Như Báo Quân đội nhân dân điện tử đã đưa tin, sáng 13-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về tờ trình của Chính phủ về kết quả thực hiện, khó khăn vướng mắc trong triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2021-2023 và đề xuất giải pháp, cơ chế đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình trong thời gian tới.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Bằng mọi cách giải quyết vướng mắc, thúc đẩy thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tháo gỡ vướng mắc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Điều hành nội dung này, Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, về quan điểm chung thì Đoàn giám sát và các Ủy ban đều thống nhất việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc hiện nay của 3 chương trình mục tiêu quốc gia để đẩy nhanh tiến độ giải ngân và làm cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia đã đạt được kỳ tích của giai đoạn trước tiếp tục được phát huy, nếu không sẽ mất giá trị và ý nghĩa của giai đoạn trước. Đây cũng là những vấn đề tháo gỡ để phù hợp với thực tiễn cuộc sống, sinh hoạt, lao động, sản xuất của người dân, đặc biệt là các vùng mà chúng ta áp dụng các chương trình mục tiêu quốc gia, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Đoàn giám sát cũng rất đồng tình với Chính phủ trong việc phát hiện và đề xuất việc này, nếu không tháo gỡ thì ý nghĩa của 3 chương trình sẽ rất hạn chế. Các cơ quan và Đoàn giám sát đều thống nhất chủ trương này.

Nhất trí với các đề xuất của Đoàn giám sát và Chính phủ, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị phân biệt trong tổ chức thực hiện giữa các khoản đầu tư, khoản hỗ trợ của ngân sách và khoản trợ cấp. “Theo tôi nghĩ lên đi theo hướng là đã trợ cấp cho các đối tượng thì thủ tục phải gọn nhẹ, cũng giống như một số ý kiến thường nói là hỗ trợ nhà cho nhân dân thì 50 triệu, 30 triệu, 40 triệu mà lại quản lý theo đầu tư công thì không thể được hoặc đấu thầu dự án càng không được”, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nói.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Bằng mọi cách giải quyết vướng mắc, thúc đẩy thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu. 

Từ đó, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu ý kiến đã hỗ trợ, trợ cấp thì chỉ cần đưa ra các tiêu chí, tiêu chuẩn và hỗ trợ, trợ cấp bằng tiền để người dân thực hiện theo hướng dẫn. Phân phân cấp mạnh cho chính quyền địa phương, đưa ra tiêu chí gọn nhẹ, vừa phải, ràng buộc về chất lượng và hiệu quả của chương trình.

Đánh giá Chính phủ và Đoàn giám sát đã làm việc rất cẩn thận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định bày tỏ thống nhất với 5 nhóm vấn đề mà Chính phủ và Đoàn giám sát đã trình, xây dựng dự thảo nghị quyết để trình Quốc hội quyết định.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Bằng mọi cách giải quyết vướng mắc, thúc đẩy thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu. 

Theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, việc triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia bị chậm so với kế hoạch, vì cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Dự thảo nghị quyết trình Quốc hội có tính chất có tính chất khắc phục những tồn tại, hạn chế thực tế hiện nay, làm bất cứ cái gì có thể khắc phục được chậm, hạn chế, yếu kém hiện nay.

“Với 3 chương trình này ý nghĩa lớn lắm, bây giờ tiền có rồi, giải ngân không được, dân mong chờ từng ngày, tăng trưởng thì thấp, tiền đầu tư đẩy vào thì sẽ thúc đẩy tăng trưởng lên, được rất nhiều thứ. Còn luật lệ, trong quá trình nước ta đang phát triển có thể dự liệu chưa hết thì bây giờ sửa, sau này sửa luật thì sẽ tính, còn bây giờ phải tháo gỡ vướng mắc. Tôi cho đây như biện pháp chữa cháy, bây giờ phải bằng mọi biện pháp, phải bằng mọi lực lượng để giải quyết”, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Bằng mọi cách giải quyết vướng mắc, thúc đẩy thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia

Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu. 

Phát biểu tại phiên họp, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang khẳng định, Chính phủ chỉ xin chuyển nguồn năm 2023 sang năm 2024, riêng nguồn năm 2023 sẽ cố gắng thực hiện. Chính phủ đã yêu cầu các địa phương nỗ lực cao nhất để giải ngân hết chương trình vốn của năm 2022. Về cơ bản, các địa phương đã cam kết hoàn thành giải ngân nguồn năm 2022.

Về cơ chế thí điểm, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang bày tỏ mong muốn Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý về nguyên tắc để Chính phủ nghiên cứu, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội vào thời điểm thích hợp với nguyên tắc chỉ thí điểm hoặc quy định cơ chế đặc thù đến hết năm 2025.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Bằng mọi cách giải quyết vướng mắc, thúc đẩy thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương kết luận phiên họp. 

Kết luận nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí không xây dựng nghị quyết riêng về các nội dung Chính phủ đề xuất, mà đưa vào nghị quyết giám sát vì đây là những cơ chế đặc thù. Riêng cơ chế thí điểm khoán gọn cho cấp huyện thì giao Chính phủ tiếp tục thực hiện và báo cáo Quốc hội vào thời điểm thích hợp.

Nguồn:https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-bang-moi-cach-giai-quyet-vuong-mac-thuc-day-thuc-hien-3-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-746913