Thứ sáu,  20/09/2024

Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, xây dựng tổ chức hội vững mạnh

Lãnh đạo Hội LHPN tỉnh tặng quà Tết Tân Sửu năm 2021 cho trẻ em, hội viên nghèo xã Liên Hội, huyện Văn Quan Ảnh: DƯƠNG DUYÊN

– Nhiệm kỳ 2016 – 2021, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Qua đó, thu hút đông đảo hội viên tham gia các phong trào, góp phần xây dựng tổ chức hội vững mạnh.

Trong nhiệm kỳ, các cấp hội tập trung thực hiện khâu đột phá “Nâng cao chất lượng tổ chức hội và hoạt động hội cơ sở; đa dạng hóa các hình thức tập hợp phụ nữ; phát huy quyền làm chủ của hội viên, phụ nữ” bằng cách làm cụ thể, thiết thực. Theo đó, tổ chức hoạt động hướng về cơ sở, quan tâm địa bàn khó khăn, cán bộ yếu. Hằng năm, các cấp hội xây dựng chỉ tiêu, lựa chọn nội dung cụ thể sát với thực tế; triển khai các công trình, phần việc mẫu, tổng kết rút kinh nghiệm, nhân rộng; thông tin, tài liệu sinh hoạt hội được đa dạng hóa, cập nhật thường xuyên… Các cấp hội linh hoạt hình thức sinh hoạt, tổ chức hội thi, diễn đàn, gặp mặt giao lưu, tọa đàm theo chuyên đề và nhóm đối tượng nhằm thu hút, tập hợp hội viên. Đến cuối nhiệm kỳ, không có cơ sở hội tập hợp hội viên dưới 50%; toàn tỉnh có 142.510 hội viên, đạt tỉ lệ 67% phụ nữ từ 18 tuổi trở lên tham gia sinh hoạt hội, tăng 7.993 hội viên so với đầu nhiệm kỳ, (vượt 14,2% chỉ tiêu Nghị quyết).

Với phương châm “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động hội”, công tác tác giáo dục chính trị tư tưởng, tuyên truyền các chủ trương của Đảng, Nghị quyết Đại hội phụ nữ các cấp, chính sách pháp luật của Nhà nước, cung cấp kiến thức về phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc thường xuyên được đổi mới, với nội dung phong phú, hình thức phù hợp với từng đối tượng, địa bàn. Trong đó, chú trọng phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ khu vực biên giới, phụ nữ nông thôn đi làm ăn xa… Các cấp hội linh hoạt ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tuyên truyền như: xây dựng trang thông tin điện tử của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, khai thác và sử dụng có hiệu quả các trang nhóm Zalo, trên 200 tài khoản Facebook của các cấp hội. Từ năm 2016 đến nay, các cấp hội đã tuyên truyền được 25.074 cuộc, thu hút trên 1,1 triệu lượt cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia. Hiện nay, các cấp hội duy trì trên 500 mô hình liên quan đến gia đình tại cơ sở, đồng thời, phối hợp tham gia duy trì 1.502 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng.

Hoạt động đồng hành cùng phụ nữ phát triển kinh tế, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, kinh doanh cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt, trong triển khai thực hiện Ðề  án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”, từ năm 2017 đến nay, các cấp hội đã tuyên truyền, vận động, hỗ trợ 1.174 phụ nữ khởi sự kinh doanh; thành lập mới 65 tổ hợp tác, tổ liên kết. Trong nhiệm kỳ, các cấp hội hỗ trợ 25.536 gia đình hội viên, phụ nữ tiếp cận nguồn vốn 1.133 tỷ đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội; hỗ trợ cho hội viên nghèo trên 700 triệu đồng, giúp gần 30 nghìn ngày công và hàng triệu cây giống, con giống… Từ năm 2016 đến nay, đã có 3.145 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo (vượt 178,3% chỉ tiêu nghị quyết).

Xác định vai trò quan trọng của đội ngũ cán bộ, các cấp hội đã quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức hội phụ nữ các cấp và đội ngũ chi hội trưởng phụ nữ. Trong nhiệm kỳ, đã có 10.978 lượt cán bộ hội tham gia các lớp tập huấn do tỉnh và Trung ương hội tổ chức; các cấp hội trong tỉnh tổ chức được 155 lớp tập huấn nghiệp vụ công tác hội cho cán bộ chuyên trách từ tỉnh đến cơ sở và chi hội trưởng. Đến cuối nhiệm kỳ, 100% cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, huyện và cơ sở đạt chuẩn chức danh theo quy định (vượt 11% chỉ tiêu nghị quyết); 200/200 cơ sở hội được xếp loại tốt trở lên, trong đó, 40 đơn vị đạt xuất sắc; 14/14 đơn vị cấp huyện, thành phố, đơn vị trực thuộc đạt loại tốt trở lên.

Nhiệm kỳ 2021 – 2026, các cấp hội xác định 9 chỉ tiêu cụ thể, 3 khâu đột phá. Đồng thời, tập trung thực hiện các nhiệm vụ như: hỗ trợ phụ nữ phát triển, hội nhập và vun đắp giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới; xây dựng tổ chức hội vững mạnh, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả.

Thời gian tới, các cấp hội tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho hội viên; đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành; nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ hội. Qua đó, phấn đấu, quyết tâm thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ mà đại hội đề ra, góp phần xây dựng tỉnh Lạng Sơn phát triển nhanh và bền vững.

                                        Đồng chí Nông Thanh Hải, Tỉnh uỷ viên, Chủ tịch Hội                                                                                             Liên hiệp Phụ nữ tỉnh


Vững tin nhiệm kỳ mới

– Đại hội Đại biểu Phụ nữ tỉnh nhiệm kỳ 2021 – 2026 là sự kiện chính trị quan trọng, ngày hội lớn của phụ nữ toàn tỉnh. Mỗi đại biểu có tâm tư, nguyện vọng, gửi gắm niềm tin, kỳ vọng một nhiệm kỳ mới nhiều thành công.  

Bà Hoàng Thúy Kiều, Chủ tịch Hội LHPN xã Gia Cát, huyện Cao Lộc: “Nhân rộng các mô hình hay, thiết thực, phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của phụ nữ”.

Xác định rõ yêu cầu đổi mới nội dung, phương thức hoạt động hội, trong nhiệm kỳ qua, Hội LHPN xã đã xây dựng và hoạt động thành công nhiều mô hình mới, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của phụ nữ. Tiêu biểu như: “Nhóm cha mẹ trong chăm sóc và phát triển trẻ thơ từ 0 đến 8 tuổi”, “Thôn an toàn cho phụ nữ và trẻ em”, “Nhà sạch, ngõ đẹp”…

Tôi mong muốn Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh khóa mới tiếp tục chỉ đạo các cấp hội phụ nữ thực hiện hiệu quả, nhân rộng các mô hình hay, cách làm mới, đáp ứng nhu cầu thiết thực của hội viên. Đặc biệt, chú trọng tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn, các mô hình cung cấp kiến thức nuôi dạy con cái, xây dựng gia đình hạnh phúc. Qua đó, thu hút đông đảo hội viên tham gia tổ chức hội.

Thiếu tá Lăng Bích Ngọc, Chủ tịch Hội Phụ nữ Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh: “Cần quan tâm giải quyết các vấn đề liên quan đến phụ nữ và trẻ em”.

Hiện nay, tình hình tội phạm có diễn biến phức tạp, phụ nữ và trẻ em cũng là nạn nhân của một số tệ nạn xã hội như: mua bán người, bạo lực gia đình… Do đó, tôi mong muốn nhiệm kỳ này, các cấp hội phụ nữ có thêm nhiều chương trình, hoạt động thể hiện sự quan tâm, phối hợp giải quyết các vấn đề liên quan đến phụ nữ và trẻ em. Đặc biệt, trong công tác bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.

Cùng với đó, các cấp hội tiếp tục đổi mới nội dung công tác tuyên truyền, cung cấp kiến thức, kỹ năng về giữ gìn, rèn luyện phẩm chất đạo đức, ý thức chấp hành pháp luật; về giáo dục làm cha mẹ; khả năng, phát huy vai trò chủ động của phụ nữ trong phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Đồng thời, tạo điều kiện cho chị em phụ nữ trên địa bàn tỉnh học tập, rèn luyện, phát triển mọi mặt, phát huy trí tuệ, năng lực trên các lĩnh vực công tác.

Bà Lý Thanh Hải, Trưởng Ban nữ công, Công ty TNHH Huy Hoàng: “Đẩy mạnh các hoạt động, phong trào cho công nhân nữ”.

Công ty tôi hiện có 80 lao động nữ (chiếm gần 90% lao động nữ toàn công ty), độ tuổi từ 25 đến 54 tuổi. Do đặc thù công việc nên chúng tôi làm việc theo 2 ca: ca sáng từ 3 giờ đến 12 giờ, ca chiều từ 17 giờ đến 24 giờ. Làm việc theo ca khiến việc gặp mặt đầy đủ các công nhân nữ là điều khó khăn, chúng tôi chủ yếu gặp mặt vào ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, ngoài ra, công nhân nữ gần như không thể tham gia các hoạt động, phong trào.

Hy vọng thời gian tới, các cấp hội phụ nữ phối hợp với doanh nghiệp dành sự quan tâm nhiều hơn nữa đến lực lượng công nhân nữ, nhất là trong việc thúc đẩy các hoạt động, phong trào trong nữ công nhân. Đồng thời, tạo sân chơi, chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, tọa đàm, đối thoại cho công nhân nữ, góp phần thắt chặt tình đoàn kết, nâng cao đời sống tinh thần cho lao động nữ.

Chị Bàn Thị Lành, hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Vằng Mần, xã Vĩnh Yên, huyện Bình Gia: “Đa dạng hóa hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế”.

Năm 2010, tôi được vay vốn ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội qua kênh của Hội LHPN xã với số tiền 50 triệu đồng để phát triển kinh tế. Hiện mô hình kinh tế của tôi gồm: ao cá với diện tích 1.500 m2; 10 ha cây ăn quả, với 3 vạn cây quế xen cây thạch đen, 1 ha cây mỡ, 0,5 ha cây keo. Hằng năm, trừ chi phí, mô hình kinh tế giúp gia đình tôi thu về khoảng 200 triệu đồng/năm.

Tôi mong rằng nhiệm kỳ này, các cấp hội phụ nữ tiếp tục đa dạng hóa các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế. Trong đó, tập trung hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật, kết nối đầu ra, quảng bá sản phẩm. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ hội viên tham gia các mô hình kinh tế tập thể để nâng cao chất lượng, số lượng sản phẩm.

DƯƠNG DUYÊN – DƯƠNG KIM