Thứ sáu,  20/09/2024

Xây dựng mối quan hệ gần gũi giữa chính quyền với Nhân dân

– Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh chú trọng thực hiện xây dựng mô hình “Chính quyền thân thiện”. Qua đây, đã đổi mới mạnh mẽ phong cách, lề lối làm việc của cán bộ, công chức cấp xã, từng bước chuyển đổi từ “mệnh lệnh hành chính” sang “phục vụ, hướng dẫn, vận động, thuyết phục”.

Năm 2019, Ban Dân vận Tỉnh ủy và UBND tỉnh ban hành Đề án số 01 ngày 24/4/2019 về xây dựng mô hình điểm Chính quyền thân thiện cấp cơ sở trên địa bàn tỉnh. Đề án đã cụ thể hóa mục tiêu, giải pháp, đưa ra các tiêu chí cơ bản để xây dựng mô hình “Chính quyền thân thiện”. Theo đó, mỗi huyện, thành phố thành lập ban chỉ đạo xây dựng mô hình chính quyền thân thiện (ban chỉ đạo) và lựa chọn 1 đến 2 đơn vị cấp xã thực hiện thí điểm mô hình.

UBND phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn tổ chức lễ trao giấy chứng nhận kết hôn cho người dân

Ông Lương Tiến Trình, Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết: Ban đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành các kế hoạch, văn bản, hướng dẫn… để chỉ đạo các đơn vị thực hiện mô hình “Chính quyền thân thiện”. Song song với đó, ban cũng phối hợp với UBND tỉnh tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện tại các đơn vị để nắm tình hình, đánh giá hiệu quả trong triển khai mô hình tại cơ sở, rút ra bài học, kinh nghiệm, định hướng, gợi mở hướng triển khai.

Trên cơ sở tổng kết, ghi nhận những kết quả tích cực đã đạt được, năm 2021, Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy tiếp tục triển khai, nhân rộng mô hình “Chính quyền thân thiện”. Theo đó, trong năm, các huyện, thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để nhân rộng mô hình. Tùy theo tình hình thực tế, các huyện, thành phố lựa chọn các đơn vị hành chính cấp xã xây dựng mô hình. Như huyện Tràng Định, Lộc Bình và thành phố Lạng Sơn đã chủ trương triển khai đại trà, nhân rộng mô hình “Chính quyền thân thiện” tại tất cả các xã, phường, thị trấn; huyện Chi Lăng lựa chọn 6 xã; huyện Văn Quan lựa chọn 4 xã để triển khai mô hình… Đến nay, toàn tỉnh có 51 đơn vị đã triển khai xây dựng mô hình.

Trong quá trình thực hiện, các xã tham gia mô hình chú trọng trang bị cơ sở vật chất. Cụ thể là bố trí phòng tiếp công dân rộng rãi, thoáng mát, tạo thuận tiện cho người dân đến giải quyết công việc. Hệ thống bảng biểu, khẩu hiệu như “5 biết, 4 luôn, 3 thể hiện” (gồm: biết nghe dân nói, biết nói dân hiểu, biết làm dân tin, biết xin lỗi, biết cảm ơn; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn thấu hiểu, luôn giúp đỡ; thể hiện tôn trọng, văn minh, gần gũi) được bố trí ngay tại khu vực làm việc để nhắc nhở đội ngũ cán bộ luôn phát huy tinh thần trách nhiệm, tận tâm, tận lực phục vụ Nhân dân.

Ông Vi Văn Bông, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Lộc Bình cho biết: Năm 2021, cấp ủy, chính quyền huyện triển khai nhân rộng mô hình tại 21/21 xã, thị trấn. Hiện nay, việc hoàn thiện cơ sở vật chất của các đơn vị cơ bản đã hoàn thành, một số đơn vị còn chủ động lắp camera giám sát tại bộ phận “một cửa” để theo dõi cán bộ, công chức thực thi công việc. Qua đây, tạo thuận lợi tối đa cho người dân đến giải quyết thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, một trong những điểm nhấn của việc thực hiện mô hình “Chính quyền thân thiện”  là thực hiện văn hóa, văn minh công sở, nâng cao thái độ phục vụ của cán bộ, công chức trong tiếp, hướng dẫn, giúp đỡ người dân. Theo thống kê, không có đơn vị nào nhận được phản ánh trái chiều từ người dân. Qua khảo sát, tỷ lệ hài lòng của người dân khi đến liên hệ giải quyết tại các đơn vị thực hiện mô hình luôn đạt từ 90% đến 100%.

Bà Dương Thị Biên, thôn Hợp Nhất, xã Đồng Ý, huyện Bắc Sơn cho biết: Qua tuyên truyền, tôi được biết, năm nay xã Đồng Ý thực hiện mô hình “Chính quyền thân thiện”. Bản thân tôi nhận thấy phong cách làm việc, thái độ của đội ngũ cán bộ, công chức có nhiều thay đổi theo hướng tích cực. Người dân đến giải quyết thủ tục hành chính được hướng dẫn tận tình, kết quả luôn trả đúng hẹn… Khi làm xong thủ tục, tôi luôn cảm thấy hài lòng.

Việc xây dựng mô hình “Chính quyền thân thiện” tại các đơn vị trên địa bàn tỉnh đã đem đến nhiều kết quả tích cực. Từ đầu năm 2021 đến nay, các đơn vị triển khai mô hình đã giải quyết hơn 170.000 thủ tục hành chính (cơ bản đảm bảo đúng hạn, trước hạn); các đơn vị tổ chức được hơn 100 cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền huyện, xã với Nhân dân; tỷ lệ giải quyết đơn thư trung bình đạt trên 85%, có đơn vị đạt trên 95%…

Kết quả này góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân, tạo mối quan hệ gắn kết, gần gũi giữa chính quyền với Nhân dân. Nhờ đó, tạo được sự hài lòng của tổ chức, cá nhân khi đến giải quyết công việc, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, góp phần tích cực trong hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị.

PHƯƠNG DUNG – THANH MAI


Lấy người dân làm trung tâm

– Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, đến nay, mô hình “Chính quyền thân thiện” trên địa bàn tỉnh đã tạo chuyển biến tích cực, nâng cao trách nhiệm của cán bộ chính quyền cơ sở trong thực thi công vụ, mang đến sự hài lòng cho người dân.

Ông Hoàng Văn Hồng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bắc Sơn: “Chỉ đạo, kiểm tra nghiêm túc việc thực hiện mô hình”.

Hằng năm, Ban Thường vụ (BTV) Huyện ủy ban hành quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng mô hình “Chính quyền thân thiện” trên địa bàn huyện. Trong đó, phân công rõ trách nhiệm cho từng thành viên, yêu cầu trong quá trình thực hiện cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị. Để triển khai mô hình đạt hiệu quả cao, phù hợp với tình hình thực tiễn, BTV Huyện ủy chỉ đạo lựa chọn các đơn vị theo lộ trình, cụ thể như năm 2021 lựa chọn 4 đơn vị, năm 2022 lựa chọn 5 đơn vị… Các đơn vị được lựa chọn xây dựng mô hình đều được khảo sát, đánh giá khả năng thực hiện trước đó.

Bên cạnh đó, BTV Huyện uỷ thành lập Đoàn giám sát để kiểm tra, đánh giá việc thực hiện mô hình đối với một số đơn vị. Cụ thể như năm 2021, đoàn giám sát của BTV Huyện ủy đã kiểm tra, giám sát đối với tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ và một số đồng chí trong BTV Đảng ủy xã Bắc Quỳnh (đơn vị được lựa chọn xây dựng mô hình năm 2020). Qua đây, đoàn công tác đã chỉ rõ những ưu, khuyết điểm trong thực hiện, đánh giá thực chất công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy đối với xây dựng mô hình “Chính quyền thân thiện”… từ đó, có chỉ đạo các đơn vị thực hiện sau tiếp thu, rút kinh nghiệm.

Bà Lê Thị Nhiên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn: “Đặt sự hài lòng của người dân là mục tiêu phấn đấu của chính quyền thân thiện”.

Nhằm xây dựng mô hình “Chính quyền thân thiện” thực chất, hiệu quả, cấp ủy, chính quyền phường đã nghiêm túc triển khai các bước theo hướng dẫn của Đề án 01. Một trong những điểm nổi bật phường Chi Lăng thực hiện chính là từng bước chuẩn hóa phương pháp làm việc, cải cách thủ tục hành chính với mục tiêu hướng tới sự hài lòng của tổ chức, cá nhân khi đến giải quyết công việc.

Đơn cử như việc chúng tôi ứng dụng công nghệ thông tin tại phần mềm một cửa, một cửa liên thông, phần mềm quản lý văn bản… giúp lãnh đạo phường, mỗi cán bộ, công chức có thể kiểm soát được quá trình giải quyết công việc. Nhờ đó, từng bước cải tiến phương pháp làm việc, giảm thiểu các tác động tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức khi giải quyết các thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân. Năm 2021, phường lấy ý kiến đánh giá mức độ hài lòng của người dân đối với UBND và cán bộ, công chức trong phường, theo đó, có 500/500 phiếu đánh giá hài lòng, rất hài lòng.

Ông Lê Văn Tuyên, thôn Phan Thanh, xã Đề Thám, huyện Tràng Định: “Chính quyền cơ sở ngày càng gần dân, trọng dân hơn”.

Với việc xã Đề Thám xây dựng mô hình “Chính quyền thân thiện” đã giúp mối quan hệ giữa chính quyền cơ sở và người dân như được gần lại, kịp thời lắng nghe và giải đáp những kiến nghị của người dân.

Đơn cử như trước khi tiến hành sáp nhập thôn, cấp ủy, chính quyền xã đã họp, đối thoại, lắng nghe kiến nghị của người dân, phân tích, giải thích cho người dân hiểu về chủ trương chung, từ đó, tạo đồng thuận trong thực hiện. Cũng liên quan đến việc sáp nhập thôn, hiện nay, người dân trong thôn chúng tôi khi đến xã liên hệ giải quyết thủ tục hành chính luôn được cán bộ, công chức hướng dẫn, nhắc nhở việc thay đổi tên thôn và tạo mọi điều kiện thuận lợi giải quyết các thủ tục. Hiện tại, trụ sở đã niêm yết số điện thoại của các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, công chức xã, do đó, trước khi đến giải quyết các thủ tục, chúng tôi có thể liên hệ trước để chuẩn bị giấy tờ, hồ sơ đầy đủ, tránh được việc đi lại nhiều lần.

MAI CHI – PHƯƠNG VY