Ngay từ khi còn nhỏ, chứng kiến nước nhà bị nô dịch, lầm than, Nguyễn Tất Thành (Hồ Chí Minh) đã sớm hình thành mong muốn tìm đường cứu nước, đưa người dân Việt Nam trở thành người dân của một nước độc lập. Trải qua 30 năm bôn ba nước ngoài, sống và hoạt động cách mạng tại 28 quốc gia trên thế giới, Người luôn kiên định với niềm tin và khát vọng cháy bỏng: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”(3). Đó chính là sự thể hiện rõ ràng nhất tư tưởng, ý chí tự lực, tự cường và một khát vọng lớn, mang tầm nhìn thời đại của lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Trong suốt những năm tháng này, hòa mình vào dòng chảy cách mạng thế giới, tiếp xúc với những luồng tư tưởng tiến bộ, Người đã dần nâng cao nhận thức về chủ nghĩa thực dân, đế quốc và trở thành người cộng sản chân chính, tích cực hoạt động cho sự phát triển của cách mạng thế giới nói chung và cách mạng Việt Nam nói riêng.

Sau khi đọc “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lenin, Người bỏ phiếu tán thành Quốc tế III, trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và là người cộng sản Việt Nam đầu tiên. Đây là dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Người và cũng từ đây, tư tưởng giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản bắt đầu hình thành. Người xác định: Muốn có độc lập, tự do thì các dân tộc bị áp bức không thể ngồi yên chờ đợi, càng không thể trông chờ vào sự “ban ơn” của các thế lực đế quốc, thực dân. Muốn có cuộc sống ấm no, hạnh phúc thực sự thì vấn đề quyết định trước hết là phải giành cho được độc lập, tự do. “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”(4). Người tiến tới thành lập Đảng Cộng sản, lực lượng lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam, dần hiện thực hóa khát vọng, mong muốn về một đất nước độc lập, tự do.

Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Năm 1941, Người trực tiếp về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Chỉ trong vòng 5 năm (1941-1945), Người đã lãnh đạo nhân dân ta vượt qua bao chông gai, thử thách đi đến thắng lợi vinh quang mà mốc son chói lọi là của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Cũng trong thời gian này, Người đã có 3 sáng lập vĩ đại đối với lịch sử Việt Nam là thành lập Việt Nam Độc lập đồng minh hội (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh) năm 1941, thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam) năm 1944 và khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa năm 1945. Đây là cơ sở bước đầu để thực hiện khát vọng về một đất nước độc lập, phồn vinh, hạnh phúc.

Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa được thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn xây dựng đất nước giàu mạnh, mang lại tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Người nói: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”(5). Người đặt ra nhiệm vụ cấp bách của chính quyền lúc đó là diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Cũng chính là giải quyết hai vấn đề trọng yếu: Phục hồi và phát triển nội lực đất nước; đối ngoại linh hoạt tránh nguy cơ ngoại xâm, kéo dài thời gian chuẩn bị cho cuộc kháng chiến. Khát vọng này từng bước được hiện thực hóa qua những quyết sách, chỉ đạo cụ thể, phù hợp, sáng tạo và quyết liệt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trước lúc đi xa, trong “Di chúc”, Người bày tỏ điều mong muốn cuối cùng, cũng là khát vọng tột bậc: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”(6).

 Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại Phủ Chủ tịch. Ảnh tư liệu

Những tư tưởng, khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về một Việt Nam hùng cường tiếp tục được toàn Đảng, toàn dân tộc từng bước hiện thực hóa trong công cuộc xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, công cuộc đổi mới, phát triển đất nước hơn 35 năm qua và trong những chặng đường tiếp theo. Kết quả, thành tựu đem lại “rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật”(7) như Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” (8).

Người luôn khát vọng về một đất nước giàu mạnh, cường thịnh trong điều kiện Đảng cầm quyền, xây dựng chế độ mới, mưu cầu hạnh phúc, ấm no cho nhân dân. Trong tư tưởng của Người, hạnh phúc của người dân trước hết là quyền sống, từ đó, Người phát triển thành quyền của cả một dân tộc, một quốc gia hạnh phúc. Đó là một xã hội do nhân dân lao động làm chủ, bình đẳng, không có chế độ người bóc lột người, một xã hội hoàn toàn mới mẻ, đầy tính nhân văn nhằm “đưa quần chúng đến một cuộc sống xứng đáng, vẻ vang và ngày càng phồn vinh, làm cho mọi người lao động có một Tổ quốc tự do, hạnh phúc và hùng cường, hướng tới những chân trời tươi sáng”(9).

Đồng thời, Người rất coi trọng các chính sách kinh tế nhằm đạt tới sự ổn định và phát triển xã hội, đem lại hạnh phúc cho con người. Người khẳng định, Ðảng ta, Nhà nước ta từ nhân dân mà ra, vừa là người lãnh đạo vừa là người đầy tớ của nhân dân, không có lợi ích nào khác lợi ích của nhân dân. Bản thân Người cũng “chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân” (10).

Xây dựng nền tảng kinh tế vững chắc chính là bước quan trọng để hiện thực hóa khát vọng đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Ngay từ ngày đầu độc lập, Người thiết lập Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến thiết của Chính phủ. Người mong muốn mọi người “đem tài năng tri thức lo bồi bổ về mặt kinh tế và xã hội”; “Làm cho dân có ăn. Làm cho dân có mặc. Làm cho dân có chỗ ở. Làm cho dân có học hành”. Người cũng luôn động viên: “Nhân dân ta, đặc biệt là công nhân và nông dân ta, phải hăng hái thi đua yêu nước, thực hiện khẩu hiệu: Làm nhiều, nhanh, tốt, rẻ”(11). “Tự lực cánh sinh, tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm”(12). Có sự chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn xã hội, như vậy mới phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thúc đẩy sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ngày càng thắng lợi, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Chính khát vọng về một đất nước độc lập, tự do, phồn vinh, phát triển của Nguyễn Tất Thành-Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh cùng với sự kiên trì, đấu tranh, hoạt động không ngừng; sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước đã tạo nên một đất nước Việt Nam với cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Khát vọng của cá nhân Hồ Chí Minh bắt nhịp cùng khát vọng dân tộc, sự đồng điệu kết hợp với sáng tạo và đúng đắn trong hành động đã đưa một dân tộc từ nô lệ, lầm than đến tự chủ, tự cường, người dân Việt Nam vươn mình đứng dậy, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

————

(1) (2) (7) (8) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, NXB Chính trị Quốc gia-Sự thật, H.2021, tập 1, tr.109; tr.34; tr.77; tr.104

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, NXB Sự thật, H.1975, tr. 5-6.

(4) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, H.2011, tập 12, tr.30

(5) (10) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, H.2011, tập 4, tr.9; tr.240

(6) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, H.2011, tập 15, tr.623

(9) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, H.2011, tập 1, tr.11

(11) (12) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, H.2011, tập 11, tr.391; tr.236.

https://ct.qdnd.vn/ho-so-tu-lieu/khat-vong-cua-ho-chi-minh-528585