Thứ tư,  18/09/2024

Đảng bộ tỉnh lãnh đạo phong trào cách mạng tiến tới giải phóng Lạng Sơn

– Cách đây 90 năm, trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào giải phóng dân tộc của Nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, giữa năm 1933, được sự phân công, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã tới xã Thụy Hùng, châu Văn Uyên tổ chức thành lập chi bộ đảng gồm 5 đồng chí: Đoàn Viết Bứng, Đoàn Viết Cảnh, Đồng Viết Đại, Nông Viết Bảo và Mã Khánh Phương do đồng chí Hoàng Văn Thụ trực tiếp giữ chức vụ Bí thư Chi bộ. Đây là chi bộ Đảng đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn, đảm nhiệm vai trò, nòng cốt phát triển phong trào cách mạng của tỉnh.

Sự ra đời của cơ sở Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Lạng Sơn là kết quả của sự nỗ lực tuyên truyền, gây dựng cơ sở trong những ngày đầu với nhiều khó khăn, thử thách, là mốc son quan trọng trong tiến trình phát triển của lịch sử cách mạng tỉnh Lạng Sơn.

  Lãnh đạo phong trào cách mạng, giành chính quyền

Đáp ứng yêu cầu cấp thiết của Đảng là phải thành lập một tổ chức cách mạng lãnh đạo trực tiếp ở địa phương, đưa phong trào đấu tranh của công nhân và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh hòa vào cuộc đấu tranh chung của toàn dân tộc. Dưới  sự lãnh đạo thống nhất của Chi bộ Đảng Thụy Hùng, Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn đã tự giác đi theo đường lối, chủ trương trong phong trào giải phóng dân tộc của Đảng. Tại Đại hội lần thứ nhất của Đảng ta đã khẳng định “Điều rất đặc sắc là cuộc đấu tranh của công nông người Thổ, người Nùng ở Cao Bằng, Lạng Sơn có tính chất tổ chức chu đáo và theo những khẩu hiệu cộng sản rõ rệt…”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh họp với Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch biên giới 1950. Ảnh tư liệu

Năm 1936, dưới sự vận động, tổ chức của Đảng, phong trào cách mạng của quần chúng đã phát triển mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, trong đó có Bắc Sơn và Tràng Định. Đây chính là dấu mốc phát triển mới của Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn về đấu tranh thực hiện các mục tiêu dân chủ, dân sinh trong bối cảnh mới.

Năm 1940, chiến tranh thế giới thứ II ngày một lan rộng, trước tình hình đó, ngày 22/9/1940, phát xít Nhật đánh chiếm Lạng Sơn, quân Pháp yếu ớt tháo chạy. Nắm bắt thời cơ đó, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng Bắc Sơn cùng Nhân dân các dân tộc Bắc Sơn, Chiêu Vũ, Hưng Vũ, Trấn Yên… đã đứng lên tấn công, đánh chiếm đồn Mỏ Nhài ngày 27/9/1940.

Đầu năm 1941, giữa lúc cao trào đánh Pháp, đuổi Nhật của Nhân dân ta đang trên đà phát triển, Hội nghị Trung ương tám, họp tại Pác Bó, tỉnh Cao Bằng tháng 5/1941 quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh. Quán triệt chủ trương của Trung ương Đảng, cuối năm 1941, Ban Việt minh Cao – Bắc – Lạng được thành lập để thống nhất sự chỉ đạo của phong trào cách mạng. Tại Lạng Sơn chỉ trong vòng 3 năm từ 1942 đến 1944, phong trào Việt minh phát triển rộng khắp các huyện: Tràng Định, Văn Uyên, Thoát Lãng, Bình Gia, Bắc Sơn. Các lớp huấn luyện tập trung của tỉnh được tổ chức tại Khuổi Nghìn, Tà Lừa, Nà Chát, Khuổi Nhử… tuyên truyền, phổ biến tình hình nhiệm vụ cách mạng Việt Nam cũng như phương pháp đấu tranh phù hợp với tình hình của tỉnh Lạng Sơn. Qua đó, các tổ chức cứu quốc được thành lập như: Hội Nông dân cứu quốc, Hội Phụ nữ cứu quốc, Hội Thanh niên cứu quốc, Hội Phụ lão cứu quốc…

Đầu năm 1945, được sự chỉ đạo của Liên Tỉnh ủy Cao – Bắc – Lạng, của Cứu quốc quân, đội vũ trang tuyên truyền được thành lập ở nhiều địa phương trong tỉnh như ở Hội Hoan, do đồng chí Hoàng Văn Kiểu phụ trách; ở Thụy Hùng, Châu Văn Uyên do đồng chí Bế Chấn Biên phụ trách; ở Chí Minh, Tràng Định do đồng chí Hoàng Văn Tuân phụ trách; ở Bình Gia do đồng chí Hà Tân Cương và Hà Khai Lạc phụ trách. Với những sự phát triển mạnh mẽ này, tháng 5/1945, Tỉnh ủy lâm thời Lạng Sơn được kiện toàn tại khu rừng Khau Kham, xã Hoa Thám, huyện Bình Gia gồm các đồng chí: Hoàng Văn Kiểu, Lô Quang Nam, Phan Mạnh Cư và Bảo An. Đây chính là tiền đề để lãnh đạo Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn tiến lên giành chính quyền về tay Nhân dân ngày 25/8/1945. Có được thành quả cách mạng này là sự phấn đấu hy sinh, gian khổ của đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng.

  Giữ vững thành quả cách mạng, kiên cường kháng chiến

Sau ngày Cách mạng Tháng tám thành công, Tỉnh ủy lâm thời đã khẩn trương xây dựng, củng cố hệ thống chính quyền cách mạng và tiến hành phong trào diệt giặc đói, giặc dốt cho Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Trước âm mưu hòa hoãn và câu kết của thực dân Pháp với quân Tưởng, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã nhanh chóng chuyển từ căn cứ Ba Xã về thị xã trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng, ngay sau khi ổn định, Tỉnh ủy đã ra chủ trương:

– Nhanh chóng giải quyết tàn dư bọn đặc vụ Tưởng đặc biệt là vấn đề Hoa kiều hóa.

– Ổn định đời sống Nhân dân ở những nơi quân Tưởng vừa rút.

– Củng cố vững chắc chính quyền cách mạng các địa phương, phát động quần chúng Nhân dân tích cực tăng gia sản xuất.

– Củng cố và tăng cường xây dựng lực lượng vũ trang, sẵn sàng đối phó với mọi sự khiêu khích của kẻ thù.

Cán bộ xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn giới thiệu một số hình ảnh về căn cứ địa Bắc Sơn tại di tích Khuổi Nọi.  Ảnh : Vũ Như Phong

Ngày 7/7/1946, theo Hiệp định sơ bộ, thực dân Pháp quay lại chiếm đóng địa bàn tỉnh Lạng Sơn với dã tâm xâm chiếm đất nước ta một lần nữa. Đứng trước tình hình đó, tháng 2/1947, Tỉnh ủy Lạng Sơn chỉ đạo xây dựng 2 khu căn cứ chiến lược của tỉnh. Khu 1 gồm: Bình Gia, Bắc Sơn, Bằng Mạc, Điềm He; khu 2 gồm Cao Lộc, Lộc Bình. Ngày 7/10/1947, thực dân Pháp mở một cuộc tấn công quy mô lớn với 20.000 quân tinh nhuệ lên Việt Bắc với mục đích tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến và bộ đội chủ lực của ta để hoàn thành công cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Tại Lạng Sơn, chúng cho quân tiến lên với số lượng lớn theo đường số 4 từ Móng Cái, Quảng Ninh qua Đồng Đăng lên Đông Khê (Cao Bằng). Trước âm mưu của thực dân Pháp đối với Lạng Sơn, Tỉnh ủy đã đề ra chủ trương củng cố các căn cứ an toàn, nêu cao cảnh giác, đối phó với âm mưu của địch vào hậu phương của ta. Đồng thời, chỉ đạo phát triển chiến tranh du kích tiêu diệt, làm tiêu hao sinh lực địch khi hành quân qua đường số 4 với nhiều chiến công vẻ vang như: Đèo Bông Lau, Đèo Khách, Bản Nằm, Lũng Vài, Lũng Phầy, Bản Trang…

Đầu năm 1950, để đối phó với lực lượng của ta, thực dân Pháp đã phải co cụm lại từ 59 vị trí xuống còn 48 vị trí. Đồng thời, bổ sung lực lượng cho quân chiếm đóng ở Lạng Sơn lên tới 9.000 tên. Trước tính hình đó, Tỉnh ủy Lạng Sơn khẳng định “Mặc dù địch tăng cường lên Lạng Sơn một lực lượng lớn binh lực nhưng phải rải mỏng để chiếm đóng. Địch tuy mạnh nhưng không nắm được địa bàn vì vậy các cuộc hành quân đều bị ta tấn công tiêu diệt”. Tháng 6 năm 1950, Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Biên giới nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng biên giới phía Bắc nước ta, thu hẹp phạm vi chiếm đóng của thực dân Pháp, mở rộng căn cứ địa Việt Bắc. Với các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn đã xác định rõ vị trí và trách nhiệm của mình trong chiến dịch này, Tỉnh ủy đã chỉ đạo thành lập ban chỉ huy dân công hỏa tuyến ba cấp để phục vụ cho chiến dịch.

Đúng 6 giờ ngày 16/9/1950, quân ta bắt đầu nổ súng vào cứ điểm Đông Khê mở màn cho chiến dịch biên giới. Tại địa bàn tỉnh Lạng Sơn, được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, các lực lượng vũ trang và dân quân du kích từ huyện Đình Lập đến huyện Tràng Định luôn tập kích, tiêu diệt sinh lực địch buộc thực dân Pháp phải rút lui co cụm về thị xã Lạng Sơn. Chỉ trong vòng 1 tuần lễ từ ngày 10/10 đến 17/10/1950, thực dân Pháp buộc phải rút quân khỏi Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn được hoàn toàn giải phóng. Với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng”, trải qua 4 năm phấn đấu kiên cường, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh trên mặt trận đường số 4, Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh xương máu của mình đã đóng góp 714.000 lượt người cho chiến dịch biên giới, góp công vận chuyển hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm phục vụ chiến dịch, nhiều người con của quê hương Xứ Lạng đã chiến đấu kiên cường, anh dũng hy sinh vì Tổ quốc.

Như vậy, sau 17 năm khi cơ sở Đảng đầu tiên của Đảng bộ tỉnh ra đời tại Thụy Hùng với 5 đồng chí đảng viên là những hạt giống đỏ của Đảng bộ tỉnh, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của tổ chức Đảng, quân và Nhân dân các dân tộc Lạng Sơn đã chủ động, sáng tạo đấu tranh giành chính quyền trong cách mạng Tháng Tám năm 1945 và kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Với những thành tích xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, quân và dân các dân tộc Lạng Sơn vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh Hùng lực lượng vũ trang Nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Với những thành tựu mà Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn trong cuộc đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc là niềm tự hào, nguồn động viên và là hành trang để Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh vững bước trong sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.

LÝ MINH THU (Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ)