Thứ sáu,  20/09/2024

Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên, bước ngoặt vĩ đại của dân tộc

– Sau  cách  mạng tháng Tám, giữa muôn vàn khó khăn, thử thách thù trong giặc ngoài, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã quyết định khẩn trương thực hiện Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa để bầu ra Quốc hội  và Chính phủ hợp hiến.

Trong phiên họp đầu tiên (ngày 3/9/1945) của Chính phủ lâm thời, Hồ Chủ tịch nói: “Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng nhanh càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái 18 tuổi đều có quyền đi bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, đảng phái, dòng giống”*. Người nhấn mạnh; “Tổng tuyển cử sẽ bầu ra Quốc hội, đối với bên trong thì Nhân dân tin tưởng vào chế độ của mình; trước thế giới, Quốc hội do Nhân dân bầu ra sẽ không ai có thể phủ nhận”*.

Cử tri người dân tộc Dao bỏ phiếu bầu cử tại thôn Trà Ký, xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình (tháng 5/2021)

Điều này đã được chứng minh cả về mặt lý luận và thực tiễn như Lê-nin đã khẳng định: “Với việc phát triển chế độ dân chủ một cách đầy đủ, nghĩa là với việc làm cho toàn thể quần chúng Nhân dân tham gia thực sự bình đẳng và thực sự rộng rãi vào mọi công việc chung của Nhà nước”. Quán triệt và vận dụng tư tưởng của Lê-nin vào hoàn cảnh Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới xây dựng là trách nhiệm của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”*. Vượt qua muôn vàn khó khăn của thù trong giặc ngoài và những âm mưu đen tối của các thế lực phản động định tiêu diệt cách mạng cũng như giặc đói, giặc đốt đang hoành hành… là di chứng của chế độ thực dân đế quốc để lại, Cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 đã thành công trên phạm vi cả nước, bất chấp sự phá hoại điên cuồng của bọn phản động ở phía Bắc và cuộc xâm lăng tàn bạo của thực dân Pháp ở phía Nam. Trong thời điểm này, đại đa số cử tri lần đầu tiên được thực hiện quyền bầu cử của mình, đại đa số là những người nông dân chưa đọc thông viết thạo, tuyệt đại đa số là phụ nữ lần đầu tiên được cầm trên tay lá phiếu… Tất cả đều xúc động, tự hào đến rơi nước mắt vì đi bầu cử đối với chính họ là khẳng định quyền công dân của một nước tự do, quyền được bình đẳng trong xã hội.

Cuộc Tổng tuyển cử tuy là lần đầu tiên ở nước ta, nhưng đã được thể hiện một cách đầy đủ nội dung, yêu cầu của nguyên tắc bầu cử mới. Tự do bầu cử, ứng cử của công dân bình đẳng, trực tiếp, bỏ phiếu kín mà không phải bất kỳ một nước dân chủ nào cũng có thể làm được.

 Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ngày 6/1/1946 đã có 89% số cử tri đi bỏ phiếu, bầu được 333 đại biểu, trong đó có 57% là đại biểu thuộc các đảng phái yêu nước, 43% không đảng phái, 87% là đại biểu công, nông, chiến sĩ cách mạng, 10 đại biểu nữ, 34 đại biểu thuộc các dân tộc thiểu số. Trải qua 76 năm xây dựng và trưởng thành cùng với 15 nhiệm kỳ hoạt động của Quốc hội, được xây dựng theo tư tưởng quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh; từ Quốc hội khóa I đến Quốc hội khóa XV, dù ở thời điểm, hoàn cảnh lịch sử nào, Quốc hội  Việt Nam cũng có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng chung của đất nước. Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 đã được tổ chức thành công, một cuộc bầu cử thật sự tự do, thật sự dân chủ, là mốc son lịch sử của chế độ dân chủ ở Việt Nam.

Tổng tuyển cử  đầu tiên năm 1946 được tổ chức thành công đã rút ra những bài học để kế thừa và phát triển những quy định của các sắc lệnh đầu tiên về Tổng tuyển cử. Về thực tiễn tổ chức cuộc Tổng tuyển cử này trong tiến trình đổi mới tổ chức và hoạt động của quốc hội nói chung, đổi mới chế độ bầu cử hiện nay nói riêng, là rất cần thiết và có ý nghĩa. Đã chính thức hóa chính quyền bằng cách lập ra Quốc hội, từ đó cử ra Chính phủ chính thức, ban hành hiến pháp, tạo dựng một chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý đại diện cho Nhân dân Việt Nam, về đối nội, đối ngoại. Đồng thời, cũng thể hiện sự tôn trọng và tin tưởng quyền làm chủ của Nhân dân, thực hiện chủ quyền Nhân dân.

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử này là do việc tuyên truyền bầu cử được tiến hành rộng rãi, dân chủ và thực chất.  Nó mở đầu cho quá trình xây dựng một chế độ dân chủ mới. Đó chính là sự kiện khởi đầu và phát triển của Quốc hội, là bài học kinh nghiệm quý báu có thể vận dụng trong việc hoàn thiện chế độ bầu cử hiện nay; là bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử của dân tộc Việt Nam. Kế thừa và phát huy giá trị lịch sử của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, các cuộc bầu cử tiếp theo luôn thể hiện quyết tâm và ý chí độc lập tự do, giữ vững chủ quyền của dân tộc, của Nhân dân ta. Tự mình sáng suốt lựa chọn người đại diện chân chính của mình vào Quốc hội và HĐND các cấp, là tự mình quyết định tham gia vào việc xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Bước vào những ngày đầu Xuân Nhâm Dần – 2022 trọng đại, đất nước long trọng kỷ niệm 76 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên, bầu ra Quốc hội nước Việt Nam (Ngày 6/1/1946 – 6/1/2022), trong tim mỗi người, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự quan tâm đặc biệt của Người đối với đội ngũ cán bộ, các chức danh trong bộ máy Nhà nước. Đó phải là những người có đức, có tài, tự nguyện đứng ra gánh vác việc nước và phải phụng sự Nhân dân, là “đầy tớ của Nhân dân”n

———————

* “Hồ Chí Minh” toàn tập, NXB CTQG, năm 2000.

MAI TÙNG