Thứ bảy,  21/09/2024

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng

– Sáng nay (15/9), tại Hà Nội, Ban Nội chính Trung ương, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Toà án nhân dân Tối cao, Bộ Tư pháp phối hợp tổ chức hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến, từ điểm cầu Trung ương đến 138 điểm cầu ở các địa phương, các quân khu, quân chủng, binh chủng, bộ tư lệnh và các đơn vị tương đương thuộc Bộ Quốc phòng.


Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn

Tại điểm cầu Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu chỉ đạo. Cùng dự có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, thành viên Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương và lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.

Dự tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.

Báo cáo tại hội nghị nêu rõ: Thời gian qua, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, các cơ quan nội chính đã có rất nhiều cố gắng, nỗ lực, quyết tâm cao, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, khá toàn diện; thực hiện tốt chức năng tham mưu chiến lược, đề xuất với Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương, chính sách lớn về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp.

Nổi bật, các cơ quan nội chính đã nghiên cứu, tham mưu ban hành nhiều chiến lược, chủ trương, giải pháp, quy định mới, mạnh mẽ, quyết liệt về quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật, thanh tra, kiểm toán, quản lý kinh tế – xã hội, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp… góp phần hoàn thiện hệ thống thể chế, pháp luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương của Đảng và bộ máy nhà nước, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, thanh tra, kiểm toán được thực hiện quyết liệt, trọng tâm là các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm, những lĩnh vực có dư luận tiêu cực, nhân dân bức xúc.

Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 1.300 tổ chức đảng và 87.000 đảng viên vi phạm. Đây là bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng, góp phần giữ vững kỷ luật, kỷ cương, sự đoàn kết, thống nhất, trong sạch, vững mạnh của Đảng.

Ngành thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 580 nghìn tỷ đồng, gần 9.000 ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm hơn 9.700 tập thể, cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 480 vụ việc có dấu hiệu tội phạm; kiến nghị khắc phục nhiều sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế – xã hội…

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Hội nghị lần này có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết nhất trí, quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, quyết tâm biến Nghị quyết thành hiện thực.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu: Các cơ quan nội chính cần chủ động, tích cực nghiên cứu, tham mưu với Đảng, Nhà nước các chủ trương, chính sách lớn về công tác nội chính, góp phần xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân; phát huy tốt hơn nữa vai trò nòng cốt bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn để phát triển đất nước; tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước.

Đồng thời phát huy hơn nữa vai trò chủ công, nòng cốt, kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, góp phần hiện thực hóa và khẳng định quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”; tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết dứt điểm những vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài…

NÔNG ĐÌNH QUANG