Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết: Tại Kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa XV, các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Ngay sau kỳ họp, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã khẩn trương tổng hợp đầy đủ ý kiến của các đại biểu; đồng thời, chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Ban soạn thảo dự án luật và các cơ quan hữu quan tổ chức nghiên cứu tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật.

Quy định rõ thẩm quyền quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự
 Quang cảnh phiên họp. 

Thẩm quyền quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự bảo đảm phù hợp.

Một nội dung đáng chú ý trong dự thảo luật là việc chuyển mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự (Điều 11).

Trước đó, trong quá trình thảo luận, một số ý kiến đề nghị làm rõ và rà soát quy định tại khoản 3 về thẩm quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong việc chuyển mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự bảo đảm đồng bộ, thống nhất với Luật Đất đai, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Tại phiên họp, nói thêm về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới nêu rõ: Theo quy định của pháp luật về quy hoạch, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và Luật Đất đai năm 2013 cũng như Luật Đất đai đang sửa đổi, bổ sung trình Quốc hội, để UBND cấp tỉnh quyết định việc chuyển mục đích sử dụng đối với đất quốc phòng (khu quân sự) sang mục đích khác thì khu đất quốc phòng đó phải thuộc danh mục đất quốc phòng chuyển mục đích sử dụng, bàn giao cho địa phương quản lý để phát triển kinh tế – xã hội trong quy hoạch sử dụng đất quốc phòng và phương án sắp xếp nhà đất đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

“Vì vậy, quy định về thẩm quyền quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự sang mục đích khác tại dự thảo luật là phù hợp, để tạo điều kiện thuận lợi cho các bộ, ngành, địa phương triển khai các dự án phát triển kinh tế – xã hội có liên quan đến việc thu hồi đất quốc phòng đối với các trường hợp khu đất quốc phòng cần thu hồi chưa thuộc danh mục chuyển mục đích sử dụng trong Quy hoạch sử dụng đất quốc phòng và phương án sắp xếp lại, xử lý tài sản công đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhằm khắc phục một số bất cập hiện nay trong chuyển mục đích sử dụng và thu hồi đất quốc phòng, đáp ứng với yêu cầu của thực tiễn”, Chủ nhiệm Lê Tấn Tới nói.

Quy định rõ thẩm quyền quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự
 Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới.

Bên cạnh đó, theo Chủ nhiệm Lê Tấn Tới, hiện nay, Luật Đất đai đang được sửa đổi, bổ sung trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (diễn ra vào tháng 10-2023); Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi) phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu sửa đổi nội dung về chuyển mục đích sử dụng đất, trong đó có việc chuyển mục đích sử dụng đất quốc phòng sang mục đích khác để thống nhất với dự thảo luật này, với hệ thống pháp luật hiện hành và các dự thảo luật đang trình Quốc hội về thẩm quyền quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự sang mục đích khác (bao gồm cả chuyển mục đích sử dụng đất quốc phòng).

Xác định phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự được nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng

Một nội dung khác là về xác định phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự (Điều 16), trong quá trình thảo luận, có ý kiến cho rằng, quy định như dự thảo luật chưa cụ thể, việc xác định tiêu chí phần mở rộng thêm chưa rõ ràng; tiêu chí từng loại nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự… chỉ mang tính định tính, thiếu căn cứ; đề nghị quy định chặt chẽ, thống nhất; xác định nguyên tắc, tiêu chí, yêu cầu cụ thể về phạm vi ranh giới; quy định cụ thể chiều cao không gian trên không, dưới mặt nước đối với các công trình quốc phòng và khu quân sự.

Về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới nói rõ: Dự thảo luật quy định các tiêu chí, nguyên tắc cơ bản và quy định giới hạn tối đa phạm vi bảo vệ theo từng loại, nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự cơ sở để Chính phủ quy định cụ thể phạm vi bảo vệ phù hợp với từng loại, nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự nhằm đáp ứng với yêu cầu công tác quản lý, bảo vệ và để xác định những nội dung quản lý, bảo vệ liên quan đến hạn chế quyền con người, quyền công dân, đồng thời bảo đảm bí mật công trình quốc phòng và khu quân sự theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

Việc xác định phạm vi khu vực bảo vệ của công trình quốc phòng và khu quân sự được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu, tính toán từ các yếu tố có thể tác động đến an toàn của công trình quốc phòng và khu quân sự, như: Khả năng sát thương, tầm bắn hiệu quả của một số loại vũ khí cá nhân, các loại phương tiện quan sát, trinh sát thông thường.

Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến các đại biểu, Chủ nhiệm Lê Tấn Tới đề nghị quy định cụ thể phạm vi khu vực cấm của công trình quốc phòng và khu quân sự xác định theo từng loại, nhóm, yêu cầu quản lý bảo vệ và vị trí, điều kiện địa hình, dân cư nơi có công trình quốc phòng và khu quân sự; đồng thời, chỉnh lý, sắp xếp lại các khoản, điểm cho chặt chẽ, thống nhất như Điều 17 dự thảo luật tiếp thu, chỉnh lý.

Nguồn:https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/quy-dinh-ro-tham-quyen-quyet-dinh-chuyen-doi-muc-dich-su-dung-cong-trinh-quoc-phong-va-khu-quan-su-739126