức và vận động tài trợ các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về đối ngoại, hội nhập quốc tế, vận động, đàm phán, triển khai hợp tác quốc tế và bồi dưỡng trình độ ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.