Thứ năm,  18/07/2024

Triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV

– Sáng nay (3/11), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức hội nghị triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV theo hình thức trực tuyến từ Hội trường Diên hồng đến điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội; Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư; Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương đồng chủ trì hội nghị.

Tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn, dự hội nghị có các đồng chí: Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Uỷ viên Uỷ Ban Kinh tế của Quốc hội, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Đinh Hữu Học, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; các ĐBQH tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.


Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn

Phát biểu quán triệt, chỉ đạo việc triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư khẳng định vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác xây dựng pháp luật.

Đồng thời yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương và các cơ quan liên quan nghiêm túc triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan hữu quan trong triển khai thực hiện.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo tổng quan về Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (Đề án) và dự kiến Kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị. Theo đó, Đề án xác định định hướng tổng thể công tác lập pháp của Quốc hội là tập trung “xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường…, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước”. Đề án xác định 8 nhóm định hướng lớn, 137 nhiệm vụ lập pháp cần phải thực hiện trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Các đại biểu cũng đã nghe tham luận của Chính phủ về: “Dự kiến kế hoạch của Chính phủ triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị và Đề án; các giải pháp bảo đảm thực hiện Đề án” và tham luận của khối cơ quan tư pháp, một số cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các địa phương về công tác triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ khóa XV.

Phát biểu kết luận hội nghị,  Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao nội dung của các tham luận được trình bày tại hội nghị; đồng thời, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư và góp ý của Chính phủ và các cơ quan hữu quan để hoàn thiện và sớm ban hành Đề án.

Đồng chí đề nghị: Sau hội nghị này, các cơ quan, tổ chức căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và phạm vi lĩnh vực phụ trách khẩn trương xây dựng kế hoạch chi tiết của cơ quan, tổ chức mình để triển khai thực hiện. Trong đó cần lưu ý việc thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường năng lực cho các cơ quan, đơn vị, đội ngũ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật.

Thường trực Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội được phân công theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ lập pháp có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ  với các cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện, vừa để tham gia phối hợp ngay từ đầu vừa để đôn đốc đảm bảo chất lượng, tiến độ. Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, Đoàn ĐBQH, ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố và các vị ĐBQH chủ động tổ chức nghiên cứu, quán triệt Kết luận của Bộ Chính trị và Đề án; phối hợp rà soát, tổng kết, khảo sát thực tiễn khi có yêu cầu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức ở trung ương. Các đoàn ĐBQH, các vị ĐBQH đề cao trách nhiệm trong việc nghiên cứu, xem xét, cho ý kiến về các dự án luật, nghị quyết, chủ động hơn nữa trong công tác lập pháp. Uỷ ban MTTQ và các thành viên tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng giám sát và phản biện xã hội đối với công tác xây dựng pháp luật.

THANH HUYỀN