Thứ năm,  19/09/2024

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn

Sáng 16/7, tiếp tục chuyến công tác tại Bắc Kạn, Thủ tướng Phạm Minh Chính có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn để đánh giá tình hình, kết quả phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh thời gian qua và đề ra phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới; giải quyết một số kiến nghị của tỉnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn. (Ảnh: Thanh Giang)
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn. (Ảnh: Thanh Giang)

Phát biểu định hướng thảo luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ trăn trở và đặt vấn đề Bắc Kạn đi lên từ hướng nào?

Theo đó, Thủ tướng gợi ý tỉnh cần đi lên từ tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; trong đó chú trọng và đi lên từ phát triển rừng; Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã có định hướng lớn, Đại hội Đảng bộ tỉnh cũng đề ra những phương hướng cụ thể, do đó Bắc Kạn phải nỗ lực vươn lên, “mạnh lên, giàu lên”, đi lên từ “bàn tay, khối óc, khung trời, mảnh đất” của mình; đi lên từ nội lực, con người, truyền thống lịch sử, văn hóa, thiên nhiên; chú trọng ngoại lực, bằng hợp tác, đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đào tạo từ phổ thông, có sự kế thừa, phát triển. Cái gì đang thiếu, đang cần thì tập trung làm, không để dàn trải.

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn ảnh 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn.

Theo báo cáo của Tỉnh ủy Bắc Kạn, nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực và quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện, sau 2 năm rưỡi, tỉnh đã đạt kết quả tích cực và khá toàn diện trên các lĩnh vực.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 2 năm 2021-2022 đạt 5,02%; 6 tháng đầu năm 2023 ước tăng 5,7%; GRDP bình quân đầu người đến năm 2022 đạt 46,3 triệu đồng/người, tăng 5,37 triệu đồng so năm 2020.

Bắc Kạn phải nỗ lực vươn lên, “mạnh lên, giàu lên”, đi lên từ “bàn tay, khối óc, khung trời, mảnh đất” của mình; đi lên từ nội lực, con người, truyền thống lịch sử, văn hóa, thiên nhiên; chú trọng ngoại lực, bằng hợp tác, đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đào tạo từ phổ thông, có sự kế thừa, phát triển. Cái gì đang thiếu, đang cần thì tập trung làm, không để dàn trải.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Cơ cấu kinh tế chuyển dần từ sản xuất nông nghiệp sang công nghiệp, xây dựng, dịch vụ-du lịch. Đến hết năm 2022, khu vực dịch vụ chiếm 51,9%, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 28,9%; khu vực công nghiệp-xây dựng chiếm 16,1%.

Nông, lâm nghiệp phát triển ổn định. Tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp với mục tiêu phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, đáp ứng nhu cầu thị trường, mở rộng liên kết sản xuất và nâng cao chuỗi giá trị gắn với xây dựng nông thôn mới. Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được tập trung chỉ đạo thực hiện, tỷ lệ che phủ rừng đạt 73,35% (cao nhất cả nước).

Sản xuất công nghiệp của tỉnh tiếp tục phục hồi và phát triển, cơ cấu sản xuất công nghiệp chuyển dịch từ khai thác sang chế biến, tốc độ tăng trưởng bình quân 2 năm 2021-2022 đạt 9,8%/năm (mục tiêu là 12,8-13%). Trong 6 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng 10,8%.

Khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển có mức đóng góp cao nhất trong 3 ngành kinh tế, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng đều qua các năm; hoạt động xuất, nhập khẩu đạt khá với tốc độ tăng kim ngạch bình quân 2 năm 2021-2022 đạt 85%/năm. Tổng lượng khách du lịch đến Bắc Kạn 6 tháng đầu năm 2023 tăng nhanh, gấp 2,5 lần so cùng kỳ, đạt 74% kế hoạch năm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn ảnh 2
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Đăng Bình báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh tại buổi làm việc.

Kết quả thu ngân sách Nhà nước hằng năm đều vượt dự toán giao; đến năm 2022 đạt 855 tỷ đồng; chi thường xuyên ngân sách Nhà nước cơ bản bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.

Tỉnh ưu tiên bố trí vốn để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án trọng điểm, bảo đảm không dàn trải và lãng phí ngân sách.

Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ năm 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã cơ bản hoàn thành, hiện tỉnh đang tập trung hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7/2023. Đồng thời, tỉnh đã ưu tiên bố trí ngân sách và khẩn trương tổ chức triển khai lập quy hoạch các cấp trên địa bàn.

Vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước năm 2021-2022 khoảng 4.300 tỷ đồng, chiếm 38% tổng vốn đầu tư toàn xã hội (khoảng 11.100 tỷ đồng).

Hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội được quan tâm đầu tư; một số dự án giao thông kết nối vùng, phục vụ phát triển du lịch được tỉnh xác định là công trình trọng điểm và thành lập Ban Chỉ đạo do Bí thư Tỉnh ủy là Trưởng Ban để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn gắn với thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn ảnh 3
Quang cảnh buổi làm việc.

Tỉnh đang tập trung chỉ đạo quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Đến ngày 14/7/2023, giá trị giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 được 688.663 triệu đồng, đạt 25,7% số kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao (bình quân cả nước đạt 30,5%, vùng trung du miền núi phía bắc đạt 28,8%); phấn đấu đến 30/9/2023 giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 51% và hết năm 2023 đạt trên 95% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao.

Tỉnh đã tăng cường chỉ đạo công tác phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã và tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn để thu hút các thành phần kinh tế đầu tư tại địa phương.

Kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 tăng 11 bậc, đứng thứ 48/63 tỉnh, thành phố; đến năm 2022 tăng 13 bậc, đứng thứ 35/63 tỉnh, thành phố, nằm trong nhóm các tỉnh có chất lượng điều hành kinh tế khá của cả nước. Công tác cải cách hành chính và chuyển đổi số được cấp ủy, chính quyền tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và đạt được một số kết quả nhất định.

Tỉnh đang tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra nhiều giải pháp cụ thể, quyết liệt để khắc phục hạn chế, nâng cao các chỉ số về cải cách hành chính, chuyển đổi số, quyết tâm phấn đấu nâng bậc xếp hạng của tỉnh trong năm 2023 và các năm tiếp theo.

Nguồn:https://nhandan.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-lam-viec-voi-ban-thuong-vu-tinh-uy-bac-kan-post762551.html

Theo nhandan.vn