Thứ sáu,  20/09/2024

Nhất thể hóa chức danh các phòng, ban: Góp phần nâng cao trách nhiệm cán bộ

– Thực hiện Nghị quyết 18- NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, bên cạnh việc sáp nhập các cơ quan, đơn vị hành chính, các cấp ủy trên địa bàn tỉnh đã thực hiện chủ trương nhất thể hóa chức danh. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực, rèn luyện cán bộ, phát huy trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

   Những kết quả tích cực

Thực hiện Nghị quyết 18 và Kết luận số 34-KL/TW của Bộ Chính trị, ngày 7/8/2018 về thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết 18, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn đã ban hành Công văn số 1174-CV/TU, ngày 5/12/2018 về việc triển khai thực hiện thí điểm theo Kết luận số 34. Theo đó, nhất trí việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, kiêm nhiệm chức danh người đứng đầu một số cơ quan đơn vị. Đồng thời, quán triệt chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị thực hiện chủ trương tại những nơi đảm bảo các điều kiện. Bám sát chủ trương, định hướng, các huyện ủy, thành ủy trực thuộc đã chủ động xây dựng kế hoạch và bắt đầu triển khai từ năm 2018.

Các đại biểu dự hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Bắc Sơn lần thứ tư, nhiệm kỳ 2020 – 2025

Tại Bắc Sơn, để triển khai tốt chủ trương này, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Kế hoạch số 70-KH/HU ngày 16/3/2018 về thực hiện Nghị quyết 18, trong đó xác định đây là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác tổ chức xây dựng Đảng. Ông Hoàng Văn Hồng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy cho biết: Thường trực Huyện ủy chỉ đạo tiến hành rà soát chức năng, nhiệm vụ các cơ quan chuyên môn thuộc UBND có tương đồng về chức năng, nhiệm vụ để nghiên cứu hợp nhất phù hợp với điều kiện thực tế. Đồng thời rà soát đội ngũ cán bộ, tính toán phương án nhân sự, làm tốt công tác tư tưởng với cán bộ, đảng viên… Bắt đầu từ việc thực hiện kiêm nhiệm chức danh Trưởng Ban Tuyên giáo kiêm Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện (năm 2018), đến nay, huyện đã thực hiện nhất thể hóa các chức danh: Trưởng Ban Tổ chức – Trưởng phòng Nội vụ, Trưởng Ban Dân vận – Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ).

Cùng với Bắc Sơn, các huyện ủy, thành ủy đã đẩy mạnh thực hiện chủ trương và đạt kết quả quan trọng. Hiện toàn tỉnh có 11/11 đơn vị nhất thể hóa được 2 chức danh Trưởng Ban Tuyên giáo – Giám  đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị và Trưởng Ban Dân vận – Chủ tịch Ủy ban MTTQ. Bên cạnh đó, đã có 5/11 đơn vị thực hiện kiêm chức Trưởng Ban Tổ chức – Trưởng phòng Nội vụ, 3/11 đơn vị thực hiện mô hình Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra – Chánh Thanh tra và 1 đơn vị kiêm nhiệm Chánh Văn phòng Huyện ủy – Chánh Văn phòng HĐND và UBND (Hữu Lũng).

Qua 3 năm triển khai, việc nhất thể hóa chức danh các phòng, ban đã đi đúng chủ trương định hướng của Trung ương và của tỉnh.

   Hiệu quả kép

Việc thực hiện nhất thể hóa chức danh mang lại “hiệu quả kép” đối với hệ thống chính trị. Trước hết từ việc giảm được đầu mối cấp trưởng các ban, ngành, góp phần xây dựng bộ máy gọn nhẹ, hiệu quả. Cụ thể, tính đến nay, sau thực hiện kiêm nhiệm đã giảm được 31 chức danh người đứng đầu các ban, ngành cấp huyện.

Qua kiêm nhiệm chức danh đã khắc phục sự cồng kềnh, chồng chéo công việc. Với vai trò vừa là người đứng đầu ban Đảng vừa là đứng đầu cơ quan chính quyền, việc truyền tải các chủ trương, nghị quyết sang tổ chức, thực hiện nhiệm vụ được rút ngắn, công tác tham mưu đảm bảo chặt chẽ, giảm bớt nhiều khâu trung gian so với trước đây.

Đồng thời, việc thực hiện chủ trương cũng đề cao trách nhiệm người đứng đầu, góp phần rèn luyện, nâng cao năng lực, phát huy tính năng động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành công việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền.

Thực tế cho thấy: để đảm nhiệm được vị trí mà cấp ủy đảng giao phó, cán bộ phải hội tụ đủ các yếu tố năng lực, uy tín, sự tâm huyết và trách nhiệm trong công tác quản lý, giải quyết công việc. Bà Dương Lệ Mỹ, Trưởng Ban Dân vận kiêm Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Văn Lãng cho biết: Với chức trách, nhiệm vụ mới, bản thân tôi phải nỗ lực hết mình, làm tròn trách nhiệm, xác định rõ “vai” để  giao việc cho cấp dưới cũng như giải quyết việc thuộc thẩm quyền của mình. Cùng đó, để cấp trưởng kiêm nhiệm tốt, các đồng chí cấp phó và đội ngũ cán bộ cũng phải nỗ lực để cùng hoàn thành công việc.

Theo đánh giá của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, sau 3 năm triển khai, việc kiêm nhiệm chức danh các ban, phòng cấp huyện đã ghi nhận những kết quả tích cực. Qua đó, xuất hiện những đơn vị mạnh dạn, tiên phong thí điểm và triển khai đồng bộ, điển hình như: Văn Lãng, Bắc Sơn, thành phố Lạng Sơn. Về cơ bản, các cán bộ kiêm nhiệm đều phát huy vai trò, trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu công việc đặt ra trên cương vị công tác mới.

Hiện nay, các huyện ủy, thành ủy đang nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của cán bộ thực hiện kiêm nhiệm để từng bước gỡ khó, duy trì mô hình. Đồng thời, chủ động rà soát, xây dựng phương án thực hiện mô hình tại những đơn vị đảm bảo đủ điều kiện trong thời gian tới.


Ghi nhận từ thực tiễn cơ sở

– Việc thực hiện chủ trương nhất thể hóa chức danh đã và đang được triển khai tại các Đảng ủy trực thuộc. Từng đơn vị đã nghiên cứu kỹ tình hình thực tế, không áp đặt cứng nhắc, đảm bảo khi nhất thể hóa luôn đúng người, đúng việc. Qua một thời gian thực hiện có thể thấy chủ trương này bước đầu đem lại những kết quả tích cực.

Đồng chí Đinh Hữu Học, Bí thư Huyện uỷ Chi Lăng: “Nhân sự là yếu tố quyết định”.

Ngay khi có chỉ đạo của cấp trên, Huyện ủy Chi Lăng đã nỗ lực thực hiện nội dung nhất thể hóa chức danh khối Đảng, đoàn thể. Đến nay, huyện đã thực hiện nhất thể hóa 3 chức danh: Trưởng Ban Tuyên giáo kiêm Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị, Trưởng Ban Dân vận kiêm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra kiêm Chánh Thanh tra.

Để thực hiện chủ trương này, nhân sự là yếu tố quan trọng nhất. Theo đó, Thường trực Huyện uỷ đã cân nhắc, lựa chọn nhân sự tiêu biểu để thực hiện nhất thể hoá chức danh. Các đồng chí kiêm nhiệm đều là những người đã có kinh nghiệm, lại từng là cán bộ luân chuyển đi cơ sở, trải qua nhiều vị trí công tác nên có thể đảm đương. Khi thực hiện nhất thể hoá chức danh, cán bộ đảm đương phải làm việc nhiều hơn, tăng áp lực, vì vậy, họ phải sắp xếp, bố trí thời gian và lịch công tác thật hợp lý, khoa học để đảm bảo hiệu quả.

Qua một thời gian thực hiện, Ban Thường vụ Huyện ủy đánh giá các cán bộ kiêm nhiệm đều đảm đương tốt công việc được giao, năng lực chuyên môn ngày càng được nâng lên, việc thực hiện tham mưu cho cấp ủy, chính quyền luôn kịp thời, đáp ứng nhu cầu. Đây cũng là cơ hội để cán bộ thể hiện năng lực của bản thân khi được rèn luyện ở môi trường công tác chịu áp lực cao.

Đồng chí Vy Minh Long, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Cao Lộc: “Chức năng, nhiệm vụ quy về một mối”.

Từ ngày 1/2/2018, tôi giữ chức Trưởng Ban Tuyên giáo kiêm Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị  huyện Cao Lộc. Việc kiêm nhiệm tạo thuận lợi trong chỉ đạo, điều hành, công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng kế hoạch, giờ thu về một mối, nhiều thủ tục của trung tâm đã lược bớt, không phải thông qua Ban Tuyên giáo như trước đây.

Bên cạnh đó, các chủ trương, chỉ đạo của cấp ủy được tôi lĩnh hội và triển khai ngay, không phải qua khâu trung gian như trước. Tôi cũng tự thấy mình cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, sắp xếp công việc khoa học, hợp lý. Không chỉ vậy, việc nhất thể hóa 2 chức danh này còn tạo thuận lợi trong chỉ đạo, điều hành, tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với công tác bồi dưỡng, giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở. Việc phối hợp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng chính trị thuận lợi hơn, vai trò, trách nhiệm của cấp ủy được phát huy.

PHƯƠNG DUNG - THANH MAI