Thứ tư,  18/09/2024

75 năm học và làm theo Bác về thi đua ái quốc

– Trong 75 năm qua, thực hiện lời kêu gọi “Thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh (11/6/1948-11/6/2023), các cấp uỷ Đảng, chính quyền, toàn dân nói chung, Nhân dân Xứ Lạng nói riêng đã học tập và ra sức làm theo, cùng nhau thi đua, góp sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh.

Sau cách mạng tháng Tám 1945, thực dân Pháp dã tâm dùng vũ lực hòng đặt lại ách thống trị trên đất nước ta một lần nữa. Trong bối cảnh cam go, quyết liệt của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, để khích lệ, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ, toàn dân, toàn diện, theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 27/3/1948, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc, trong đó xác định “Mục đích thi đua ái quốc là làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến thiết chóng thành công”.

Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trao cờ thi đua của UBND tỉnh cho các tập thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước năm 2022

Ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, phát động phong trào thi đua yêu nước trên toàn quốc và chỉ rõ: “Bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau: Làm cho mau, làm cho tốt, làm cho nhiều… Thi đua ái quốc sẽ ăn sâu, lan rộng khắp mọi mặt và mọi tầng lớp nhân dân, và sẽ giúp ta dẹp tan mọi nỗi khó khăn và mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng”.

Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được truyền đi như lời hiệu triệu, thôi thúc đồng bào và chiến sĩ cả nước đoàn kết một lòng, phát huy ý chí tự lực, tự cường, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, ra sức thi đua, đóng góp sức người, sức của vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước. Ngoài chiến trường, các chiến sĩ thi đua giết giặc lập công; ở hậu phương, Nhân dân thi đua tăng gia sản xuất giỏi, chống giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm… Khẩu hiệu “Ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sỹ, hậu phương thi đua với tiền phương” và “Người người thi đua, nhà nhà thi đua, ngành ngành thi đua, ta nhất định thắng, địch nhất định thua” đã thực sự trở thành hành động trong cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, đưa cuộc kháng chiến thống thực dân Pháp xâm lược đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam (1954 -1975), các phong trào thi đua yêu nước tiếp tục phát triển trên các lĩnh vực, các ngành, các giới, các miền… Các phong trào thi đua yêu nước đã động viên mọi tầng lớp Nhân dân tích cực chiến đấu, lao động, sản xuất, góp phần quan trọng đánh thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc cùng các chiến lược chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ, Việt Nam hóa chiến tranh ở miền Nam, đưa đến đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra một kỷ nguyên mới vĩ đại của lịch sử dân tộc.

Sau khi đất nước thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, nhất là trong hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày càng được vận dụng sáng tạo, linh hoạt với nội dung cụ thể, thiết thực, hình thức phong phú trên mọi lĩnh vực, ở các cấp, các ngành, từ trung ương đến địa phương.

Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Dương Công Sửu, thành phố Lạng Sơn chia sẻ: Các phong trào thi đua yêu nước sau khi thống nhất đất nước tập trung hướng về cơ sở và người lao động, gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trở thành động lực quan trọng, thực sự đi vào cuộc sống, khơi dậy, động viên, lôi cuốn đông đảo các tầng lớp Nhân dân tích cực hưởng ứng. Qua theo dõi trên báo chí có thể thấy, các phong trào thi đua do Trung ương phát động như: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”, cùng nhiều phong trào thi đua yêu nước của các cấp, các ngành, các địa phương, như: phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Vì an ninh của Tổ quốc”, “Thi đua quyết thắng”… đã góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước.

Đồng chí Đoàn Thu Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể có thành tích xuất sắc, được bình xét trong các cụm thi đua năm 2022.  Ảnh ĐĂNG THUỲ

Trải qua 75 năm thực hiện lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ thời chiến đến thời bình ngày nay, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều thành tích, công lao đóng góp trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ghi nhận những thành quả đã đạt được trong 75 năm qua, tỉnh Lạng Sơn đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý.

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong 75 năm qua, cán bộ, đảng viên, Nhân dân toàn tỉnh đã nỗ lực, hăng hái thi đua trên mọi mặt trận, mọi lĩnh vực. Từ phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, nhiều tập thể, cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được các cấp, ngành khen thưởng. Theo số liệu tổng hợp của Sở Nội vụ, tính riêng trong 3 năm qua, toàn tỉnh đã có trên 110 tập thể, cá nhân được Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Những phong trào thi đua khác cũng được đẩy mạnh, nhân rộng trên các lĩnh vực phát triển kinh tế – xã hội.

75 năm qua, thực hiện lời dạy của Người “càng khó khăn, càng phải thi đua”, thi đua – khen thưởng là động lực phát triển, là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới. Chính vì vậy, thi đua yêu nước cần phải được tiến hành thường xuyên liên tục hằng ngày, thông qua việc đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước và đổi mới công tác thi đua khen thưởng ở các cấp, ngành, địa phương. Qua đó, tạo sự đồng bộ, nhịp nhàng trong việc tổ chức thực hiện để thi đua thực sự trở thành động lực to lớn của toàn Đảng, toàn dân cả nước nói chung, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Xứ Lạng nói riêng, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.

Ngày 4/3/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định về việc lấy ngày 11/6 hằng năm là Ngày Thi đua yêu nước. Đây là dịp để đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước gắn với việc triển khai sâu rộng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay.

THANH HUYỀN