Thứ sáu,  20/09/2024

Lạng Sơn hướng về ngày kỷ niệm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

– Ngày 7/5/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ của quân và dân ta đã giành thắng lợi, buộc thực dân Pháp phải đặt bút ký vào hiệp định Geneva chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược ở Việt Nam và Đông Dương. Dù cuộc chiến đã đi qua được 67 năm nhưng giá trị và bài học lịch sử để lại vẫn còn nguyên vẹn trong lòng mỗi người dân Việt Nam nói chung và Lạng Sơn nói riêng.

Tháng 12/1953, Bộ Chính trị thông qua phương án mở chiến dịch Điện Biên Phủ của Tổng Quân ủy, đồng chí Võ Nguyên Giáp được chỉ định trực tiếp làm Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy chiến dịch. Lạng Sơn khi đó đã được giải phóng nhờ chiến thắng của Chiến dịch Biên giới. Sau giải phóng, Lạng Sơn trở thành hậu phương cùng cả nước chi viện cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, cả nước dồn sức cho chiến trường Điện Biên Phủ, trong đó có Lạng Sơn.

Cán bộ Thư viện tỉnh (bên phải) giới thiệu sách về chiến thắng Điện Biên Phủ cho bạn đọc

Khắp các địa phương trong tỉnh, từ vùng thấp đến vùng cao, đồng bào các dân tộc đã nô nức tham gia tiếp lương, tải đạn phục vụ chiến dịch. Khi chiến dịch Điện Biên Phủ nổ ra, rất nhiều chiến sĩ của Lạng Sơn đã có mặt trên khắp các mặt trận nóng bỏng, anh dũng chiến đấu lập nhiều chiến công xuất sắc, góp phần xương máu của mình vào thắng lợi chung của toàn dân tộc.

Ông Hoàng Thắng Lợi, sinh năm 1918, cán bộ tiền khởi nghĩa (phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn) bồi hồi nhớ lại: Ở Lạng Sơn lúc đó, ai ai cũng hăng hái lao động, sản xuất tạo ra lương thực thực phẩm để chi viện cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Đặc biệt là đội ngũ thanh niên đủ tuổi đều hăng hái đăng ký lên đường nhập ngũ cầm súng bảo vệ Tổ quốc. Khi được tin chiến thắng, ai nấy đều vui mừng, khắp nơi mọi người đều hò reo.

Cuốn “Địa chí Lạng Sơn” cũng ghi chép lại những đóng góp của quân dân Lạng Sơn cho chiến dịch Điện Biên Phủ như: toàn tỉnh đã huy động được 45 tấn thực phẩm, 5.300 tấn lương thực, đóng góp 200.000 ngày công làm đường vận chuyển hàng nghìn mét khối gỗ mở đường, xây dựng binh trạm phục vụ chiến dịch; xây dựng, củng cố lực lượng vũ trang với 5 đại đội độc lập, 700 tân binh được tuyển mới, huấn luyện bổ sung cho các đơn vị tham gia chiến dịch, mở được 40 lớp huấn luyện quân sự cho hơn 4.000 dân quân du kích ở hầu khắp các địa phương dọc đường số 1, số 4 như thị xã Lạng Sơn (nay là thành phố Lạng Sơn), Cao Lộc…

Cán bộ Thư viện tỉnh sắp xếp sách về chiến thắng Điện Biên Phủ phục vụ trưng bày

Chiến tranh đã lùi xa nhưng để nhắc nhớ, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc cho Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, nhiều đơn vị trên địa bàn tỉnh đã có những giải pháp tích cực. Tiêu biểu như Thư viện tỉnh đang lưu trữ hơn 100 đầu sách về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ gồm các thể loại như: sách chuyên khảo, hồi ký, truyện tranh… Bà Hoàng Thị Thanh Thủy, Trưởng Phòng Thông tin thư mục, Thư viện tỉnh cho biết: Hằng năm, đến ngày kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc, chúng tôi đều tham mưu cho lãnh đạo thư viện tổ chức trưng bày sách có liên quan nhằm giới thiệu, nâng cao hiểu biết của độc giả, trong đó có chiến dịch Điện Biên Phủ. Đơn cử, năm 2021, chúng tôi đã trưng bày hơn 200 quyển sách, ảnh về chiến thắng Điện Biên Phủ.

Không riêng việc lưu trữ và trưng bày sách của Thư viện tỉnh,  lịch sử về chiến dịch Điện Biên Phủ còn được các trường học trên địa bàn tỉnh giáo dục cho các thế hệ học sinh thông qua những bài học trên lớp. Cô Hà Thị Hiệp, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Việt Bắc, thành phố Lạng Sơn cho biết: Thời gian qua, để công tác giáo dục lịch sử có hiệu quả, nhà trường đã chỉ đạo đội ngũ giáo viên chuyên môn đẩy mạnh giáo dục về lịch sử nói chung và chiến thắng Điện Biên Phủ nói riêng. Bên cạnh đó, chúng tôi còn tổ chức tuyên truyền trong các hoạt động của nhà trường.

Năm tháng qua đi nhưng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ mãi mãi là niềm tự hào và là nguồn sức mạnh cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trên chặng đường mới

TUYẾT MAI - HOÀNG HIẾU