Thứ sáu,  20/09/2024

Tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của báo chí cách mạng Việt Nam *

LTS- Tại lễ trao giải báo chí tỉnh Lạng Sơn lần thứ I năm 2021 và gặp mặt  kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam do UBND tỉnh tổ chức ngày 19/6, thay mặt  lãnh đạo tỉnh, đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã có bài phát biểu quan trọng. Báo Lạng Sơn trân trọng trích đăng nội dung bài phát biểu của đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh.

Ngày 21/6/1925, Báo Thanh niên – Cơ quan của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã ra số đầu tiên, đánh dấu sự ra đời của báo chí cách mạng Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Ðảng và Bác Hồ, Báo Thanh niên và lớp lớp thế hệ các nhà báo vô sản đầu tiên đã dũng cảm, tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam, tạo bước khởi đầu rất quan trọng về mặt chính trị, tư tưởng cho sự ra đời của Ðảng Cộng sản Việt Nam năm 1930, góp phần tập hợp lực lượng quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng và lực lượng nòng cốt là Việt Minh đã nổi dậy, làm nên Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, giành chính quyền về tay Nhân dân, lập nên Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong các cuộc kháng chiến vĩ đại giữ nền độc lập dân tộc, nhiều thế hệ nhà báo không ngại gian khổ, hy sinh “nếm mật nằm gai” ở chiến khu, trực tiếp có mặt ở tuyến đầu khói lửa để phản ánh kịp thời khí thế chiến đấu, cổ vũ quân và dân ta đoàn kết đánh đuổi ngoại xâm; những tờ báo bí mật của cách mạng “len lỏi” giữa Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn đã góp sức làm nên Ðại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Hòa bình lập lại, báo chí cả nước tiếp tục thực hiện xuất sắc vai trò chuyển tải đường lối cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới đến với các tầng lớp Nhân dân ở mọi miền đất nước; phản ánh thực tiễn phong phú, sáng tạo của từng địa phương, từng lĩnh vực, từng cấp, từng ngành; chỉ ra các khó khăn, bất hợp lý, những “điểm nghẽn” trong đời sống kinh tế – xã hội cần phải được nghe, quan tâm thực sự, góp phần giải quyết kịp thời những bức xúc về kinh tế – xã hội; cổ vũ, động viên những điển hình sáng tạo, nhân tố mới, mô hình, cách làm hay, biểu dương người tốt, việc tốt gắn với tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch; tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, những biểu hiện suy thoái về đạo đức lối sống của một số cán bộ, đảng viên. Các thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại mà đất nước ta đạt được trong những năm qua đều có sự đóng góp quan trọng của báo chí cách mạng và lớp lớp các thế hệ nhà báo, phóng viên, biên tập viên…

Phóng viên các cơ quan báo chí phỏng vấn Đại biểu tham dự Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.  Ảnh: TRÍ DŨNG

Cùng với sự phát triển của đất nước, trong những năm qua, tỉnh Lạng Sơn đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội: kinh tế tiếp tục phát triển ổn định; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; các lĩnh vực văn hóa – xã hội có bước phát triển, an sinh xã hội được quan tâm, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao; quốc phòng, an ninh được củng cố vững chắc; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững, quan hệ đối ngoại được mở rộng. Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được củng cố; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của toàn Đảng bộ được nâng lên; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động. Có được những kết quả đó là nhờ sự phấn đấu nỗ lực không ngừng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, trong đó có sự đóng góp quan trọng của đội ngũ những người làm báo từ trung ương đến địa phương.

Báo chí đã tiếp cận và phản ánh các sự kiện, đề tài bằng cách nhìn đa chiều, góp phần chuyển tải thông tin kịp thời, mang lại hiệu ứng xã hội tích cực và trở thành kênh thông tin thu hút sự quan tâm rộng rãi của người dân trong và ngoài tỉnh. Thông qua báo chí, nhiều chương trình phát triển kinh tế – xã hội lớn của tỉnh đã lan tỏa, tạo được sự đồng thuận trong xã hội, được nhiều địa phương trong cả nước và ban bè nước ngoài quan tâm, hợp tác, chia sẻ. Cũng thông qua báo chí, người dân có nhiều cơ hội để phát triển kinh tế, làm giàu tri thức, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Báo chí cũng góp phần đưa ra “ánh sáng” để đấu tranh, từng bước loại bỏ các hạn chế, tiêu cực trong xã hội. Sau mỗi vụ việc báo chí nêu, tỉnh đã chỉ đạo nắm bắt tình hình, đồng thời có những giải pháp kịp thời xử lý những vấn đề nổi cộm, bức xúc trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, củng cố niềm tin của người dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của chính quyền các cấp.

Xác định vai trò, vị trí và đóng góp quan trọng của báo chí, tỉnh Lạng Sơn đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, chương trình, kế hoạch cụ thể để tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí hoạt động. Đặc biệt là việc tổ chức Giải báo chí tỉnh Lạng Sơn lần thứ I – năm 2021 với mong muốn động viên, cổ vũ phong trào thi đua lao động sáng tạo của những người làm báo, từ đó phát hiện, bồi dưỡng những tài năng báo chí trong tỉnh, ghi nhận và tôn vinh những đóng góp to lớn của các tập thể, cá nhân trong xây dựng và phát triển sự nghiệp báo chí của tỉnh.

Phóng viên Đài PTTH Lạng Sơn phỏng vấn công nhân Công ty TNHH Bảo Long.  Ảnh: CÔNG QUÂN

Đây là năm đầu tiên tỉnh Lạng Sơn tổ chức Giải báo chí quy mô cấp tỉnh và đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng, tham gia nhiệt tình của các nhà báo, cộng tác viên công tác ở các cơ quan báo chí trung ương và địa phương. Nội dung của các tác phẩm báo chí tham gia rất phong phú, trong đó nhiều tác phẩm có chất lượng cao, tập trung phản ánh sinh động, khách quan, chân thực về các thành tựu, mô hình tiêu biểu, cách làm đột phá, sáng tạo trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội; phục vụ tích cực đời sống tinh thần của người dân Lạng Sơn, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đông đảo các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Hội đồng Giải báo chí và các bộ phận giúp việc đã tổ chức Giải nghiêm túc, bài bản, chuyên nghiệp, khách quan và công tâm, thực hiện các khâu tuyển chọn, thẩm định kỹ lưỡng các tác phẩm. Qua đó, đã lựa chọn được các tác phẩm chất lượng, có nội dung giá trị, hình thức thể hiện hấp dẫn, có sức lan tỏa cao, đóng góp tích cực vào sự tiến bộ của xã hội.

Ðất nước ta và tỉnh Lạng Sơn đang bước vào thời kỳ phát triển mới với những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Đối với hoạt động báo chí, truyền thông, sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang làm thay đổi phương thức tiếp nhận thông tin của công chúng; báo chí đang đứng trước thách thức từ áp lực của truyền thông xã hội, mạng xã hội; các thế lực thù địch đang tăng cường các âm mưu và hành động chống Ðảng, Nhà nước và chế độ ta…

Ðể thực hiện tốt nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vẻ vang của báo chí cách mạng trong thời gian tới, trước hết, đội ngũ những người làm báo Lạng Sơn cần tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của báo chí cách mạng và những thành tựu đạt được, tập trung khắc phục những hạn chế, yếu kém trong hoạt động báo chí, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trọng tâm là thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước, của tỉnh. Báo chí cần chú trọng tuyên truyền về mặt tốt, mặt tích cực, những điển hình tiên tiến, nhân rộng các phong trào thi đua yêu nước gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh để lan tỏa những giá trị tốt đẹp, tạo niềm tin, sự phấn khởi, lạc quan trong xã hội, tạo động lực tinh thần thúc đẩy công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước ngày càng tốt đẹp hơn. Nhất là đẩy mạnh tuyên truyền xây dựng động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước được Đại hội XIII của Đảng xác định là “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

Hai là, báo chí cần thực hiện tốt hơn nữa, chính xác hơn nữa việc phát hiện và phê phán mạnh mẽ những biểu hiện quan liêu, tham nhũng, lãng phí, các tiêu cực và tệ nạn xã hội, góp phần tích cực ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị và đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Báo chí của chúng ta phải luôn là lực lượng nòng cốt, quan trọng trong đấu tranh phản bác các quan điểm, các thông tin sai trái, vu khống, xuyên tạc sự thật, những thông tin gây hoang mang dư luận, làm phức tạp tình hình của các thế lực thù địch.

Ba là, lãnh đạo các cơ quan báo chí của tỉnh, Hội Nhà báo tỉnh cần quan tâm hơn nữa đến công tác giáo dục chính trị, tư tưởng để người làm báo nhận thức sâu sắc về việc làm báo là làm cách mạng, người làm báo là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng – văn hóa; thường xuyên cập nhật chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng làm báo cho phóng viên, hội viên bằng nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với điều kiện thực tế; nâng cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của phóng viên, hội viên; tiếp tục thực hiện tốt Luật Báo chí, quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.

Bốn là, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, xu hướng phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và truyền thông đòi hỏi đội ngũ nhà báo phải nhanh chóng tiếp cận với công nghệ truyền thông mới, phương pháp làm báo mới. Báo chí dưới mọi hình thức đều phải nhanh nhạy, cập nhật công nghệ mới, mở rộng các hình thức, kênh tiếp cận công chúng, vừa kịp thời nắm bắt tình hình, vừa đưa tin và định hướng dư luận. Khi có vấn đề phức tạp, nhạy cảm, gây bức xúc dư luận, phải thông tin kịp thời đến các cơ quan chức năng để thống nhất định hướng xử lý và cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cho người dân.

Năm là, qua việc tổ chức Giải báo chí tỉnh Lạng Sơn lần thứ I, Hội đồng Giải báo chí cần rút ra những kinh nghiệm để việc tổ chức Giải báo chí của tỉnh những năm tiếp theo được tốt hơn. Cần tuyên truyền sâu rộng hơn nữa, thu hút ngày càng nhiều tác phẩm báo chí xuất sắc; có hình thức tôn vinh và động viên, khen thưởng kịp thời, xứng đáng đối với những nhà báo dũng cảm, kiên định, sáng tạo, có những tác phẩm tốt cả về nội dung tư tưởng và hình thức thể hiện. Phát huy, nhân rộng ảnh hưởng và giá trị xã hội của Giải Báo chí tỉnh Lạng Sơn, góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng khoa học, hiện đại và chuyên nghiệp.

*Tiêu đề do tòa soạn đặt

Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh