Thứ sáu,  20/09/2024

Thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở: Tạo đồng thuận, thúc đẩy phát triển

  – Đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Thông qua việc thực hiện QCDC, Nhân dân được thông tin, bàn thảo nhiều vấn đề quan trọng, qua đó tạo đồng thuận, củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương.

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, từ năm 2016 đến nay, cấp ủy, chính quyền, ban chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở các cấp đã ban hành gần 1.200 văn bản liên quan đến việc đẩy mạnh thực hiện QCDC ở cơ sở, nổi bật là Chỉ thị 27 – CT/TU ngày 26/2/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục tăng cường lãnh đạo xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở. Để QCDC được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, hằng năm các cơ quan, đơn vị thường xuyên kiện toàn ban chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên và ban hành kế hoạch thực hiện quy chế tại cơ quan, đơn vị mình. Theo đó, QCDC được cụ thể hóa và thực hiện ở ba loại hình: dân chủ ở xã, phường, thị trấn; dân chủ trong cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và dân chủ tại nơi làm việc.

Người dân xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng tìm hiểu thông tin tại trụ sở UBND xã

Song song với đó, người dân phát huy quyền dân chủ qua các cuộc đối thoại trực tiếp theo Quyết định số 320-QĐ/TU, ngày 13/6/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Quy chế đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Nhân dân. Theo đó, các huyện ủy, thành ủy đã tổ chức và chỉ đạo các xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch đối thoại. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức được gần 800 cuộc đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với người dân, qua đó, giải quyết được 70 đến 80% vụ việc từ cơ sở, tạo môi trường dân chủ, cởi mở và củng cố niềm tin trong Nhân dân.

Ông Lưu Văn Hòa, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Vạn Thủy, huyện Bắc Sơn cho biết: Mỗi năm, xã tổ chức 2 cuộc đối thoại, mỗi cuộc đối thoại ghi nhận từ 9 đến 12 ý kiến của người dân phản ánh, kiến nghị các vấn đề liên quan đến đất đai, rừng, vệ sinh môi trường, nguồn vốn hỗ trợ sản xuất… Đối thoại là kênh thông tin quan trọng để cấp ủy, chính quyền xã nắm bắt cụ thể tâm tư của người dân cũng như kịp thời xử lý nhiều vụ việc từ cơ sở.

Bên cạnh việc đẩy mạnh thực hiện QCDC ở xã, phường, thị trấn, các cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện QCDC theo quy định. Từ năm 2016 đến nay, 100% cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức; trên 70% doanh nghiệp tổ chức hội nghị người lao động.

Qua các hội nghị, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được thông tin các nội dung kế hoạch công tác, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, công khai các nguồn quỹ… Ông Đinh Đức Quế, người lao động của Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng giao thông Lạng Sơn cho biết: Hằng năm, qua hội nghị người lao động tại công ty, chúng tôi được phổ biến các chủ trương, chính sách, đóng góp ý kiến bổ sung, chỉnh sửa quy chế, quy định. Trong công ty, việc thực hiện các chế độ với người lao động luôn công bằng, dân chủ. Vì thế, chúng tôi yên tâm làm việc, phát huy tối đa năng lực góp phần nâng cao hiệu quả công việc được giao.

Từ việc triển khai đồng bộ các giải pháp, việc thực hiện QCDC tại các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực và góp phần quan trọng vào thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh từ cơ sở.

“Thực hiện hướng dẫn, chỉ đạo của trung ương và của tỉnh, Đảng ủy Bưu điện tỉnh chỉ đạo bưu điện các cấp thực hiện nghiêm quy chế dân chủ tại nơi làm việc. Theo đó, các đơn vị đã đảm bảo người lao động được tham gia ý kiến sửa đổi, bổ sung bảng lương, định mức lao động, đề xuất thực hiện giải pháp tiết kiệm chi phí… Bên cạnh đó, đảng ủy chỉ đạo các đơn vị tổ chức hội nghị người lao động trong quý I hằng năm, thực hiện đối thoại định kỳ để lấy ý kiến người lao động.

Một trong những điểm nổi bật của ngành Bưu điện là thực hiện văn hóa doanh nghiệp. Theo đó, với hình thức trực tuyến, người lao động có thể liên lạc trực tiếp với cấp trên để yêu cầu giải đáp thắc mắc, kiến nghị… Đây là không gian để trao đổi, chia sẻ tâm tư, tình cảm, kiến thức chuyên môn, tạo sự gắn kết và sức mạnh tập thể, thu hẹp khoảng cách giữa người lao động và đội ngũ lãnh đạo, tạo sự đồng thuận và phát huy tối đa sức mạnh tập thể”.

Bà Phạm Thị Thanh Xuân, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bưu điện tỉnh Lạng Sơn

Với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, Nhân dân nắm bắt được đầy đủ các chủ trương, chính sách, kế hoạch, từ đó, tham gia bàn thảo, đóng góp công sức chung tay thực hiện và thực hiện giám sát trong quá trình triển khai… qua đó, tạo đồng thuận, khơi dậy sức dân trong huy động các nguồn lực đóng góp cho sự phát triển của xã hội. Đơn cử như trong xây dựng nông thôn mới, trong giai đoạn 2016 – 2020, toàn tỉnh huy động đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư (bao gồm cả hiến đất, ngày công quy ra tiền, tiền mặt) đóng góp được 740,8 tỷ đồng.

Ông Lương Tiến Trình, Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết: Thông qua thực hiện QCDC ở cơ sở đã góp phần làm chuyển biến phương thức điều hành và lề lối làm việc của chính quyền, giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Qua đây, nhiều vấn đề được giải quyết, huy động cả hệ thống chính trị tham gia phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, góp phần hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Thời gian tới, để việc thực hiện QCDC ở cơ sở bảo đảm thực chất, thiết thực, hiệu quả, cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về dân chủ và thực hành dân chủ. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm quan tâm giải quyết những kiến nghị, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, góp phần xây dựng địa phương ngày càng phát triển

Trong giai đoạn 2016 – 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế – xã hội của tỉnh đạt bình quân 5,45%/năm; thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 44,5 triệu đồng/người/năm (gấp 1,44 lần so với năm 2015). Bên cạnh thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở đã góp phần quan trọng xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, chính quyền địa phương  vững mạnh, củng cố niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước.

 

“Trong 3 năm qua, phong trào làm đường bê tông của thôn Thiên Cần được triển khai mạnh mẽ và nhận được sự ủng hộ của tất cả các hộ dân trong thôn. Trước khi làm đường, người dân được thảo luận, thống nhất mức đóng góp, phân công phụ trách công việc theo nhóm. Sau khi hoàn thành mỗi tuyến đường, thôn lại tổ chức họp và công khai thu chi nguồn quỹ rõ ràng, cụ thể.

Với cách làm công khai, minh bạch như vậy, gia đình tôi rất tin tưởng, đồng thuận đóng góp vì việc chung. Trong 3 năm qua, gia đình tôi đã hiến gần 400 m2 đất ruộng và tham gia đóng góp tiền, ngày công để kiên cố hóa giao thông nông thôn”.

Ông Dương Văn Thường, thôn Thiên Cần, xã Liên Sơn, huyện Chi Lăng

THANH MAI - PHƯƠNG DUNG