Thứ sáu,  20/09/2024

Chiến dịch Điện Biên Phủ – Ký ức không quên

– Đã 69 năm trôi qua, song ký ức về những tháng ngày chiến đấu gian nan nhưng đầy tự hào mãi là kỷ niệm không thể nào phai mờ trong trái tim những cựu chiến binh (CCB) Lạng Sơn từng tham gia chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ năm xưa.

Men theo con ngõ nhỏ dẫn vào nhà Thiếu tá Trần Phúc, khu Cầu Mười, thị trấn Hữu Lũng, huyện Hữu Lũng, chúng tôi có dịp được gặp gỡ và trò chuyện cùng người CCB năm xưa tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông Phúc sinh năm 1932 tại xã Châu Giang, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Năm 1940, gia đình ông chuyển đến huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) sinh sống.

CCB Trần Phúc (phải) ôn lại kỷ niệm cách mạng qua ảnh

Tháng 11/1950, khi mới vừa tròn tuổi 18, ông Phúc đã xung phong lên đường nhập ngũ và được biên chế vào Trung đoàn 675, thuộc Binh chủng Pháo binh, đóng quân tại tỉnh Cao Bằng. Tháng 4/1954,  đơn vị ông được huy động đến chiến trường Điện Biên Phủ.

Vừa chỉ cho chúng tôi bức ảnh lưu niệm chụp cùng khẩu H6 (hỏa tiễn 6 nòng), ông Phúc vừa bồi hồi nhớ lại: Cuối tháng 4/1954, tôi là tiểu đội phó của Tiểu đoàn Hỏa tiễn H6, Trung đoàn 237 thuộc Đại đoàn Công pháo 351. Thời gian đó, ban ngày chúng tôi vào rừng huấn luyện, đêm xuống lại tham gia kéo pháo, chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc tổng công kích. Đêm 6/5 và sáng 7/5, chúng tôi được lệnh bắn vào Sở Chỉ huy quân Pháp ở trung tâm Mường Thanh. Chiều 7/5, cờ quyết chiến, quyết thắng của quân đội ta tung bay trên nóc hầm Sở Chỉ huy của địch, chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng.

Nhớ về khoảnh khắc lịch sử đó, ánh mắt của người CCB già như bừng sáng, giọng nghẹn lại: Nghe tin chiến thắng, tôi và đồng đội vừa reo hò vừa ôm nhau bật khóc. Đó là những giọt nước mắt hạnh phúc. Tôi khóc vì niềm vui chiến thắng, khóc vì những đồng chí đồng đội đã nằm xuống để bảo vệ Tổ quốc.

Sau chiến dịch, ông Phúc tiếp tục hoạt động trong quân đội và tham gia các trận chiến khác, đến năm 1980, ông được nghỉ hưu. Trong suốt 30 năm, Thiếu tá Trần Phúc đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý.  Từ khi nghỉ hưu, ông Phúc tiếp tục tham gia giữ các chức vụ như: Bí thư Đảng ủy Thị trấn Hữu Lũng; Chủ tịch Hội CCB huyện Hữu Lũng…

Cùng chung niềm xúc động với ông Phúc khi nhớ lại chiến dịch Điện Biên Phủ, CCB Hoàng Văn Chắp, sinh năm 1933, thôn Nam Hương 2, xã Tân Hương, huyện Bắc Sơn kể: Tháng 6/1950, tôi lên đường nhập ngũ, gia nhập vào Đại đoàn Công pháo 351, Binh chủng Pháo binh, đóng quân tại các huyện: Trùng Khánh (Cao Bằng), Chợ Mới (Bắc Kạn). Đầu năm 1954, tôi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và thực hiện nhiệm vụ bắn pháo mở đường cho bộ binh.

Nhớ về những ngày hành quân khi tham gia chiến dịch, ông Chắp cho biết: Là bộ đội pháo binh, nhiệm vụ được giao phải đảm bảo an toàn cho cả người và pháo nên con đường hành quân của chúng tôi rất gian nan vì phải kéo xe pháo nặng cả tấn băng qua các địa hình phức tạp với đồi núi cao, dốc lớn, đường quanh co, khúc khuỷu, trơn trượt. Để đảm bảo bí mật, tránh để bị địch phát hiện, chúng tôi phải kéo pháo vào ban đêm nhưng không được phép soi đèn. Có những hôm phải hành quân cả ngày, ai cũng mệt rã rời, giày dép của các chiến sĩ đều bị hỏng, nhiều người phải đi chân đất, đi qua những khu rừng rậm, nhiều đá, nhiều gai, chân tay bị thương, máu hòa vào cùng bùn đất nhưng không một ai than vãn, vì ai cũng mang trong mình nhiệm vụ thiêng liêng là bảo vệ Tổ quốc bằng mọi giá.

69 năm trôi qua, ông Chắp chưa bao giờ nguôi nỗi nhớ về Điện Biên Phủ, mong muốn duy nhất của người lính pháo binh là được trở về thăm lại chiến trường xưa để ôn lại kỷ niệm, để nhìn thấy sự “thay da đổi thịt” của Điện Biên Phủ ngày nay.

Không chỉ ông Phúc, ông Chắp, có rất nhiều người con của Xứ Lạng đã từng đi qua khói bom, lửa đạn, góp sức mình làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Hiện, trên địa bàn tỉnh có 61 CCB từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Chiến tranh đã lùi xa, những người lính năm đó giờ tuổi đã cao nhưng ký ức về chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn luôn khắc sâu trong tâm trí của họ. Trở về với đời thường, các CCB ấy tiếp tục tham gia hoạt động xã hội ở địa phương, đóng góp sức mình để xây dựng quê hương. Mỗi hồi ức về tháng ngày hào hùng “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” đã trở thành những câu chuyện để các CCB giáo dục thế hệ trẻ tiếp tục phát huy tinh thần, hào khí cách mạng, tiếp bước truyền thống cha anh phát huy tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, hăng hái tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

CẨM TÚ