Thứ sáu,  20/09/2024

Ngày làm việc thứ bảy, Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV: Đại biểu thảo luận về dự án Luật Cảnh sát cơ động và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ

– Hôm nay (26/10), tiếp tục ngày làm việc thứ bảy, Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã nghe, thảo luận trực tuyến về dự án Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT).

Dự họp tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; các ĐBQH tỉnh; lãnh đạo các ban HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan.


ĐBQH và đại biểu các sở, ngành dự họp tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn

Dự thảo Luật CSCĐ gồm 5 chương, 31 điều, quy định cụ thể 7 nhóm nhiệm vụ cơ bản của CSCĐ. Tại Kỳ họp, các ĐBQH và cơ quan soạn thảo đã thảo luận, cho ý kiến và làm rõ 3 nội hàm “đặc thù”, “đặc biệt” và “tinh nhuệ” của lực lượng CSCĐ, làm rõ vị trí, vai trò của lực lượng CSCĐ so với các lực lượng khác, từ đó làm nổi bật sự thuyết phục cần thiết phải ban hành đạo luật riêng cho lực lượng này.


Lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh Lạng Sơn dự họp trực tuyến thảo luận về dự án Luật Cảnh sát cơ động trình tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV 

Đối với dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT, Tờ trình của Chính phủ nêu rõ: Luật SHTT đã được sửa đổi vào các năm 2009 và 2019, tuy nhiên, nội dung sửa đổi chưa tạo ra động lực mạnh mẽ cho việc nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, cũng như chưa bảo đảm hành lang pháp lý đầy đủ, hiệu quả đối với việc bảo hộ, khai thác, bảo vệ tài sản trí tuệ.

Dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp này sửa đổi, bổ sung 92 điều (trong đó bổ sung 12 điều, sửa đổi 80 điều) và bãi bỏ 2 điều, nâng tổng số điều của Luật SHTT sau khi sửa đổi lên 232 điều, thuộc 7 nhóm chính sách đã được thông qua.


Đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu thảo luận trực tuyến trước Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT

Phát biểu trực tuyến với Quốc hội tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn, ĐBQH Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đề xuất một số ý kiến vào dự án Luật sửa đổi một số điều của Luật SHTT.

Trong đó, ĐBQH tỉnh tán thành với sự lựa chọn phương án 1 là “Quyền đăng ký đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước” được Nhà nước giao cho tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, đề nghị nghiên cứu, bổ sung thêm trường hợp mà Nhà nước được thu hồi, giao quyền sử dụng cho tổ chức khác, trong trường hợp tổ chức được giao ban đầu “được cho là không có khả năng thực hiện thương mại hóa sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí” vào điểm a khoản 3 Điều 133a, bổ sung theo khoản 63 Điều 1 Dự thảo Luật.

Đối với vấn đề “Xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền SHTT”, ĐBQH tỉnh tán thành phương án 2 là giữ nguyên quy định hiện hành mà không thu hẹp phạm vi về xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền SHTT.

Đối với nội dung về “Tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật và tính thống nhất với điều ước quốc tế”, ĐBQH tỉnh cho rằng giữa một số điều của Dự thảo Luật SHTT và luật, nghị định khác còn có một số nội dung chưa thực sự đồng bộ, cần phải sửa đổi và thống nhất. Do vậy, cần phải bổ sung Nghị định 99/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp vào danh mục các văn bản dự kiến sửa đổi tại Dự án Luật để tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Trong chương trình, sau khi nghe các ĐBQH nêu ý kiến, tranh luận về 2 dự án luật, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu.

Phóng viên Báo Lạng Sơn sẽ tiếp tục phản ánh, thông tin kịp thời về Kỳ họp đến với bạn đọc.

THANH HUYỀN