Martin Chungong là người rất quen thuộc với nhiều người Việt Nam. Người đàn ông Cameroon này trở thành người đầu tiên ngoài châu Âu và là người châu Phi đầu tiên giữ cương vị Tổng thư ký IPU trong suốt lịch sử 134 năm của diễn đàn nghị viện đa phương lớn nhất thế giới. Đó là một người lịch thiệp và luôn dành cho Việt Nam tình cảm yêu mến chân thành. Ông đã nhiều lần chia sẻ rằng luôn coi Việt Nam là quê hương thứ hai của mình; dù đi đâu, làm gì cũng sẽ luôn yêu quý Việt Nam, dành sự ủng hộ với Việt Nam.

Với những đóng góp đặc biệt trong việc tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và IPU, góp phần hỗ trợ công cuộc phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trên thế giới, ông đã vinh dự được Nhà nước Việt Nam trao tặng Huân chương Hữu nghị ngay khi kết thúc nhiệm kỳ Tổng thư ký IPU đầu tiên và tiếp nhận nhiệm kỳ Tổng thư ký IPU tiếp theo.

Lần này trở lại Việt Nam, Tổng thư ký IPU Martin Chungong mang theo tình cảm và ấn tượng sâu đậm với đất nước, con người và Quốc hội Việt Nam, với những người bạn, những người đồng nghiệp mà ông hằng yêu quý. Dù gặp gỡ song phương bên lề hội nghị hay phát biểu chính thức tại Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, Martin Chungong luôn nói rất nhiều, rất say sưa về những cảm nhận, đánh giá và ấn tượng về những dấu ấn, đóng góp rất tích cực, có trách nhiệm của Quốc hội Việt Nam với IPU cũng như với các diễn đàn nghị viện khu vực khác, nhất là trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, bao trùm. Trong bài phát biểu chính thức tại Lễ khai mạc Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, ông Martin Chungong nêu bật đánh giá Việt Nam đóng vai trò là “ngọn hải đăng” trong việc trao quyền cho giới trẻ khi nói đến công nghệ.

Chủ tịch IPU Duarte Pacheco đánh giá, Quốc hội Việt Nam đang làm gương trong những nỗ lực vì giới trẻ và nâng tầm vai trò của giới trẻ. Quốc hội Việt Nam biến lời nói thành hành động, đem lại không gian để các nghị sĩ trẻ nâng tầm vai trò của mình.

Là người đến Việt Nam từ rất sớm để cùng nước chủ nhà Việt Nam chuẩn bị cho Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, đại diện Ban Thư ký IPU Zeina Hilal nhấn mạnh tới vai trò dẫn dắt, lãnh đạo của Quốc hội Việt Nam tại sự kiện rất quan trọng này. Bà Zeina Hilal đã nêu ra những con số rất cụ thể để minh chứng cho nhận định của mình: Số lượng đại biểu là nghị sĩ, đại biểu quốc tế và số đoàn đại biểu tới Việt Nam dự Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 cao nhất trong suốt 9 lần hội nghị được tổ chức cho thấy rất rõ vai trò dẫn dắt, lãnh đạo của Quốc hội Việt Nam. Chứng kiến những gì đang diễn ra tại Việt Nam, bà Zeina Hilal bày tỏ tin tưởng chắc chắn rằng, Việt Nam là nước chủ nhà hoàn hảo nhất cho sự kiện diễn đàn đa phương Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu.

Dấu ấn Việt Nam
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch IPU Duarte Pacheco, Tổng thư ký IPU Martin Chungong và các đại biểu tham quan gian hàng triển lãm sản phẩm OCOP Việt Nam. Ảnh: VIỆT TRUNG 

 

Theo đánh giá của nhiều đại biểu quốc tế, Quốc hội Việt Nam luôn có nhiều sáng kiến nổi bật tại các diễn đàn nghị viện khu vực và thế giới. 8 năm trước, cũng tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Mỹ Đình, Hà Nội), IPU-132 đã thông qua Tuyên bố Hà Nội về các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), đặt ra các cam kết của các nghị sĩ trong việc giải quyết những ưu tiên toàn cầu. Sáng kiến nổi bật này của Quốc hội Việt Nam đã trở thành một dấu mốc lịch sử cho diễn đàn IPU, khẳng định cam kết của các nghị viện thành viên IPU trong việc đồng hành biến lời nói thành hành động để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 do Liên hợp quốc đặt ra.

Sự tiếp nối của truyền thống

Phát triển bền vững là mục tiêu đã được Việt Nam rất quan tâm trong suốt chiều dài lịch sử phát triển đất nước, thông qua một kho tàng kinh nghiệm dân gian phong phú, khổng lồ về ứng phó, phòng, chống thiên tai và thích ứng với thiên nhiên; luôn có sự gắn bó mật thiết giữa phát triển kinh tế-xã hội với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống; cũng như thông qua truyền thống chăm lo cho thế hệ trẻ, tương lai của mỗi gia đình và toàn xã hội.

Ngay từ những ngày đầu xây dựng đất nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh tới tầm quan trọng của “vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. “Tết trồng cây” đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động vào mùa xuân hằng năm, trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của cả dân tộc Việt Nam mỗi dịp đầu xuân, năm mới để nhân rộng những thảm thực vật xanh tươi cho sự phát triển vững bền của đất nước.

Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức chỉ sau vài tháng Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập cho thấy rất rõ tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc phục hưng, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, phục vụ sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất non sông và xây dựng đất nước thành quốc gia hùng mạnh, trường tồn.

Trong suốt thời gian xây dựng và phát triển đất nước sau đó, Việt Nam luôn theo đuổi chính sách phát triển kinh tế một cách bền vững, luôn khuyến khích người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh theo hướng thân thiện với môi trường, chung tay bảo vệ môi trường sống, bảo vệ trái đất; đẩy mạnh thực hiện chính sách phát triển bao trùm, thu hẹp khoảng cách phát triển trong xã hội.

Điều đó xuất phát từ chính nhu cầu của Việt Nam, khi trên bản đồ thế giới được đánh dấu đỏ bởi chịu tác động nặng nề nhất từ sự biến đổi khí hậu, với những hình thái thiên tai rất phức tạp, nguy hiểm xuất hiện với tần suất ngày càng dày hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân cũng như sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Vì thế, tại COP-26, Việt Nam đã trở thành một trong những nước tiên phong cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050-ngang bằng với cam kết của các nước có trình độ phát triển kinh tế ở mức độ cao trên thế giới.

Quốc hội Việt Nam cũng luôn luôn kiến tạo những chính sách phát triển bền vững, bao trùm. 3 chương trình mục tiêu quốc gia với quy mô rất lớn, bao gồm Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được Quốc hội Việt Nam thông qua, hiện đang được Quốc hội giám sát rất sát sao việc thực hiện, cùng với hàng loạt quyết sách lớn tại mỗi kỳ họp Quốc hội đã góp phần quan trọng đưa Việt Nam trở thành điểm sáng nổi bật trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau của Liên hợp quốc.

Trong tiến trình thực hiện phát triển bền vững, việc khai thác sức mạnh của khoa học-công nghệ, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, phát huy giá trị của văn hóa đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy hòa bình, phát triển bền vững, hoạch định giải pháp để giải quyết những thách thức phức tạp của thế giới hôm nay; khai thác tối đa hiệu quả của khoa học-công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, văn hóa phục vụ sự phát triển bền vững, giảm rủi ro và những tác động không mong muốn-bao gồm cả an ninh, an toàn trên môi trường số.

Vì thế, sáng kiến của Việt Nam trong việc tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 với chủ đề “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo” một lần nữa được bạn bè quốc tế đánh giá là một dấu mốc lịch sử trong việc hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc, trong bối cảnh chỉ còn 7 năm để triển khai thực hiện SDGs với khối lượng công việc khổng lồ còn đang dang dở do sự ngăn trở trong thời gian dài cả thế giới phải căng mình phòng, chống dịch Covid-19.

Đặc biệt, với việc lần đầu tiên trong lịch sử 9 lần tổ chức, Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 tại Hà Nội đã thông qua Tuyên bố về “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, điều này thể hiện sự quyết tâm, đồng thuận cao và cam kết mạnh mẽ của các nghị sĩ trẻ IPU trong việc thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu.

Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 đã thành công tốt đẹp, kết thúc chương trình nghị sự hết sức sôi nổi và hiệu quả, nhưng lại là sự khởi đầu mới đầy tốt đẹp trong việc phát huy vai trò của nghị sĩ trẻ, của giới trẻ cũng như của nghị viện các nước thành viên IPU trong việc chung tay cùng cả thế giới thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững…

Nguồn:https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/dau-an-viet-nam-743048